banner_2021_1_

Giảm thuế giá trị gia tăng, tăng khả năng phục hồi cho doanh nghiệp

Ngày 26-06-2023

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó, Quốc hội quyết định thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp

Quốc hội quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) ngày 11/1/2022 của Quốc hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 theo nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Như vậy, thuế GTGT sẽ giảm về 8%, nhưng theo Nghị quyết số 43, sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đánh giá của Chính phủ, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Giảm thu ngân sách khoảng 24.000 tỷ đồng

Chính phủ ước tính, với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng. Đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024.

Trước đó, cáo cáo về kết quả thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43, Chính phủ cho hay, chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44.500 tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4.000 tỷ đồng. Khi thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Khẳng định trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện giảm thuế GTGT sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế.

Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tập trung quyết liệt công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách.

Ngoài ra, Chính phủ điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30/6/2023 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023. Mặt khác, chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.

Ủy ban Tài chính ngân sách lo tạo thêm tác động bất lợi cho thu ngân sách

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về tác động giảm thu NSNN năm 2023 theo dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Phần giảm thu này không được dự kiến trong gói chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng như trong dự toán NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Do đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng này cần được cân nhắc một cách thận trọng, vì sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho NSNN năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme):

Kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

giam_thue_gia_tri_gia_tang...a2

TS. Mạc Quốc Anh

Việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% sẽ kích thích tiêu dùng đối với thị trường nội địa và mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Việc giảm thuế không chỉ giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà chính là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy là không nhiều nhưng thị trường nội địa của chúng ta phải có sự phát triển và như vậy cũng tăng được nguồn thu.

Bởi lẽ, trong 2 năm trở lại đây, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến. Chính vì vậy, khi giảm thuế GTGT, ngoài doanh nghiệp thì người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Với thực tế hiện nay, mặt bằng hàng hóa đã có chất lượng, giá cả cạnh tranh thì người dân sẽ càng có lợi khi được mua hàng hóa với một mức giá hợp lý hơn.

Cùng với đó, đối với ngân sách, khi kích cầu thì ngân sách sẽ tăng thu. Đặc biệt, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi nước ta có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế GTGT. Chính vì vậy, động thái giảm thuế GTGT là vô cùng quan trọng và phù hợp với thực tiễn khi mà chúng ta đang cần tới một sự kích cầu lớn. Chính sách này đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về tài chính đối với cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

TS. Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam:

Tạo đà cho doanh nghiệp sớm phục hồi trong bối cảnh nhiều khó khăn

giam_thue_gia_tri_gia_tang...a3

TS. Đặng Văn Sơn

Đối với doanh nghiệp ngành giấy, từ quý IV/2022 đến nay đang trong tình trạng khan hiếm đơn hàng, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì công nghiệp, do tiêu dùng trong nước giảm và tình hình xuất khẩu cũng rất khó khăn.

Vì vậy, việc giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để có thể ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động trong tình cảnh đầu ra sản phẩm sụt giảm. Với số thuế GTGT giảm 2%, các công ty mua nguyên vật liệu đầu vào với giá thành hạ hơn và từ đó giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Đồng thời, việc giảm thuế sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng sản xuất cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đây là giải pháp thiết thực đã áp dụng hiệu quả trong năm 2022, khiến cho vòng quay sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được quay trở lại và sẽ có nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Có thể nói, động thái tích cực này của Chính phủ, Quốc hội cùng với sự hỗ trợ tổng thể của nhiều chính sách khác sẽ tạo đà cho doanh nghiệp sớm phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, từ đó thúc đẩy giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn.

Tuy nhiên, để chính sách miễn, giảm thuế tác động mạnh hơn nữa, Chính phủ cần tiếp tục điều hành giảm lãi suất, tỷ giá; cải cách thủ tục hành chính… Đây là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp sớm hồi phục và đóng góp cho tăng trưởng trong năm 2023.

Ông Trần Văn Hào - Giám đốc Công ty CP vận tải Thái Việt Trung:

Ý nghĩa và mục đích giảm thuế rất hiệu quả cho doanh nghiệp

giam_thue_gia_tri_gia_tang...a4

Ông Trần Văn Hào

Việc giảm thuế GTGT 2% mà Chính phủ đề xuất và được Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp này giúp kích cầu tiêu dùng, vì thuế GTGT là thuế gián thu, người tiêu dùng phải trả. Trong thời điểm nền kinh tế thế giới đang suy thoái ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế trong nước, việc kích cầu tiêu dùng qua giảm thuế GTGT là điều có ý nghĩa rất tốt với người tiêu dùng và nền kinh tế. Trong đó, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn, qua đó kích thích sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển.

Đối với Công ty CP Vận tải Thái Việt Trung thì việc giảm 2% thuế GTGT giúp có thêm nguồn tiền. Điều đó hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tốt hơn, giảm 2% trên tổng giá trị doanh thu, ý nghĩa và mục đích giảm thuế rất hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt cho cả nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, cách thức thực hiện, rút kinh nghiệm giảm thuế GTGT lần trước, Quốc hội giảm thuế cho các ngành nghề, dịch vụ, hàng hóa khác nhau, nên xảy ra hiện tượng không thống nhất cách hiểu giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bị động trong tính toán. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và cơ quan quản lý cần phải lường trước những vấn đề này.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 99
Trong tuần: 1087
Lượt truy cập: 1257087

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn