banner_2021_1_

Liên kết trồng rừng nguyên liệu

Ngày 03-02-2023

Nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ bấp bênh, giá trị thấp, giá bán biến động. Vì vậy, xây dựng chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với trồng rừng gỗ lớn để vừa ổn định nguồn nguyên liệu, vừa nâng cao giá trị gia tăng là giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh gỗ tập trung triển khai. 

Hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tại cảng Dung Quất

Doanh nghiệp vào cuộc

Công ty CP Bột - Giấy VNT19 là một trong những DN đầu tiên xây dựng và tham vấn Sở NN&PTNT Đề án phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu phục vụ hoạt động của Nhà máy VNT19. Với công suất dự kiến 350 nghìn tấn bột giấy/năm, nhu cầu nguyên liệu đầu vào của VNT19 khoảng hơn 1,6 triệu tấn dăm tươi. Vì vậy, giai đoạn 2023 - 2028, VNT19 tổ chức liên kết và phát triển rừng nguyên liệu với diện tích 50 nghìn héc ta; trong đó đầu tư quản lý 3.000ha rừng đạt chứng chỉ FSC, PEFC.

Phó Giám đốc Công ty CP Bột - Giấy VNT19 Nguyễn Đức Hữu cho biết, nhu cầu nguyên liệu rất lớn nên VNT19 sẽ nỗ lực phát triển rừng trồng gắn với quản lý rừng bền vững có chứng chỉ rừng FSC, PEFC. Chu kỳ kinh doanh rừng bình quân từ 6 năm trở lên, nhằm tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng 30 - 40% công suất hoạt động của nhà máy, cũng như nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu đảm bảo sản phẩm giấy và bột giấy đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu...

Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà cũng xây dựng kế hoạch liên kết chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững nhằm chủ động, đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất theo hướng chế biến sâu. Theo đó, DN sẽ đồng hành, hỗ trợ chủ rừng vốn, kỹ thuật cũng như tạo sinh kế dưới tán rừng để đảm bảo chu kỳ rừng từ 6 năm trở lên, trong đó ưu tiên rừng từ 10 năm trở lên. Bởi ngoài vấn đề kinh tế, thì việc liên kết vùng nguyên liệu gắn với trồng rừng gỗ lớn sẽ thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí đầu tư và góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn, rửa trôi đất trong quá trình khai thác. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất cũng như chất lượng gỗ rừng trồng phục vụ nguyên liệu, tạo ra chuỗi cung ứng nguyên liệu ổn định, phục vụ ngành chế biến gỗ.

 Liên kết chặt chẽ, chính sách rõ ràng

Thực trạng hiện nay là, giá trị sản xuất thu hoạch trên đất lâm nghiệp còn rất thấp. Hầu hết diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là keo lá tràm với chu kỳ kinh doanh từ 4 - 5 năm, có trường hợp 3 năm để bán dăm gỗ, giá trị kinh tế chỉ đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Song, nếu phát triển chuyển sang thành rừng gỗ lớn với thời gian trồng từ 6 - 7 năm, thậm chí sau 10 năm thì giá trị gỗ thu được từ 220 - 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm. 

Hơn nữa, việc chuyển đổi này sẽ giảm chi phí đầu tư so với trồng rừng gỗ nhỏ, vì giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Việc gia tăng giá trị của rừng trồng cũng như quản lý rừng có chứng chỉ FSC, PEFC có ý nghĩa rất quan trọng, đó là vừa nâng cao giá trị gỗ rừng vừa đảm bảo đầu ra ổn định với giá bán tăng. Song, để việc liên kết hiệu quả, DN mong muốn chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ tuyên truyền, vận động các chủ rừng riêng lẻ liên kết thành các nhóm, tổ hợp tác, nhằm tạo vùng nguyên liệu lớn (tối thiểu mỗi vùng phải từ 10ha trở lên). Qua đó, vừa tạo thuận lợi trong quản lý cũng như áp dụng các quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, để chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đảm bảo ổn định và bền vững thì hợp đồng liên kết giữa DN với chủ rừng phải chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý cũng như các chế tài xử lý khi một bên đơn phương phá vỡ hợp đồng. Ngoài ra, việc chuyển chu kỳ kinh doanh rừng từ 4 - 5 năm sang từ 6 năm trở lên sẽ tác động đến thu nhập của người dân. Vì vậy, DN cũng phải tính toán cụ thể chính sách hỗ trợ, phương án bảo hiểm giá cũng như tạo sinh kế dưới tán rừng để tránh tình trạng “hết vốn bán cây non”. Đồng thời hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật việc trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng nguyên liệu, đảm bảo sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao nhất. Quá trình liên kết, DN cũng phải công khai và minh bạch thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng ép giá hoặc làm khó chủ rừng, nhất là giai đoạn thu hoạch.

 Nguồn: baoquangngai.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 291
Trong tuần: 1366
Lượt truy cập: 1456548

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn