Trong thời gian qua, ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành còn thấp; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành giấy gặp nhiều khó khăn... Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển ngành giấy, bài viết đưa ra một số bài học giúp ngành giấy Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.
SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH GIẤY Ở TRUNG QUỐC
Ngành giấy của Trung Quốc luôn đạt sản lượng cao và giữ vị thế top dẫn đầu toàn cầu. Năm 2020, sản lượng giấy và bìa của nước này đạt khoảng 112,6 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019 (NECE và FAO, 2021).
Qua nghiên cứu của tác giả, sự phát triển ngành giấy ở Trung Quốc có một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách nâng cao trình độ sản xuất giấy bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào ngành công nghiệp giấy Trung Quốc thông qua đầu tư sản xuất, kinh doanh bột giấy và giấy, cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ cho các nhà máy bột giấy và giấy ở Trung Quốc… Nhiều doanh nghiệp giấy quốc tế đã đầu tư vào Trung Quốc có thể kể đến như: Tập đoàn Asia Pulp & Paper (Indonesia), Tập đoàn UPM-Kymmene (Phần Lan), Stora Enso (liên doanh Phần Lan - Thụy Điển)…
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, theo “Danh mục hướng dẫn dành cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp” tháng 4/2002, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào doanh nghiệp với công suất hàng năm từ 0,3 triệu tấn trở lên đối với bột gỗ hóa học, 0,1 triệu tấn trở lên đối với bột gỗ cơ học (với một số yêu cầu về trồng rừng).
Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài có thể được miễn thuế trong 2 năm đầu và giảm một nửa thuế trong 3 năm tiếp theo. Thậm chí, doanh nghiệp nước ngoài có đồn điền tại Trung Quốc có thể được giảm thuế 15%-30% nữa trong 10 năm tiếp theo. Thông thường, thuế suất ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài là 15%-24%, đối với các doanh nghiệp trong nước là 18%-27%.
Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc sử dụng biện pháp chống bán phá giá cũng khiến các nhà sản xuất quốc tế đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn. Năm 2003, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá 4%-71% đối với giấy mỹ thuật nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong 5 năm. Năm 2004, Trung Quốc đánh thuế chống bán phá giá 55%-78% đối với giấy in báo nhập khẩu từ Canada, Hàn Quốc và Mỹ trong 5 năm (Zhong Zhuang và cộng sự, 2006).
Thứ hai, để đạt lợi thế về quy mô, Trung Quốc tập trung xây dựng những tập đoàn sản xuất giấy lớn. Với những nhà máy sản xuất giấy có công suất nhỏ sẽ phải sáp nhập vào các nhà máy có quy mô trung bình, hoặc giải thể. Sự gia tăng nhanh chóng về công suất đã giúp Trung Quốc phụ thuộc ít hơn vào thị trường quốc tế đối với các sản phẩm giấy và bìa.
Thứ ba, về nguyên liệu cho sản xuất giấy, Trung Quốc chủ trương đa dạng hóa nguồn nguyên liệu do nguồn nguyên liệu thô ngày càng khan hiếm. Để đạt được sản lượng đề ra, Trung Quốc chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu xơ sợi bằng việc thực hiện các biện pháp khác nhau, như: xây dựng kế hoạch trồng rừng, tận dụng nguyên liệu phi gỗ, giấy loại nhập khẩu và giấy loại thu hồi trong nước…
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và bù đắp khoảng cách trong sản xuất bột giấy trong nước, Trung Quốc dựa vào thị trường quốc tế để cung cấp bột giấy. Trung Quốc nhập khẩu từ các thị trường quốc tế để cung cấp bột giấy chủ yếu thông qua mua dăm gỗ, bột gỗ và giấy thu hồi.
Thứ tư, để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm giấy trên thị trường, Trung Quốc cắt giảm chi phí sản xuất thông qua nâng cao hiệu quả quản lý, chú trọng nâng cao sản xuất, nâng cao dây chuyền lạc hậu bằng các dây chuyền có công nghệ hiện đại, tận dụng lợi thế thị trường lao động dồi dào và giá rẻ.
Thứ năm, song song với phát triển ngành giấy, Trung Quốc rất chú trọng vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường. Kể từ năm 1977, quốc gia này đã áp dụng các biện pháp mạnh để chống ô nhiễm môi trường như đình chỉ hoạt động của các nhà máy công suất dưới 5.000 tấn/năm không có hệ thống thu hồi hóa chất. Mọi vi phạm về môi trường đều bị xử lý một cách nghiêm khắc.
Về chính sách quản lý vĩ mô đối với ngành công nghiệp giấy, Trung Quốc áp dụng chương trình bảo vệ rừng, nghiêm cấm khai thác rừng nguyên sinh, rừng trên vùng lãnh thổ có sông ngòi, khuyến khích trồng rừng thương mại.
Do nguồn tài nguyên rừng có hạn, Trung Quốc còn áp dụng một chiến lược gọi là “Tích hợp ngành lâm nghiệp và công nghiệp giấy” (Forestry-Paper Industry Integration), qua đó hướng đến việc trồng rừng và bảo vệ môi trường. Chiến lược này còn giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn gỗ trên thị trường quốc tế và giảm chi phí nguyên liệu.
BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Ngành công nghiệp giấy Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội và dư địa để phát triển. Bởi, Việt Nam là quốc gia có nguồn dăm gỗ - nguyên liệu cho sản xuất bột giấy - khá dồi dào; chi phí nhân công, mặt bằng thấp… Đây là những lợi thế tích cực để ngành công nghiệp giấy phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… cũng đã, đang và sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành giấy và bao bì của Việt Nam.
Nếu như năm 2016, xuất khẩu giấy các loại của Việt Nam vào thị trường thế giới đạt 555 triệu USD, thì năm 2020 đã tăng lên 1,42 tỷ USD. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu mặt hàng giấy các loại của Việt Nam với tỷ trọng chiếm tới 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất thuộc khu vực châu Á; tiếp đến là thị trường Mỹ và ASEAN… (Thanh Nguyễn, 2021).
Tiềm năng là rất lớn, song ngành công nghiệp giấy trong nước lại đang phát triển khá hạn chế. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng giấy các loại (HS 48, 53) của thế giới trung bình đạt 168 tỷ USD/năm; trong năm 2020 đạt 162 tỷ USD. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu giấy các loại trên thế giới, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 26 (Thanh Nguyễn, 2021). Mặc dù kim ngạch xuất khẩu liên tục được cải thiện, nhưng xuất khẩu mặt hàng giấy các loại của Việt Nam vào thị trường thế giới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
Đó là chưa kể, thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), hiện Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu hoàn toàn.
Nguyên nhân là do, hiện nay quy hoạch ngành giấy của nước ta đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành; các chính sách quản lý trong nước đối với ngành công nghiệp giấy còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành; cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…
Việc đầu tư vào ngành công nghiệp giấy Việt Nam còn manh mún, không tập trung, quy mô nhỏ; chủ đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế; liên kết doanh nghiệp trong ngành yếu, không hình thành được các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Công nghệ sản xuất giấy của các doanh nghiệp còn rất lạc hậu, thủ công, chưa có dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn. Theo Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương (2022), đối với các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp có quy mô dưới 50.000 tấn/năm, thiết bị chủ yếu được sản xuất từ năm 2000 trở về trước. Tuy thường xuyên được cải tạo, tu bổ, nhưng nhiều công đoạn vẫn hoạt động bán tự động, vận hành dây chuyền sản xuất được thực hiện theo kinh nghiệm của người vận hành, thiếu sự chuẩn hóa và ban hành các quy trình vận hành chi tiết. Đặc biệt là, đối với mỗi thiết bị cụ thể có độ ổn định vận hành không cao, do đó gặp khó khăn trong việc duy trì công năng ổn định, không kịp thời điều chỉnh dẫn đến mất ổn định về chất lượng sản phẩm, thất thoát nguyên vật liệu, tiêu hao năng lượng lớn.
Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước (giấy thu hồi, giấy tái chế) không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa, hầu hết các doanh nghiệp phải nhập khẩu số lượng lớn phục vụ cho sản xuất. Chúng ta chưa xây dựng được hệ thống thu gom phế liệu giấy, việc thu gom giấy hiện nay chủ yếu thông qua việc thi đua làm kế hoạch nhỏ hoặc buôn bán ve chai mang tính tự phát, manh mún, hiệu quả chưa cao, nên không theo kịp được nhu cầu tăng trưởng của ngành. Trong khi đó, công tác quản lý giấy thu hồi nhập khẩu lại gặp phải không ít thách thức, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì.
Vẫn tồn tại một nghịch lý là Việt Nam có một nguồn dăm gỗ rất dồi dào và là một trong những nước xuất khẩu dăm mảnh lớn trên thế giới, nhưng vẫn phải nhập khẩu bột giấy.
Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Chất thải của quá trình sản xuất giấy và bao bì gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn, đặc biệt là nước thải đang là một trong những vấn đề đang được sự thu hút sự quan tâm đặc biệt các cơ quan chức năng bởi những tác động có hại của nó đến đời sống, sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp giấy ở Việt Nam nhanh và bền vững, thời gian tới cần lưu ý một số giải pháp sau:
Một là, giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy, đặc biệt là nguyên liệu giấy thu hồi, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu từ Trung Quốc, tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế giấy. Coi giấy tái chế là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất. Đây cũng là nguyên liệu đầu vào trọng yếu của ngành công nghiệp giấy, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc tận dụng giấy tái chế để sản xuất giúp doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng, chi phí, chất thải rắn, nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên sinh, đồng thời giảm chi phí do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí xử lý môi trường… Do đó, cần có chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế giấy, cũng như nghiên cứu sớm hoàn thiện chính sách phát triển ngành theo xu hướng các nước phát triển đối với sản xuất giấy, tạo điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất.
Quan trọng không kém là, tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, trong đó có rừng thương mại để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Hai là, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được. Hạn chế các dự án sản xuất các chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp ngành giấy trong nước sản xuất được. Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp.
Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp tăng tích lũy, hình thành nguồn vốn hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì chính quyền địa phương cần có các biện pháp quy hoạch, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này để lập ra các khu công nghiệp giấy tập trung và hướng tới xử lý nguồn nước thải liên hoàn. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi vi phạm về môi trường trong phát triển ngành công nghiệp giấy.
Bốn là, doanh nghiệp sản xuất giấy cần cắt giảm các chi phí, giảm tiêu dùng điện nước…, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực quản lý. Nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm giấy mới, như: giấy mỹ thuật, giấy nhung, giấy giả da, giấy vân vải… phục vụ làm các mặt hàng cao cấp, hàng xuất khẩu để tạo sự khác biệt và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công Thương (2014). Quyết định số 10508/QĐ-BCT, ngày 18/11/2014 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025
2. Thu Hòa (2020). Công nghiệp Giấy Việt Nam – Triển vọng và Thách thức, truy cập từ http://consosukien.vn/cong-nghie-p-gia-y-vie-t-nam-trie-n-vo-ng-va-tha-ch-thu-c.htm
3. Thanh Nguyễn (2021). Xuất khẩu liên tục tăng, giấy Việt vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường,truy cập từ https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-lien-tuc-tang-giay-viet-van-chiem-ty-trong-rat-nho-tren-thi-truong-155690.html
4. Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương (2022). Nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng sản xuất giấy bao bì công nghiệp bằng các giải pháp kỹ thuật và quản lý vận hành, truy cập từ https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/nang-cao-hieu-qua-su-dung-nguyen-lieu-nang-luong-san-xuat-giay-bao-bi-cong-nghiep-bang-cac-giai-phap-ky-thuat-va-quan-ly.html
5. Jintao Xu, William F. Hyde and Gregory S. Amacher (2003). China's Paper Industry: Growth and Environmental Policy During Economic Reform, Journal of Economic Development, 28(1)
6. UNECE, FAO (2021). Forest Products Annual Market Review 2020-2021.
7. Zhong Zhuang, Lan Ding, Haizheng Li (2006). China’s Pulp and Paper Industry: A Review, School of Economics Georgia Institute of Technology
ThS. Phạm Xuân Thương - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 5 năm 2022
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn