banner_2021_1_

Làng nghề giấy dó Phong Phú (Nghệ An): Vang bóng một thời

Ngày 29-01-2024

Từng có thời kỳ hưng thịnh, nhưng làng nghề giấy dó Phong Phú (huyện Nghi Lộc) ngày nay có nguy cơ mai một, chỉ còn 6 hộ bám trụ với nghề.

Sản phẩm giấy dó của làng nghề Phong Phú nổi tiếng nhờ mềm mại, có độ bền cao.

Kỳ công nghề làm giấy truyền thống

Làng Phong Phú (nay là xóm 3, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) nổi tiếng với nghề làm giấy dó được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và bí quyết riêng của người thợ mà sản phẩm giấy nơi đây có độ bền, mềm mại thách thức với thời gian.

Các cụ cao niên ở xã Nghi Phong cũng không biết nghề làm giấy có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã nghe tiếng chày giã vỏ niệt (nguyên liệu để làm giấy). Xưa kia, thương lái trong tỉnh, từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh… đến làng mua giấy nhộn nhịp, hàng làm ra bán “đắt như tôm tươi”.

Tranh thủ những ngày nắng ráo cuối Đông, bà Trương Thị Hải (SN 1963, trú tại xóm 3, xã Nghi Phong) đưa những tấm khuôn làm giấy dó ra phơi trước khoảng sân nhỏ của gia đình. Đây là thành quả của vợ chồng bà sau những ngày miệt mài làm giấy với đủ công đoạn khác nhau.

Theo bà Hải, để làm ra giấy dó mất rất nhiều công đoạn và nguyên liệu, trong đó nguyên liệu chính là vỏ cây niệt. Loài cây này thường mọc trên rừng ở các huyện vùng cao Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... Chính vì vậy, công đoạn lên rừng tìm, chặt cây mang về cũng rất vất vả và tốn nhiều thời gian.

Cây niệt sau khi hái về sẽ được tách lấy vỏ, làm sạch rồi mang đi hầm cùng một ít vôi bột để vỏ cây mềm và mất mùi hôi vốn có. Đun đến khi thấy vỏ cây mềm thì đổ ra ngâm dưới dòng nước chảy khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ.

Vỏ cây sau đó được đưa lên phiến đá và dùng chày gỗ giã nát lấy bột. Phần bột này được hòa vào nước để tráng lên khuôn.

Giấy dày hoặc mỏng do người thợ đổ ít hay nhiều lên khuôn. Khâu tráng giấy dù nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì nên người phụ nữ thường đảm nhiệm công việc này.

Khuôn để tráng giấy dó được ghép lại từ những thanh tre và vải màn. Phía ngoài có một khung bằng sắt chắc chắn để căng cho tấm vải được phẳng. Tùy theo khổ giấy mà khuôn được làm với những kích thước khác nhau.

Sau nhiều giờ đồng hồ phơi nắng, những tấm giấy mỏng đã được hình thành trên khuôn. Bóc ra sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, đó chính là sản phẩm giấy dó.

Mỗi ngày, vợ chồng bà Hải có thể làm được hơn 100 tờ giấy. Với mức giá 4.000 đồng/tờ, sau khi trừ đi chi phí cho thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Số tiền này tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để một gia đình ở nông thôn trang trải cuộc sống.

Theo người phụ nữ này, nghề làm giấy dó không chỉ vất vả, mà còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu như mùa Hè việc phơi khuôn giấy rất thuận lợi thì mùa Đông phải mất vài ngày mới cho ra được một mẻ giấy.

Nhờ những bí quyết riêng, giấy dó làng Phong Phú có thể lưu giữ đến trăm năm cũng không bị mục nát. Xưa kia, loại giấy này được dùng để viết sách, sắc phong, thư pháp, vẽ tranh…

Thế nhưng, từ khi các sản phẩm giấy công nghiệp ra đời đã lấn át đi những trang giấy dó “vang bóng một thời”.

 lang_nghe_giay_do_...a2

Bà Trương Thị Hải giã cây niệt để làm bột giấy dó.

lang_nghe_giay_do_...a3

Bột giấy sau khi đổ lên khuôn sẽ được mang đi phơi nắng.

Nan giải bảo tồn nghề truyền thống

Gắn bó với cây niệt, khuôn giấy hơn 50 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hà (trú tại xóm 3, xã Nghi Phong) là 1 trong 6 hộ còn lại của làng nghề Phong Phú. Nhờ làm giấy dó mà vợ chồng ông tích góp được tiền xây được nhà, nuôi con cái ăn học khôn lớn.

Theo ông Hà, đặc thù của nghề làm giấy dó là các công đoạn hoàn toàn thủ công, không hề có sự hỗ trợ của loại máy móc. Thậm chí đến công đoạn cuối cùng là đem ra phơi, nếu thời tiết mưa thì phải chờ đến ngày nắng mới hoàn thiện được. Do đó, làm ra được tấm giấy là bao nhiêu công sức và tâm huyết của người thợ.

Điều đáng nói, vào thời kỳ hưng thịnh khoảng 15 năm về trước, làng nghề Phong Phú có đến cả trăm hộ dân làm giấy dó. Thế nhưng, đến nay làng nghề đã mai một và có nguy cơ biến mất.

Lý giải về vấn đề này, ông Hà cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến làng nghề giấy dó độc nhất tại xứ Nghệ dần lụi tàn. Đầu tiên, giá cả sản phẩm giấy bấp bênh, nhu cầu thị trường sụt giảm nên thu nhập của bà con không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều gia đình phải đổi sang nghề khác.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động làm nghề, trong khi số người trẻ tại địa phương đã đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Chỉ còn lại những người cao tuổi, trung niên làm nghề nên rất khó trong việc truyền và giữ nghề.

Ngoài ra, nguyên liệu chính để làm giấy là cây niệt không còn nhiều, người dân tìm mua rất khó khăn cũng là nguyên nhân khiến làng nghề không thể phát triển.

“Xã Nghi Phong là vùng sản xuất giấy dó duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đó là niềm vinh dự, tự hào của người dân chúng tôi. Dù công việc vất vả, thu nhập chẳng là bao nhưng đó là nghề truyền thống của cha ông nên gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì”, ông Hà chia sẻ.

Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, nghề làm giấy dó Phong Phú tại xã Nghi Phong có lịch sử hàng trăm năm. Năm 2007, Phong Phú được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề cấp tỉnh. Thời điểm đó có trên 60% hộ dân trong làng theo nghề.

Tuy nhiên, do xã hội càng phát triển, hiện đại hóa nên mặt hàng giấy dó dần bị lãng quên, dần đánh mất chỗ đứng trên thị trường. Địa phương đang hướng đến liên kết với các công ty, liên minh hợp tác xã, các hiệp hội làng nghề để bao tiêu sản phẩm cho người dân.

“Hằng năm, chính quyền huyện Nghi Lộc và xã đều xuống động viên bà con tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống của quê hương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề”, ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc, Nghệ An chia sẻ.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 402
Trong tuần: 1174
Lượt truy cập: 1455448

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn