banner_2021_1_

Giải pháp giảm hàm lượng nhựa cây có trong nguyên liệu gỗ cứng dùng cho sản xuất bột giấy

Ngày 09-09-2016

 

BaoquangoHiện nay, ở Việt Nam, một số cơ sở sản xuất bột đang gặp khó khăn liên quan đến vấn đề nhựa trong quá trình sản xuất(đặc biệt là đối với cây nguyên liệu còn tươi, vừa khai thác). Các vấn đề về nhựa gây ra ở các nhà máy nhìn chung cũng tương tự như ở các nhà máy trên thế giới là sự kết tụ các đốm nhựa trên bề mặt thiết bị làm giảm hiệu quả hoạt động và tuổi thọ của thiết bị đồng thời giảm chất lượng sản phẩm.  

Trong các nhà máy sản xuất giấy, nhựa cây phân tán vào trong nước trắng có xu hướng kết hợp với các chất thành phần khác có trong hệ thống như canxi cacbonat tạo thành các hạt thường có màu đen kết tủa lên thành đường ống, bể chứa, bề mặt của các máy móc thiết bị. Cùng với thời gian, kích thước của các hạt cặn này phát triển lên và dưới tác dụng của lực ma sát tách ra khỏi bề mặt thiết bị và rơi vào trong dòng bột tạo nên các đốm đen, bụi bẩn làm giảm độ bền của giấy, gây rách giấy. Ngoài ra, nhựa cây trong bột giấy nhanh làm bẩn chăn lưới của máy xeo, ảnh hưởng tới quá trình thoát nước trên lưới xeo. Vấn đề nhựa càng trở nên nghiêm trọng hơn với các nhà máy có khả năng tuần hoàn nước cao.

Nhựa cây trong gỗ  được chứa chủ yếu ở trong các kênh dẫn nhựa (resin  canals), trong các túi nhựa (resin pockets), trong các tế bào nhu mô (parenchyma cells) hoặc ở một số tế bào chỉ có ở một số loại gỗ cứng nhiệt đới như các tế bào dầu (oil cells) và các tế bào latex (latex cells). Nhựa trong các kênh dẫn nhựa thông thường là hỗn hợp vô định hình của các terpen và terpenoit mạch vòng được hình thành từ các đơn vị isopren nhờ sự tiếp xúc của các enzyme tạo mạch vòng xyclaza. Khác với các kênh dẫn nhựa, các tế bào nhu mô không chứa các hợp chất mạch vòng mà chỉ chứa các glyxerit, steryl este, chất béo và axit béo.

Bảo quản nguyên liệu trước khi nấu bột giấy được biết đến là phương pháp làm giảm hàm lượng nhựa với chi phí thấp nhất. Sự biến đổi của nhựa trong công đoạn này chủ yếu là do phản ứng thủy phân, sự xâm nhập của các vi sinh vật, nấm trong tự nhiên vào các kênh dẫn nhựa, các tế bào nhu mô. Phương pháp truyền thống để kiểm soát các vấn đề về nhựa bao gồm bảo quản, lưu trữ gỗ khúc trong vài tháng hoặc vài tuần đối với dăm mảnh trước khi đưa vào sản xuất.

Bảo quản nguyên liệu dạng khúc

Nguyên liệu sau khi được khai thác ở dạng khúc, được bảo quản ở điều kiện  ngoài trời ở các thời gian khác nhau: 15 ngày, 30 ngày, 45 ngày và 90 ngày. Sau các thời gian bảo quản trên, lấy mẫu để xác định hàm lượng nhựa trong nguyên liệu sau bảo quản và tính chất bột sau nấu, sau tẩy trắng.

Bảo quản nguyên liệu dạng dăm mảnh không sử dụng chế phẩm sinh học: (đảo trộn và không đảo trộn dăm mảnh)

Nguyên liệu dăm mảnh được vun thành đống hình nón. Đống dăm mảnh được bảo quản theo các thời gian: 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày và 28 ngày, đồng thời không đảo trộn (đảo trộn) mẫu trong quá trình bảo quản. Sau các thời gian bảo quản trên, lấy mẫu để xác định hàm lượng nhựa trong nguyên liệu sau bảo quản và tính chất bột sau nấu, sau tẩy trắng.

Bảo quản nguyên liệu dạng dăm mảnh sử dụng chế phẩm sinh học

Nguyên liệu dăm mảnh được vun thành đống hình nón. Phun dung dịch nấm lên đống dăm mảnh và bảo quản với thời gian: 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 28 ngày. Sau các thời gian bảo quản trên, lấy mẫu để xác định hàm lượng nhựa trong nguyên liệu sau bảo quản và tính chất bột sau nấu, sau tẩy trắng.

Ảnh hưởng của độ tuổi, mùa khai thác, thời gian bảo quản đến hàm lượng nhựa có trong nguyên liệu gỗ

Đối với nguyên liệu gỗ khúc trong cùng một điều kiện sinh trưởng (cùng địa hình và môi trường sống), hàm lượng nhựa có xu hướng tăng khi độ tuổi của cây nguyên liệu tăng và mùa khai thác là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất quan trọng đến hàm lượng nhựa trong nguyên liệu. Nguyên liệu gỗ keo, bạch đàn khai thác vào mùa xuân có hàm lượng nhựa cao hơn so với mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Khai thác vào mùa thu và mùa đông hàm lượng nhựa trong nguyên liệu (bạch đàn, keo) giảm từ 10 – 30% so với nguyên liệu (bạch đàn, keo) khai thác vào mùa xuân. Hàm lượng nhựa trong nguyên liệu khai thác vào mùa hạ giảm từ 1 – 5% so với nguyên liệu được khai thác vào mùa xuân. Thời gian bảo quản của nguyên liệu gỗ bạch đàn có tỷ lệ giảm hàm lượng nhựa sau 03 tháng bảo quản cao nhất từ 56,5 % (5 tuổi) đến 72,2% (6 tuổi), nguyên liệu gỗ keo hàm lượng nhựa giảm sau 03 tháng bảo quản từ 55,2% (6 tuổi) và 43% (7 tuổi). Mức giảm hàm lượng nhựa trung bình có trong nguyên liệu giảm 10 – 20% sau 30 ngày bảo quản đối với các loại nguyên liệu, độ tuổi cây và mùa khai thác. Sau 45 ngày bảo quản, mức giảm hàm lượng nhựa trung bình trong nguyên liệu từ 30 – 60% đối với các loại nguyên liệu, độ tuổi và mùa khai thác.

Ảnh hưởng của mùa khai thác, độ tuổi và thời gian bảo quản đến hàm lượng nhựa trong bột giấy sau nấu

Thời gian bảo quản khác nhau, hàm lượng nhựa trong bột giấy sau nấu cũng khác nhau. Khi tăng thời gian bảo quản, hàm lượng nhựa trong bột giấy giảm, thể hiện rõ nhất khi bảo quản từ 45 – 90 ngày. Bạch đàn 6 tuổi được bảo quản khoảng 45 ngày, hàm lượng nhựa còn lại trong bột chỉ khoảng 0,06%, giảm trên 90% so với nguyên liệu ban đầu. Nguyên liệu gỗ keo, hàm lượng nhựa trong bột sau nấu cao hơn nguyên liệu Bạch đàn. Gỗ keo 5 tuổi có hàm lượng nhựa thấp nhất là 0,32% với thời gian bảo quản là 90 ngày. Trong khi đó, gỗ keo 7 tuổi có hàm lượng nhựa cao nhất, sự chênh lệch so với nguyên liệu ban đầu nhỏ, khả năng tách loại nhựa kém hiệu quả hơn so với nguyên liệu bạch đàn.

Sự biến đổi thành phần các chất nhựa trong nguyên liệu trước bảo quản và sau bảo quản

Thành phần nhựa của nhựa cây hầu như đều có các axit nhựa, axit béo, và một số hợp chất trung tính điển hình như 3-penten-2-one, 4-methyl-;2-pentanone, 4-hydroxy-; 2-pentanone, 4-hydroxy-4-methyl-…Với bạch đàn 7 tuổi, xuất hiện một số axit như axit oleic, axit n – hexadecanoic, axit octadecanoic. Về hàm lượng, 2-pentanone, 4-hydroxy-4-methyl- có hàm lượng tương đối lớn và tăng khi độ tuổi nguyên liệu tăng, thể hiện rõ ở bạch đàn 6 tuổi. Ngoài ra, ở bạch đàn 7 tuổi xuất hiện một số axit béo có hàm lượng khoảng 3 – 7% rất dễ phân hủy trong quá trình bảo quản.

Đối với gỗ Keo, thành phần điển hình vẫn là 2-pentanone, 4-hydroxy-4-methyl-với hàm lượng lên đến trên 70% đối với gỗ keo 5 tuổi, hợp chất này giảm khi độ tuổi tăng.. Tuy nhiên, thành phần xuất hiện một số hợp chất mới với hàm lượng tương đối như 1,2-benzenedicarboxylic acid, bis(2-ethylhexyl) ester (2,5%) ở gỗ keo 6 tuổi và 1,2-benzenedicarboxylic acid, diisooctyl ester (5,95%), (2-hydroxyethyl)-triphenylphosphonium chloride (8,06%) ở gỗ keo 7 tuổi. Thành phần nhựa các mẫu sau bảo quản đều giảm tương đối nhiều so với nguyên liệu trước bảo quản kể cả số lượng và hàm lượng. Sau thời gian bảo quản, đối với nguyên liệu Bạch đàn một số hợp chất trung tính (-penten-2-one, 4-methyl-;2-pentanone, 4-hydroxy-; 2-pentanone, 4-hydroxy-4-methyl-), rượu không no không thay đổi. Trong khi đó, với nguyên liệu gỗ Keo, hàm lượng 2-pentanone, 4-hydroxy-4-methyl- giảm rõ rệt từ 75,92% xuống 30,42%. Các axit béo, axit nhựa (axit n – hexadecanoic, axit octadecanoic) trong cả hai loại nguyên liệu hầu như không còn.

Thời gian bảo quản kéo dài 90 ngày, hàm lượng các thành phần trung tính của bột bạch đàn giảm trung bình của các mẫu 5 tuổi, 6 tuổi và 7 tuổi so với bột từ nguyên liệu ban đầu là 46%, còn đối với nguyên liệu gỗ keo thì giảm ít hơn so với bạch đàn, tỷ lệ giảm trung bình là 36%.

Ảnh hưởng của phương pháp bảo quản và thời gian bảo quản nguyên liệu dạng dăm mảnh không sử dụng chế phẩm sinh học đến hàm lượng nhựa của nguyên liệu và hàm lượng nhựa của bột giấy sau nấu và tẩy trắng

Sau thời gian bảo quản từ 7÷28 ngày hàm lượng nhựa trong nguyên liệu bạch đàn và keo của cả hai phương pháp đảo trộn và không đảo trộn tương đương nhau. Hàm lượng nhựa bạch đàn, gỗ keo giảm rõ rệt nhất với thời gian bảo quản từ 14÷21 ngày.

Nhìn chung, hàm lượng nhựa của bột sau nấu từ các mẫu nguyên liệu sau các thời gian bảo quản từ 7÷28 ngày giảm dần, tuy nhiên sự chênh lệch không đáng kể. Về cơ bản, trong quá trình nấu bột các phản ứng xà phòng hóa được diễn ra gần như hoàn toàn, sản phẩm của chúng phân tán và được loại bỏ trong công đoạn rửa bột. Các hợp chất trích ly còn lại trong bột giấy sau nấu hầu như là các chất không xà phòng hóa được. Có thể cho rằng, nếu hàm lượng nhựa của nguyên liệu càng ít thì sẽ dẫn đến sự phân tán của chúng diễn ra dễ dàng hơn và dễ tách loại ra khỏi dòng bột trong quá trình rửa bột, đó có thể là lý do hàm lượng nhựa của bột sau nấu giảm.

Có thể thấy rằng sự khác biệt về hàm lượng nhựa còn lại trong bột sau tẩy trắng ở các thời gian bảo quản khác nhau là không đáng kể. Điều này có thể được lý giải như sau: trong cùng một chế độ công nghệ tẩy, các tác nhân hóa học sẽ loại bỏ phần lignin còn lại của bột giấy sau công đoạn nấu và làm biến đổi một số hợp chất mang màu.

Các tác nhân tẩy trắng thường không gây biến đổi hay phản ứng với các hợp chất trích ly mà có tác dụng hòa tan và phân tán các sản phẩm của chất trích ly còn sót lại trong bột giấy sau nấu. Chính vì vậy, hàm lượng nhựa của bột sau nấu có hàm lượng nhựa thấp hơn có thể dễ dàng bị phân tán và loại bỏ trong công đoạn rửa bột, do đó hàm lượng nhựa của bột sau tẩy trắng thấp hơn. Như vậy, với phương pháp bảo quản thông thường không sử dụng chế phẩm sinh học, thời gian bảo quản dăm mảnh kéo dài 28 ngày thì tính chất của bột ít bị ảnh hưởng.

Phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học để bảo quản nguyên liệu dạng dăm mảnh ảnh hưởng đến hàm lượng nhựa trong nguyên liệu, bột giấy sau nấu, sau tẩy, hàm lượng nhựa sau 14 ngày bảo quản của gỗ keo và bạch đàn nhìn chung có xu hướng giảm dần, trong đó hàm lượng nhựa của bạch đàn và gỗ keo ở mức dùng chế phẩm Cartapip97 là 5 g/TNL KTĐ lần lượt là 1,05% và 1,51%, giảm so với nguyên liệu ban đầu là 51% và 48%, với mức dùng tăng dần đến 10 g/TNL KTĐ, hàm lượng nhựa giảm ít hơn so với mức dùng 5 g/TNL KTĐ, tỷ lệ giảm khoảng 59% và 52%. Như vậy, có thể chọn mức dùng chế phẩm Cartapip 97 hợp lý để xử lý cho cả 2 loại nguyên liệu là 5 g/TNL KTĐ

Hàm lượng nhựa trong nguyên liệu giảm rõ rệt nhất sau thời gian bảo quản 14 ngày, cụ thể là hàm lượng nhựa của bạch đàn và gỗ keo lần lượt là 1,05% và 1,51%, tỷ lệ giảm tương ứng là 51% và 48% so với hàm lượng nhựa trong nguyên liệu trước bảo quản. Với thời gian bảo quản 21 ngày và 28 ngày, hàm lượng nhựa của cả hai nguyên liệu bạch đàn và gỗ keo giảm nhẹ so với thời gian bảo quản 14 ngày, với tỷ lệ giảm tương ứng là 59% và 55%.

Độ trắng và độ nhớt của bột sau tẩy trắng là hai tính chất quan trọng để đánh giá chất lượng bột giấy sau tẩy trắng, trong đó độ nhớt liên quan chặt chẽ đến tính chất của bột. Phương pháp  bảo quản nguyên liệu có sử dụng chế phẩm Cartapip 97, với mức dùng là 5 g/TNL KTĐ, thời gian bảo quản 14 ngày thì hàm lượng trong nguyên liệu bạch đàn và keo giảm lần lượt là 51% và 48% so với nguyên liệu trước bảo quản và không ảnh hưởng tới tính chất của bột giấy. Như vậy, có thể lựa chọn mức dùng và thời gian bảo quản hợp lý cho cả bạch đàn và keo là 5 g/TNL KTĐ và 14 ngày.

Ảnh hưởng của phương pháp bảo quản sử dụng chế phẩm sinh học đến sự thay đổi thành phần nhựa trong nguyên liệu, bột giấy sau nấu và sau tẩy trắng trước bảo quản và sau bảo quản

Hàm lượng các chất axit trong dịch trích của nguyên liệu sau khi xử lý bằng chế phẩm sinh học Cartapip 97 giảm đi rõ rệt (41,7%), trong đó hàm lượng các axit tự do có mạch C17-20 giảm như axit n-tetradecanoic giảm còn 1,25%, axít stearic không tìm thấy và axit 2-Hexyldecanoic giảm còn 23,7%. Bên cạnh đó, thành phần các hợp chất trung tính của dịch trích ly sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học Cartapip 97 có hàm lượng các chất ester sterol như Ergosteryl acetate giảm còn 17,15%, Cholesta-5,7,9(11)-trien-3-ol acetate giảm nhiều nhất, từ 9,6% xuống còn 1,3%, hợp chất ester 9,12,15-Octadecatrienoic acid, 2,3-dihydroxypropyl ester, (Z,Z,Z) cũng không được tìm thấy, hydrocacbon khác cũng giảm đáng kể. Ngoài ra các rượu béo như 2- hexadecanol, 1-docosanol, n- octadecanol cũng chỉ còn lại vết.

Đối với gỗ keo, thành phần axit béo giảm 46,2%, axit 2-Butenoic giảm còn 0,43%, axit Propanoic còn 1,71%, một số các axit chỉ còn vết như axit 9,12,15-Octadecatrienoic. Thành phần các hợp chất trung tính giảm 40,6%, trong đó ester sterol điển hình như Ergosteryl acetate giảm còn 21,7%, Cholesta-5,7,9(11)-trien-3-ol acetate giảm từ 2,42% xuống còn 1,74%. Như vậy, có thể thấy rằng việc giảm hàm lượng axit béo và các ester của các axit béo và rượu béo đa chức, các chất sáp... của dịch trích ly trong nguyên liệu Bạch đàn và Keo sau khi xử lý với chế phẩm sinh học Cartapip 97 có thể làm giảm được mức dùng hóa chất cho các phản ứng xà phòng hóa trong quá trình nấu, giúp tiết kiệm được hóa chất, đồng thời hạn chế được sự bám dính trên thiết bị

Thành phần nhựa trong bột giấy sau nấu và sau tẩy trắng

Kết quả tách chiết thành phần nhựa còn lại trong bột giấy sau nấu từ nguyên liệu Bạch đàn và Keo trước và sau khi bảo quản với Cartapip 97 được chỉ ra ở bảng 1

Bảng 1. Hàm lượng các thành phần nhựa trong bột giấy sau nấu

(mg/100 g bột giấy sau nấu)

Thành phần nhựa

Trước bảo quản

Cartapip 97

Trước bảo quản

Cartapip 97

A xít béo

Vết

Vết

Vết

Vết

Tp trung tính 

134

55

353

114

Thành phần khác

66

34

250

85

Tổng

237

192

844

380

Trong quá trình nấu, với tác nhân là xút, một số phản ứng xà phòng hóa của các axit béo và ester của chúng xảy ra gần như hoàn toàn, các sản phẩm của chúng được phân tán và loại bỏ trong quá trình rửa bột. Vì vậy, khi phân tách thành phần dịch trích ly, các thành phần các aixt béo chỉ còn lại vết. Nhìn chung, bột giấy sau nấu của nguyên liệu xử lý với nấm Cartapip 97 thì, thành phần trung tính giảm đáng kể so với bột từ nguyên liệu trước bảo quản, tỷ lệ giảm so với mẫu trước bảo quản của nguyên liệu bạch đàn và gỗ keo lần lượt là 59% và 68%. Các kết quả này cho thấy phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học tỏ ra khá hiệu quả để làm giảm hàm lượng nhựa trong nguyên liệu, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tẩy trắng sau này và giảm lượng tiêu thụ hóa chất tẩy trắng. Trong quá trình tách chiết dịch trích ly của các mẫu bột tẩy trắng của nguyên liệu trước bảo quản và sau bảo quản, do thành phần dịch trích ly của chúng còn rất ít do đó sau khi tách chiết chúng chỉ còn lại vết, việc xác định hàm lượng không đáng kể.

Giải pháp kỹ thuật để bảo quản nguyên liệu gỗ cứng dùng cho sản xuất bột giấy hóa học tẩy trắng.

Mô tả khái quát Giải pháp

Nguyên liệu dạng gỗ khúc hoặc dăm mảnh có kích thước và độ ẩm phù hợp được bảo quản tại bãi chứa nguyên liệu của nhà máy sản xuất bột giấy, trong thời nhất định không/có sử dụng chế phẩm sinh học. Với điều kiện bảo quản thích hợp, nguyên liệu sau bảo quản có hàm lượng nhựa giảm 20 ÷ 50%, chất lượng nguyên liệu sau bảo quản và tính chất cơ lý của bột giấy thu được vẫn đảm bảo cho sản xuất.

Đặc điểm của Giải pháp

Phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học để bảo quản nguyên liệu trong Giải pháp này, trước đây chưa được nhà máy sản xuất bột giấy nào ở Việt Nam áp dụng.

Giải pháp được xây dựng dựa trên lý thuyết và thực tiễn công nghệ sản xuất bột giấy (bột hóa) cùng các kết quả nghiên cứu bảo quản nguyên liệu có/không sử dụng chế phẩm sinh học.

Vấn đề kỹ thuật được giải quyết trong giải pháp này là đưa ra thời gian thích hợp (tối ưu) bảo quản nguyên liệu gỗ khúc và dăm mảnh tại sân bãi nguyên liệu có hoặc không sử dụng chế phẩm sinh học nhằm làm giảm hàm lượng các chất trích ly trong nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất.

So với các phương pháp bảo quản thông thường thì phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học có thể làm giảm hàm lượng nhựa trong nguyên liệu bạch đàn tới khoảng trên 40%, đặc biệt là hàm lượng nhựa của gỗ keo còn dưới 1,5 %.

Yêu cầu về nguyên vật liệu đầu vào

Nguyên liệu sử dụng là dạng gỗ khúc (bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ) có độ tuổi khai thác từ 5 đến 7 tuổi hoặc dăm mảnh mới được chặt mảnh tại nhà máy có độ ẩm từ 40 ÷ 60%, kích cỡ phù hợp để nấu bột giấy. Chế phẩm sinh học sử dụng: là chế phẩm dạng thương phẩm Cartapip97 của hãng Parrac (Newzeland) có thể cũng ứng dễ dàng về Việt Nam.

 Hiệu quả thu được

 - Khi bảo quản gỗ khúc hoặc dăm mảnh không sử dụng chế phẩm sinh học ở điều kiện nhất định đã được xác lập, hàm lượng các chất trích ly của nguyên liệu sau bảo quản giảm, đối với:

   + Bạch đàn là > 20%;

   + Gỗ keo là >15%

- Khi sử dụng chế phẩm sinh học (đối với dăm mảnh), hàm lượng các chất trích ly sau bảo quản giảm, đối với:

   + Bạch đàn là >45%; 12

   + Gỗ keo là >40%

Tính chất của bột giấy sau nấu và sau tẩy trắng không bị ảnh hưởng, đảm bảo cho sản xuất giấy.

Sơ đồ công nghệ và trình tự tiến hành

Phương pháp không sử dụng chế phẩm sinh học :

Đối với bảo quản nguyên liệu gỗ khúc: Gỗ khúc được tập kết tại nhà máy và bảo quản bằng cách xếp đống, điều kiện bảo quản tại bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, sau đó bảo quản từ 1 ÷ 2 tháng trước khi đem đi chặt mảnh đưa vào sản xuất.

Đối với bảo quản nguyên liệu dạng dăm mảnh thì gỗ khúc mới được tập kết về nhà máy được chặt mảnh ngay, sau đó bảo quản từ 14 ÷ 21 ngày.

Phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học : Phương pháp này chỉ áp dụng cho nguyên liệu dạng dăm mảnh. Dăm mảnh mới được chặt mảnh từ gỗ khúc, sau đó phun chế phẩm sinh học.

Mức dùng chế phẩm sinh học là 5g/ Tấn NL KTĐ, nước pha chế phẩm có nhiệt độ khoảng 15 ÷ 25°C, khuấy đều để hòa tan hết chế phẩm và đợi sau 30 phút để có thời gian cho chế phẩm hoạt hóa. Sau đó pha loãng nồng độ chế phẩm khoảng 0,05% và phun lên dăm mảnh, bảo quản nguyên liệu với thời gian từ 14 ÷ 21 ngày với điều kiện tại bãi chứa nguyên liệu của nhà máy.

Quy mô áp dụng

Giải pháp kỹ thuật này được áp dụng cho nhà máy sản xuất bột giấy hóa học, bột hóa nhiệt cơ có tẩy trắng hoặc không tẩy trắng có dây chuyền chặt dăm mảnh theo quy cách.

PT. Tổng Hợp

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 42
Trong tuần: 894
Lượt truy cập: 1229948

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn