banner_2021_1_

Nhóm nữ sinh làm giấy ăn từ bã cà phê

Ngày 14-08-2024

Với 5 thành viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và TPHCM, nhóm Cofeco đã tái chế bã cà phê thành giấy ăn, góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường.

Sản phẩm giấy ăn làm từ bã cà phê 

Nhóm gồm 5 bạn trẻ là Phùng Thị Ngọc Ánh (Đại học Ngân hàng TPHCM), Trịnh Phương Linh, Lê Khánh Linh, Vương Thị Cẩm Tú (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) và Vũ Kiều Trang (Đại học FPT). Là người tập hợp nhóm, Phùng Thị Ngọc Ánh cho biết, ý tưởng ban đầu của nhóm là làm balo từ bã cà phê nhưng sau nhiều lần nghiên cứu thị trường, nhóm đã chuyển sang làm giấy ăn. 

Nhóm đã đem sản phẩm giấy ăn của mình đi tham dự cuộc thi "Khởi nghiệp trẻ 2024" của Học viện Tài chính tổ chức và dừng chân top 6 bán kết. Sau những cọ xát thực tế, nhóm càng quyết tâm hoàn thiện sản phẩm và tiến tới làm những sản phẩm tương tự.

Việc phát triển một dòng sản phẩm mới, chưa có mặt trên thị trường Việt Nam là một thách thức đối với nhóm. Thêm vào đó, nhiều người tiêu dùng còn ngần ngại, chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm tái chế hoặc cho rằng giá cả sẽ cao hơn sản phẩm truyền thống. 

Điều này đặt ra thách thức lớn cho nhóm Cofeco trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm vừa có mức giá hợp lý vừa đảm bảo sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển bền vững vì một tương lai "xanh".

Các thành viên của nhóm cho rằng, bằng cách tái chế bã cà phê, một loại chất thải hữu cơ, nhóm đã góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường. Việc sản xuất giấy ăn truyền thống thường đòi hỏi khai thác gỗ từ rừng. Sử dụng giấy ăn tái chế từ bã cà phê giúp giảm áp lực lên các khu rừng và bảo vệ đa dạng sinh học. 

"Quá trình sản xuất giấy truyền thống tiêu tốn nhiều nước và tạo ra các chất thải công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Sản xuất giấy ăn từ bã cà phê sử dụng ít nước hơn và giảm thiểu ô nhiễm. Bã cà phê là một nguồn nguyên liệu dồi dào và dễ tìm, đặc biệt ở Việt Nam, việc tái chế bã cà phê giúp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này", Ngọc Ánh nói.

nhom_nu_lam_giay_an_tu_ba_ca_phe

Các thành viên của nhóm Cofeco

Sản xuất giấy ăn từ bã cà phê là một ví dụ của nền kinh tế tuần hoàn, trong đó các vật liệu được tái sử dụng và tái chế nhiều lần. Theo Ngọc Ánh, quy trình sản xuất giấy ăn tái chế từ bã cà phê bắt đầu bằng việc thu thập và phân tích bã cà phê từ các quán cà phê và nhà hàng, nhằm đảm bảo nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. 

Sau đó, bã cà phê được làm sạch, sấy khô và nghiền thành bột mịn. Nhóm sử dụng các chất hóa học có nồng độ thân thiện với môi trường để xử lý bột cà phê, bảo đảm rằng sản phẩm cuối cùng không chỉ đạt độ bền và khả năng thấm hút tối ưu mà còn thân thiện với môi trường. 

"Từ khâu chế biến đến sản xuất, chúng tôi áp dụng công nghệ tiên tiến và các phương pháp kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, cam kết sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Cuối cùng, giấy được đóng gói trong bao bì thân thiện với môi trường và chuẩn bị phân phối. Quy trình này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn thể hiện cam kết bảo vệ môi trường", Ngọc Ánh cho biết.

Đại diện nhóm cũng cho biết, trong tương lai, Cofeco sẽ cải tiến sản phẩm bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến và kết hợp với các vật liệu tái chế khác nhằm nâng cao độ bền và khả năng thấm hút. 

Tiếp theo, nhóm sẽ phát triển giấy gói quà có độ bền cao và thiết kế đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tích hợp công nghệ số, thiết kế mã QR trên bao bì để cung cấp thông tin chi tiết và triển khai chương trình khuyến mãi qua ứng dụng di động. 

Nhóm người trẻ yêu môi trường này cũng sẽ nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và nhắm đến các phân khúc thị trường ngách. Những bước đi này của Cofeco không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giải pháp phát triển bền vững.

Nguồn: phunuvietnam.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 79
Trong ngày: 347
Trong tuần: 1121
Lượt truy cập: 1455345

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn