banner_2021_1_

Nhận định và quan điểm của Hiệp hội về thị trường giấy làm bao bì

Ngày 06-10-2017

 

Ngày 28 tháng 09 năm 2017, ông Hàn Vinh Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã ký công văn số 24/2017/VPPA gửi Bộ Công Thương báo cáo tình hình thị trường giấy làm bao bì từ đầu tháng 09 tới nay. Báo cáo nêu rõ hiện trạng, nguyên nhân, những tác động trước mắt và lâu dài và những khuyến cáo của Hiệp hội.

Toàn văn như sau:

Hiện tại dư luận xã hội đang xôn xao việc các thương nhân Trung Quốc từ đầu tháng 09/2017 sang Việt Nam mua tất cả giấy làm bao bì có trên thị trường với bất cứ giá nào, thậm chí họ muốn ký hợp đồng dài hạn và nài nỉ trả tiền trước để mang giấy về Trung Quốc.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do:

-  Từ tháng 05/2017, Trung Quốc ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất.

-  Đóng cửa hàng loạt cơ sở sản xuất giấy để các cơ sở này hoàn thiện các hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn mới được hoạt động trở lại.

Việc này đã làm cho các nhà máy sản xuất giấy làm bao bì ở Trung Quốc thiếu nguyên liệu và thị trường Trung Quốc thiếu giấy làm bao bì trầm trọng. Hậu quả là giá giấy làm bao bì và giá bao bì giấy tăng hàng ngày ở Trung Quốc.

Từ nay, Trung Quốc sẽ là nước nhập khẩu giấy làm bao bì tái chế, do:

-  Từ 01/01/2018, Trung Quốc ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu giấy phế liệu không được phân loại.

-  Quy định tạp chất lẫn trong giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không quá 0,3% (hiện tại 1,5%) - tức là giấy phế liệu phải sạch hoàn toàn.

-   Nâng ngưỡng quy định quy mô tối thiểu của các nhà máy được phép nhập khẩu, chế biến và sử dụng giấy thu hồi nhập khẩu.

-   Cuối năm 2019, Trung Quốc sẽ dần dần ngưng nhập khẩu những chất thải rắn có thể thay thế bằng các sản phẩm và các nguồn trong nước.

Những chính sách mới của Trung Quốc trong việc quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và kiểm soát ô nhiễm đã tác động tới thị trường Việt Nam:

-   Trước mắt:

 +  Thị trường bỗng trở nên khan hiếm giấy làm bao bì.

 +  Các nhà máy giấy chạy hết công suất vẫn không có giấy để thoả mãn nhu cầu của khách hàng nội địa và ở nước ngoài.

 +  Giúp cho nhiều nhà máy hồi sinh; các nhà máy có điều kiện tích luỹ để đầu tư nâng cấp/mở rộng.

 +  Một số nhà máy đã có kế hoạch khẩn trương đầu tư để tận dụng cơ hội.

 +  Các nhà sản xuất bao bì giấy trong nước thiếu nguyên liệu do một lượng lớn giấy được bán cho khách hàng nước ngoài.

 +  Giá giấy làm bao bì tăng hàng ngày từ đầu tháng đến nay; mức tăng đến nay đã khoảng trên 15% và dự báo vẫn còn tăng;

-   Lâu dài:

 +   Sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và FDI đầu tư vào sản xuất giấy làm bao bì ở Việt Nam với quy mô lớn và công nghệ hiện đại.

 +   Quá trình đào thải các dây chuyền sản xuất lạc hậu, công suất nhỏ, gây ô nhiễm sẽ diễn ra nhanh hơn.

 +   Chất lượng giấy làm bao bì nhanh chóng được nâng cao.

 +   Kích thích việc thu gom giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam, tận dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã kịp thời thông báo tình hình biến động của thị trường giấy làm bao bì tới các hội viên, doanh nghiệp sản xuất giấy và doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy và đề nghị:

-   Các doanh nghiệp sản xuất giấy làm bao bì nghiêm túc thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng (các công ty sản xuất bao bì giấy) về khối lượng và giá cả.

-   Các doanh nghiệp sản xuất giấy làm bao bì nên trao đổi và thảo luận với các khách hàng cách ứng phó với tình hình mới, trên cơ sở tuân thủ quy luật thị trường.

-   Các doanh nghiệp sản xuất giấy làm bao bì xem xét giảm giá 2-5% so với giá bán cho các khách hàng nước ngoài cho các đơn hàng mới của các khách hàng nội địa truyền thống của mình trong một thời hạn nhất định.

-   Các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nhất là nước thải đáp ứng quy chuẩn hiện hành.

-   Nên đầu tư sản xuất giấy làm bao bì công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên với công nghệ hiện đại.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam báo cáo Bộ Công thương những biến động ở thị trường giấy làm bao bì và quan điểm của Hiệp hội và mong nhận được ý kiến chỉ đạo của quý Bộ./.

Nguồn: ppivn.vn 

 

 

 

 

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 121
Trong tuần: 924
Lượt truy cập: 1465574

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn