Chủ tịch hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho biết, lợi nhuận sản xuất bột giấy lớn nhưng Việt Nam phải nhập khẩu và chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất.
Lãnh đạo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam chia sẻ thông tin
Ngày 28-3, Công ty triển lãm Minh Vi, Cục Hóa chất, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, Hội cao su nhựa TP.HCM…tổ chức tọa đàm kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững; công bố 4 triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn từ 14 đến 16-6.
Ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam thông tin, năm năm qua ngành giấy phát triển vượt bậc với gần 10 triệu tấn/năm, là một trong những nước năng lực sản xuất lớn nhất Đông Nam Á và Châu Á.
Từ tháng 9-2022 đến nay ngành giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp sản xuất 50%-60% công suất. Dự báo năm 2023 khó khăn hơn từ tiêu dùng trong nước đến xuất khẩu đều giảm sút.
Bên cạnh đó, ngành giấy mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất trung hạn rất cao.
Song song đó, một trong những nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất giấy bao bì là giấy phế liệu thì Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích đầu tư, thu gom tái chế.
Một thách thức lớn khác của ngành giấy Việt Nam được ông Sơn dẫn chứng đó là doanh nghiệp đang xuất khẩu thô nên không có lợi thế cạnh tranh.
Theo đó, dăm gỗ-nguồn nguyên liệu sản xuất giấy, bột giấy của Việt Nam dồi dào. Hàng năm doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ với giá thấp nhưng đang nhập khẩu bột giấy về nhiều với giá cao.
Đơn cử năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 15 triệu tấn dăm khô với giá 2.000.000/tấn, trong khi đó Việt Nam nhập về 500.000 tấn bột giấy, giá 20.000.000/tấn gồm VAT.
Qua đó, cho thấy lợi nhuận sản xuất bột giấy lớn nhưng Việt Nam phải nhập và chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất.
Đặc biệt, năm nay doanh nghiệp sản xuất bột giấy lãi lớn do giá nguyên liệu tại Mỹ, Châu Âu tăng cao. Vì vậy, có một doanh nghiệp sản xuất bột giấy thu về 1.500 tỉ đồng lợi nhuận.
Theo ông Sơn, cứ hai tấn dăm khô sẽ sản xuất ra 1 triệu tấn bột giấy. Nếu với 15 triệu tấn dăm nguyên liệu sản xuất ra 7 triệu tấn bột giấy thì lợi nhuận rất lớn.
“Doanh nghiệp thua thiệt khi chỉ làm gia công trong khi có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào”-ông Sơn nói.
Trước những thách thức trên, ông Sơn cho biết ngành giấy đề xuất nhà nước nhanh chóng khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất bột giấy để tận dụng nguồn nguyên liệu thô đang dồi dào.
Có ngay chính sách khuyến khích đầu tư thu gom tái chế giấy phế liệu trong nước. Đặc biệt, cần có vai trò của nhà nước mới có thể giải quyết triệu để, giảm nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đầu tư vào giấy bao bì phổ thông vì cung đã vượt cầu và hiện đang tìm đường xuất khẩu sang các nước.
"Riêng giấy cao cấp Việt Nam nhập 2 tỉ USD mỗi năm. Do đó, cần khuyến khích đầu tư vào giấy cao cấp", ông nói.
Nguồn: plo.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn