Bao bì công nghiệp là sản phẩm chính của ngành giấy Việt Nam, chiếm gần 70% tổng tiêu thụ toàn ngành, phần lớn là các mặt hàng: giấy làm các tông sóng (giấy lớp mặt, lớp giữa, lớp sóng), giấy bìa các tông. Hiện nay, các mặt hàng này chỉ đạt mức chất lượng trung bình và thấp trong khi nhu cầu về loại giấy chất lượng cao ngày càng tăng. Do đó, việc nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng giấy bao bì trên các điều kiện sẵn có về thiết bị và nguyên liệu, hạn chế tối đa các tác động xấu tới môi trường đồng thời giảm giá thành sản phẩm là việc làm có ý nghĩa thực tiễn cao.
Gia keo bề mặt là một trong các biện pháp cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cho ngành giấy khá hiệu quả, có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và cải thiện độ bền cũng như các tính chất bề mặt giấy khá cao. Cùng với sự phát triển về công nghệ - thiết bị thì các giải pháp công nghệ trong việc sử dụng phụ gia, hóa chất mới cho ngành giấy cũng được nghiên cứu phát triển. Trong đó, việc sử dụng các loại keo tổng hợp kết hợp với dung dịch tinh bột để tạo ra dung dịch gia keo bề mặt là một trong những giải pháp về công nghệ hữu hiệu, được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Xuất phát từ nhu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm giấy bao bì trong nước, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp công nghệ gia keo bề mặt nhằm nâng cao chất lượng giấy lớp mặt của các tông sóng”. Đề tài đã xác lập được quy trình công nghệ gia keo bề mặt cho sản xuất giấy lớp mặt của các tông sóng và áp dụng quy trình công nghệ gia keo bề mặt cho sản xuất giấy làm lớp mặt của các tông sóng tại Công ty Cổ phần Giấy Thanh Long.
Kết quả của đề tài có thể ứng dụng cho các nhà máy sản xuất giấy lớp mặt và lớp sóng làm hòm hộp các tông có hệ thống gia keo bề mặt để nâng cao chất lượng giấy bao bì công nghiệp. Đây cũng là phương pháp có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường do quy trình khép kín và ít thất thoát.
Nguồn: Đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ gia keo bề mặt nhằm nâng cao chất lượng giấy lớp mặt của các tông sóng”
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn