banner_2021_1_

"Cá lớn ngoại" chiếm thị trường bao bì

Ngày 04-07-2019

 

Thị trường bao bì ở Việt Nam, đặc biệt là mảng bao bì thực phẩm, được ví như "miếng mồi ngon" mà ở đó việc chiếm giữ thị phần gần như thuộc về các tập đoàn toàn cầu được ví như "cá lớn".

nh_my_sn_xut_bao_b_hm_hp

Một trong "cá lớn" đó chính là Tập đoàn Tetra Pak của Thụy Điển khi vào ngày 3/7 đã khánh thành nhà máy sản xuất vật liệu hộp giấy dùng làm bao bì thực phẩm ở Khu công nghiệp VSIP II (Bình Dương).

Nhà máy có trị giá đầu tư 120 triệu Euro với công suất ban đầu là 12 tỷ bao bì hộp giấy/năm, nhằm phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa, đưa Việt Nam vào bản đồ cung ứng toàn cầu của hãng.

"Mồi ngon" của khối ngoại

Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tetra Pak, cho biết phần lớn sản lượng bao bì của nhà máy sản xuất ra trong năm đầu tiên là để cung ứng cho thị trường bao bì thực phẩm Việt Nam, chỉ dành khoảng 5% cho xuất khẩu (XK). Công suất của nhà máy có thể mở rộng đến 20 tỷ bao bì hộp giấy/năm trong những năm tiếp theo dựa vào nhu cầu thị trường.

"Việc đầu tư nhà máy này nhằm phục vụ các khách hàng trong ngành hàng thực phẩm ở Việt Nam nhanh hơn, tốt hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Điều đó nhằm mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi trước đây phải tốn kém nhiều thời gian, chi phí để nhập khẩu sản phẩm bao bì của chính hãng được sản xuất ở Singapore hay Ấn Độ", ông Adolfo Orive nói.

Theo nhận định của giới chuyên gia, với việc Tetra Pak nói riêng hay các tập đoàn toàn cầu nói chung, rót vốn đầu tư vào các nhà máy sản xuất bao bì ở Việt Nam là minh chứng rõ nét về độ hấp dẫn, tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bao bì Việt.

Sức hấp dẫn này được thấy rõ trên thị trường bao bì đóng gói cho ngành thực phẩm. Theo ông Klaus Friedrich, đại diện Liên đoàn kỹ thuật Đức (VDMA), trong 5 năm tới, thị trường Việt Nam sẽ có sự gia tăng nhu cầu sử dụng trong lĩnh vực này với tổng mức tăng có thể trên 45%.

Dự báo mức tăng trưởng doanh thu cao nhất ở mảng ngành đóng gói thực phẩm tại Việt Nam từ năm 2018 – 2023 sẽ thuộc về các chế phẩm từ sữa, gạo, mì, mì sợi, nước sốt và gia vị, dầu ăn, đồ khô…

Theo đánh giá, mức tăng trưởng của ngành đóng gói bao bì thực phẩm ở Việt Nam tăng trưởng khoảng 15 – 20%/ năm. Riêng với thị trường thực phẩm dạng lỏng đang phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 6% trong 3 năm vừa qua và được dự đoán tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong 3 năm tới, so với tỷ lệ 4%/ năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 3%/năm trên toàn cầu.

Mặt khác, ngành hàng nông sản thực phẩm Việt đang phát triển mạnh và đẩy mạnh XK vào các thị trường lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, nên nhu cầu đóng gói bao bì thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn XK ngày càng cao.

Hay như thị trường sữa và đồ uống, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng tiêu thụ trên đầu người ở Việt Nam lên đến 28 lít/ năm vào năm 2020, trong khi thị trường nước trái cây tươi và nước cốt trái cây dự kiến cũng sẽ tăng 17,5% trong 5 năm tới. Đó chính là "mảnh đất màu mỡ" cho mảng bao bì sữa và nước giải khát.

Duy có điều, thị trường bao bì Việt dường như đang được các "cá lớn ngoại" nhắm vào để tranh giành thị phần béo bở này. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất bao bì trong nước không đủ công suất hoặc yếu về công nghệ, độ an toàn để cung cấp sản phẩm bao bì ngay trên sân nhà.

Tận dụng các FTA

Một số DN ngoại được cho là đang tăng cường thâm nhập ngành bao bì Việt Nam dưới nhiều hình thức từ đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất đến thâu tóm các DN nội địa lớn nhằm đón đầu các ưu đãi khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Đơn cử như cách đây 4 tháng, tại Khu công nghiệp Châu Sơn, tỉnh Hà Nam, Tập đoàn Bandai Namco của Nhật Bản đã khởi công nhà máy sản xuất bao bì Artpresto Việt Nam với công suất gần 40 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 5 triệu USD.

Trước đó, vào đầu năm nay, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), một tập đoàn khác của Nhật là Marubeni đã khởi công xây dựng nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia (KOA) với tổng vốn đầu tư 4.810 tỷ đồng, có công suất thiết kế 400.000 tấn giấy mặt và giấy sóng sử dụng trong ngành bao bì.

Hoặc như ở Tp.HCM, hồi giữa năm ngoái, công ty TNHH Bao bì United thuộc Tập đoàn Oji Holdings Corporation đã đầu tư hơn 15 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) trên diện tích 5 ha. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm từ giấy như các loại bao bì cao cấp dùng trong công nghiệp thực phẩm và nhãn hàng hóa.

Không chỉ đầu tư sản xuất bao bì thành phẩm, các DN ngoại còn thiết lập chuỗi mắt xích dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, từ cung ứng nguyên liệu đến máy móc, thiết bị và thậm chí là hoạt động tái chế.

Một số nhà sản xuất bao bì ngoại cũng cho rằng các FTA mà Việt Nam tham gia là rất quan trọng đối với họ. Như chia sẻ của ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành một thương hiệu bao bì ngoại thuộc dạng "cá lớn" tại Việt Nam, điều này giúp cho các DN đơn giản hóa trong quá trình kinh doanh.

Và các FTA sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư ngoại trong ngành bao bì phát triển bền vững hơn tại những quốc gia đến đầu tư, mà Việt Nam là một điển hình.

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 225
Trong tuần: 1006
Lượt truy cập: 1249508

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn