Đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi giúp tận dụng được nhiệt lượng phục vụ lại quá trình sản xuất, xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh, góp phần làm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
1. Tổng quan ngành Giấy Việt Nam
Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Ngành giấy cũng là ngành phụ trợ quan trọng với những ngành khác như điện tử, may mặc, da giày, thủy sản, đồ gỗ, … góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại điện tử. Ngoài ra, sản phẩm giấy còn là hàng hóa thiết yếu của xã hội, để sử dụng trong các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông… Mặt khác, sự phát triển của ngành giấy và mức tiêu dùng giấy cũng là thước đo phát triển của một quốc gia nói chung và các ngành kinh tế, xã hội nói riêng.
Đến năm 2022, ngành Giấy có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó, hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn, chiếm 65% sản lượng của toàn ngành. Hơn 480 doanh nghiệp còn lại có công suất vừa và nhỏ, chiếm khoảng 35% sản lượng.
Năng lực sản xuất toàn ngành giấy năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế đạt 5,4 triệu tấn, tiêu thụ 6,1 triệu tấn, nhập khẩu 2,6 triệu tấn và xuất khẩu 1,3 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm tỷ lệ trên 80%, còn lại là các loại giấy tissue, in viết, vàng mã và các loại giấy khác (hình 1).
Nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất giấy là dăm gỗ rừng trồng và giấy thu hồi. Theo đó, giấy thu hồi thu gom trong nước và nhập khẩu đã, đang và sẽ là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất của toàn ngành (hình 2).
Theo định hướng phát triển đến 2030, ngành Giấy sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Đông Nam Á và châu Á. Trong đó, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ 2 Đông Nam Á; giấy bao bì đứng thứ nhất trong khu vực và top 10 châu Á. Theo đó, sản lượng giấy các loại toàn ngành ước đạt 10 triệu tấn giấy, giấy bao bì (9 triệu tấn), bột giấy (1 triệu tấn) và giấy vệ sinh (0,5 triệu tấn).
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, ngành giấy cũng phát sinh một số hạn chế cần khắc phục để phát triển triển nhanh, bền vững và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Trước tiên, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ số 1 thế giới nhưng lại nhập khẩu phần lớn bột giấy để sử dụng trong nước. Tiếp nữa, hiện phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới tập trung sản xuất sản phẩm giấy mà chưa chú trọng đến việc sản xuất bột giấy, vì vậy chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu xơ sợi dồi dào trong nước. Thêm nữa, sản phẩm giấy chất lượng khá và trung bình đã được sản xuất chủ yếu trong nước n hưng giấy cao cấp lại phải nhập khẩu với số lượng lớn. Ngoài ra, việc giấy thu hồi được sử dụng chủ yếu cho sản xuất nhưng tỷ lệ thu gom trong nước vẫn chưa cao vì vậy phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Cuối cùng, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất ở các làng nghề chưa được giải quyết thấu đáo, khiến người dân và xã hội hiểu chưa đúng, hiểu chưa đầy đủ về việc bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngành giấy.
Trong quá trình phát triển, ngành giấy luôn xác định việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu kể từ khi chuẩn bị đầu tư và trong suốt quá trình hoạt động sau này của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải để tận dụng đưa trở lại quá trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn là mục tiêu trọng điểm của ngành giấy trong thời gian tới.
Với mục tiêu đó, việc đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi đã được doanh nghiệp ngành giấy nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cũng như triển khai tại một số nhà máy đã mang lại hiệu quả và lợi ích kinh tế cao. Việc xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi không chỉ tận dụng được nhiệt lượng phục vụ lại quá trình sản xuất mà còn xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất. Điều này góp phần làm giảm chi phí đầu tư, vận hành cũng như tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Cơ sở pháp lý của việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp tại cơ sở sản xuất phát sinh nguồn thải
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý phù hợp, tiến tới đảm bảo được yêu cầu vừa hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng những tiêu chí ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Việc khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp tại cơ sở sản xuất phát sinh nguồn thải nói riêng, đã được quy định rất sớm tại các văn bản pháp luật về môi trường. Trong đó phải kể đến Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản dưới luật.
Cụ thể như tại Điều 72, Khoản 1, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Đồng thời, Điều 82, khoản 1, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng quy định: “Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường,…”
Bên cạnh đó, khoản 4, Điều 82 cũng quy định tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng một trong các yêu cầu như thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải đảm bảo đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Ngoài ra, Điều 142, Khoản 3, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định về kinh tế tuần hoàn có nêu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.
Thêm nữa, tại Khoản 1, Điều 65, Nghị định 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, có nêu chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra, còn rất nhiều các điều khoản có nội dung tương tự nằm ở những văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, việc khuyến khích tái chế, tái sử dụng và đồng xử lý chất thải rắn được đề cập, đặc biệt các văn bản liên quan đến phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Như vậy, với cơ sở pháp lý vững chắc như đã nêu ở trên, pháp luật Việt Nam không những cho phép mà còn khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng và đồng xử lý chất thải công nghiệp tại nơi phát sinh nguồn thải.
Có thể thấy qua danh mục chi tiết của chất thải ngành giấy là 5 mã chất thải từ 09 03 02 đến 09 03 06 đều thuộc chất thải thông thường. Riêng mã 09 03 001 là chất thải từ vỏ cây, gỗ loại bỏ được quy định như sản phẩm hàng hoá thông thường.
3. Cơ sở khoa học của việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp trong lò hơi tầng sôi tại nhà máy giấy
Hiện quá trình sản xuất công nghiệp như giấy, hóa chất, thực phẩm, giấy, dệt, nhuộm… đều sử dụng hơi nước như một trong các nguồn cung cấp năng lượng, vì vậy nhu cầu sử dụng lò hơi trong lĩnh vực công nghiệp là tất yếu. Nguyên lý hoạt động của lò hơi là dựa vào nhiệt lượng sinh ra của nhiên liệu, sau đó biến thành nhiệt năng của hơi nước.
Mặt khác, trong các loại lò hơi như lò hơi đốt ghi, lò hơi tầng sôi, lò hơi đốt dầu, khí đốt (gas), lò hơi điện… thì lò đốt tầng sôi hay tầng sôi tuần hoàn có công nghệ lò đốt tiên tiến, hiện đại và có hiệu suất cao, góp phần tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo các quy chuẩn phát thải khí của lò hơi công nghiệp hiện hành.
Hiện hầu hết các nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn, hiện đại đều sử dụng lò hơi tầng sôi. Lò hơi tầng sôi được phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Kể từ đó, rất nhiều loại lò hơi tầng sôi ra đời, có thể đốt được nhiều loại nhiên liệu khác nhau và đã được phát triển cũng như thương mại hóa trên toàn cầu. Lò đốt tầng sôi có khả năng đốt cháy kiệt các loại nhiên liệu, tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Không những vậy, lò hơi tầng sôi còn có khả năng đốt cháy hầu hết các khí hữu cơ phát sinh trước khí thải ra môi trường.
Tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Trung bình để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi, nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi, tái chế và tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn. Tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay ước đạt khoảng 7 triệu tấn/năm và dự kiến tăng nhanh trong những năm tới. Theo đó, lượng rác thải công nghiệp thông thường của ngành giấy có thể lên tới hàng triệu tấn.
Hiện nay, lượng rác thải này đang được các nhà máy sản xuất giấy thuê công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt bỏ. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất lại có đủ khả năng, trang thiết bị và công nghệ (lò hơi tầng sôi) xử lý trực tiếp tại chỗ loại chất thải này.
Ngoài ra, ở các nhà máy giấy còn có một số loại bùn thải cũng có thể xử lý được bằng phương pháp đốt để tận dụng nhiệt như bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, cặn bột giấy… Tổng lượng bùn chứa bột giấy có thể chiếm 1-3% sản lượng giấy. Trước khi đưa vào lò hơi, bùn thải được ép để đưa độ ẩm về dưới 40%, sau đó được tái sử dụng làm nguyên liệu đốt cho lò hơi.
Việc sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sinh khối hoặc nhiên liệu hóa thạch đồng đốt kèm rác thải rắn công nghiệp thông thường, cặn bột giấy, bùn thải… trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy (nơi phát sinh các nguồn thải) - là sự lựa chọn đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Các dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy cần chú trọng xây dựng lò hơi tầng sôi ngay từ khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án.
4. Cơ sở thực tiễn trong sản xuất của quá trình đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy
Tại nước ngoài
Valmet - Phần Lan là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ và thiết bị ngành giấy. Đơn vị này đã nghiên cứu và thử nghiệm khắt khe đồng đốt (đồng xử lý) với rất nhiều các loại nhiên liệu trong lò hơi tầng sôi trên toàn cầu. Các loại nhiên liệu đã được sử dụng là những loại phế liệu không còn có thể được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các sản phẩm khác nữa. Qua nghiên cứu và thực tiễn triển khai của Valmet cho thấy lò hơi tầng sôi có nhiều ưu điểm như khả năng linh hoạt sử dụng các loại nhiên liệu (nhiên liệu nhiệt trị cao, nhiều xỉ đến nhiên liệu độ ẩm cao); khả năng đồng đốt than và sinh khối đa dạng; độ tin cậy và hiệu suất cao; phát thải thấp (loại bỏ được hợp chất sulphur và các hợp chất ô nhiễm tiềm tàng khác ngay từ trong lò đốt).
Các dự án lò hơi tầng sôi trong đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, như ở Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Trung Quốc … Kết quả cho thấy việc sử dụng lò hơi tầng sôi để xử lý các phế phẩm và bùn thải từ nhà máy giấy đều đạt hiệu suất thu hồi năng lượng cao và đáp ứng các quy định khắt khe về môi trường.
Tại Việt Nam
Qua nghiên cứu, thống kê và tính toán cho thấy chất thải rắn thông thường phát sinh từ ngành sản xuất giấy và bột giấy là 122,41 kg/tấn giấy thành phẩm. Năm 2020, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh là 54.9112 tấn và con số này dự kiến là 91.740 tấn vào 2025. Nhóm tác giả đã thử nghiệm đồng đốt chất thải rắn không nguy hại trong lò hơi tại các công ty trong ngành, trong đó có thể kể đến như Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH Giấy Kraft Vina. Kết quả thu được cho thấy nhiệt độ khí thải, nồng độ ôxy dư; nồng độ CO, SO2, NOx; nồng độ bụi, HCl, Pb, Hg, Cd sau xử lý bằng bụi tĩnh điện đều đạt quy chuẩn môi trường QCVN 30:2012/BTNMT.
Tại Việt Nam, Martech Boiler là đơn vị sản xuất lò hơi lớn nhất và do người Việt làm chủ công nghệ, với nhiều ưu điểm như hiệu suất cao (đạt 87%); đốt đa nhiên liệu (than, trấu rời, trấu viên nén, trấu băm, bã mía, bã cà phê, mùn cưa, vỏ điều, vỏ cọ, mùn cưa nén, củi băm); vận hành ổn định; chi phí thấp và ít bảo trì; xả xỉ bằng van; phát thải thấp và xử lý khí thải tiên tiến.
Công ty Martech Boiler đã và đang cung cấp giải pháp năng lượng tổng thể cho các nhà máy sản xuất công nghiệp giấy, thực phẩm, dệt nhuộm, hóa chất, dầu khí… không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Philipines, Indonesia, Australia… Tại ngành giấy trong nước, công ty Martech Boiler đã cung cấp lò hơi đồng đốt, đồng xử lý chất thải rắn, đồng phát điện ở nhiều nhà máy giấy lớn như Công ty Đông Hải Bến Tre (Bến Tre), Công ty Giấy Xuân Mai (TP HCM), Công ty Công ty Giấy Thuận An (Bình Phước), Công ty Giấy Hưng Hà (Hưng Yên)…
5. Thuận lợi và khó khăn thách thức trong việc xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy ở Việt Nam
Ngành giấy được đánh giá là ngành sản xuất điển hình, phù hợp nhất với mô hình kinh tế tuần hoàn. Bởi tỷ lệ phế liệu, chất thải rắn từ quá trình sản xuất đều có thể thu hồi, tái chế và tái sử dụng có thể đạt tới 100%.
Những báo cáo trước đó được trình bày tại hội thảo: “Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”, đã cung cấp đầy đủ căn cứ và cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học. Đồng thời, kết quả áp dụng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy việc sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải rắn tại nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường, hướng đến hiện thực hoá mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050 của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại nhà máy sản xuất giấy vào thực tế tại Việt Nam vẫn còn những thuận lợi, khó khăn và bất cập.
Thuận lợi
Trước tiên, cơ sở pháp lý vững chắc, pháp luật Việt Nam không chỉ cho phép mà còn khuyến khích việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại nhà máy.
Thêm nữa, thiết bị và công nghệ lò hơi tầng sôi đã được doanh nghiệp trong nước thiết kế và làm chủ nên có giá thành phải chăng, chất lượng tốt.
Ngoài ra, kết quả triển khai trong thực tiễn tại một số nhà máy sản xuất giấy trên toàn quốc cho thấy tính hiệu quả cao và đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về môi trường.
Khó khăn, thách thức
Việc hướng dẫn các văn bản dưới luật nhằm cụ thể hoá cho việc triển khai còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất từ Trung ương xuống địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.
Tương tự, mức độ nhận thức của cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng có địa phương cho phép áp dụng mô hình đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong lò hơi tầng sôi tại nhà máy sản xuất giấy nhưng cũng có địa phương thì không.
Mặt khác, vẫn có doanh nghiệp chưa chú trọng việc xây dựng lò hơi tầng sôi để đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại cơ sở ngay từ bước nghiên cứu lập báo cáo ĐTM khi triển khai dự án.
Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn của Việt Nam cao hơn các nước phát triển gây khó khăn cho nhà sản xuất thiết bị và doanh nghiệp.
Ngoài ra, vốn đầu tư lò hơi tầng sôi có đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cao hơn so với lò hơi thông thường. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các chương trình ưu đãi đầu tư về khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả hay kinh tế tuần hoàn… dù đã có chính sách hỗ trợ tích cực từ Nhà nước.
6. Đề xuất các giải pháp
Trường hợp không được phép đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trực tiếp tại cơ sở, doanh nghiệp ngành giấy phải chịu thêm chi phí thuê xử lý chất thải bằng cách chôn lấp hay đốt bỏ hoặc phải đầu tư thêm một lò đốt rác riêng biệt. Trong khi đó, rác thải là nguồn nhiên liệu có thể tận dụng để tái chế, tái sử dụng và chuyển hóa thành năng lượng, đưa trở lại phục vụ sản xuất. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện được điều này, ngành giấy đề xuất một số giải pháp như sau:
Trước tiên, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về pháp luật nói chung và môi trường nói riêng cho doanh nghiệp, vì họ là đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
Tiếp theo là cần khảo sát chính thức, toàn diện và đánh giá hiệu quả mô hình đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường ở khía cạnh kinh tế và môi trường trên phạm vi toàn quốc. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng xây dựng giải pháp thúc đẩy việc đồng xử lý một cách rộng rãi và thống nhất.
Thêm nữa cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có thể triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau.
Ngoài ra cũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khu[1]yến khích đầu tư đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường nhằm tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp, đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch Covid-19.
Hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện việc chế tạo thiết bị và chế độ công nghệ cho mô hình đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi cũng cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó là thúc đẩy việc nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá, cấp phép cho các lò hơi với loại hình công nghệ này.
Bên cạnh đó, việc xem xét ban hành các quy định kỹ thuật, quy chuẩn đồng đốt chất thải nhà máy giấy trong lò hơi cũng rất cần thiết.
Cuối cùng, ngành giấy kiến nghị báo cáo Thủ tướng ban hành quyết định tăng cường tái sử dụng chất thải không nguy hại có khả năng cháy được làm nhiên liệu tái tạo, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Kinh tế tuần hoàn ngày càng được khuyến khích tại Việt Nam và ngành giấy là điển hình trong việc thực hiện mô hình này. Trong đó, việc sử dụng lò đốt tầng sôi tại các nhà máy giấy để đồng xử lý chất thải rắn đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn cả trong và ngoài nước thỏa mãn các quy chuẩn về môi trường. Nhà nước nên cho phép và khuyến khích sử dụng tại tất cả các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung, nhà máy giấy bao bì nói riêng trên tất cả các tỉnh thành, địa phương cả nước.
Các doanh nghiệp, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu chế độ công nghệ, tận dụng nhiệt tốt nhất đảm bảo yêu cầu khí thải và các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường để báo cáo cơ quan quản lý, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người lao động và quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cũng nên được hỗ trợ từ quỹ môi trường và các nguồn tài chính khác.
Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Công nghiệp Giấy, số 1/2023
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn