banner_2021_1_

Những dự án nào phải có Giấy phép môi trường và Đánh giá tác động môi trường?

Ngày 19-09-2022

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định, những loại dự án sau phải có Giấy phép môi trường và Đánh giá tác động môi trường.

Những dự án đầu tư nhóm I thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ĐTM.

Phân loại dự án đầu tư, thẩm quyền phê duyệt kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy phép môi trường(GPMT), được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT) và cụ thể hóa tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Phân loại dự án theo nhóm A,B,C

Theo ông Trần Văn Lượng- Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Môi trường Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới, đột phá trong phương thức quản lý môi trường tại Việt Nam, trong đó có quản lý dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án; cắt giảm thủ tục hành chính, quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương…

Đối với phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường (quy định tại Điều 25, Nghị định 08) dựa trên quy mô, công suất, loại hình, yếu tố nhạy cảm môi trường của dự án. Trước tiên phải xác định dự án thuộc nhóm: dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B hay nhóm C, theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công số 39/2019/ QH14, Điều 7, 8, 9, 10.

Nếu chỉ dựa vào vốn đầu tư thì dự án đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc dự án quan trọng quốc gia. Dự án nhóm A, không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, thuộc Dự án hóa chất, phân bón, xi măng; Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên thuộc Dự án cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật khác; Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên, thuộc Dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên, thuộc Dự án xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở.

Dự án nhóm B bao gồm các dự án quy định tại Điều 8 nhưng với số vốn đầu tư từ 120 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng, thuộc Dự án hóa chất, phân bón, xi măng; Từ 80 tỷ đến 1.500 tỷ đồng, thuộc Dự án cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật khác; Từ 60 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng, thuộc Dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Từ 45 tỷ đến 800 tỷ đồng, thuộc Dự án xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở.

Dự án nhóm C bao gồm các dự án quy định tại Điều 8 nhưng với số vốn đầu tư dưới 120 tỷ đồng, thuộc Dự án hóa chất, phân bón, xi măng; Dưới 80 tỷ đồng, thuộc Dự án cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật; Dưới 60 tỷ đồng, thuộc Dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Dưới 45 tỷ đồng, thuộc Dự án xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở.

Những Dự án nào có yếu tố nhạy cảm về môi trường?

Sau khi phân loại dự án sẽ tiếp tục xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường hay không? Yếu tố nhạy cảm môi trường được xác định thông qua vị trí trong nội thành, nội thị; xả nước thải vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng và di sản thiên nhiên khác; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có yêu cầu di dân, tái định cư.

Bước 1 xác định được một dự án nhóm A, thì sang bước 2 sẽ có 2 khả năng xảy ra là dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ký hiệu là A1) và dự án không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ký hiệu là A2). Sang bước 3 sẽ có 4 khả năng xẩy ra là: Dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có yếu tố nhậy cảm môi trường (ký hiệu là A1-1); Dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không có yếu tố nhậy cảm môi trường (ký hiệu là A1-2); Dự án không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có yếu tố nhậy cảm môi trường (ký hiệu là A2-1); Dự án không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không có yếu tố nhậy cảm môi trường (ký hiệu là A2-2). Tương tự như vậy, dự án đầu tư nhóm B cũng có thể phân loại thành 4 nhóm: B1-1, B1-2, B2-1, B2-2. Dự án nhóm C cũng có thể phân loại thành 4 nhóm: C1-1, C1-2, C2-1, C2-2. Dự án quan trọng quốc gia (Ký hiệu là Q) cũng có thể phân loại thành 4 nhóm : Q1-1, Q1-2, Q2-1, Q2-2.

Về thẩm quyền phê duyệt ĐTM

Các dự án đầu tư được chia thành 4 nhóm (Theo Điều 28 Luật BVMT 2020 và Nghị định 08). Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (Điều 30 của Luật Bảo vệ môi trường 2020) bao gồm: Dự án đầu tư nhóm I (quy định tại khoản 3) và dự án đầu tư nhóm II (quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28).

Báo cáo ĐTM của dự án đầu tư nhóm I thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, dự án đầu tư nhóm II thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

Dự án A, B thuộc nhóm II là loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ký hiệu là A2, B2 như ở trên); Dự án C không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có yếu tố nhạy cảm về môi trường (ký hiệu là C2-1 như ở trên) và các dự án đầu tư sử dụng đất, đất có mặt nước; dự án theo thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và giao khu vực biển để lấn biển; dự án theo thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh (trừ các dự án nhóm II thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và môi trường). Các dự án đầu tư nhóm III ít có nguy cơ tác động xấu tới môi trường (Phụ lục V) và các dự án nhóm IV không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường không thuộc đối tượng phải lập đánh giá tác động môi trường.

Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08 có quy định 4 trường hợp liên quan đến đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường. Trường hợp 1, dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường (gọi tắt là “có giá tác động môi trường-có giấy phép môi trường”). Trường hợp 2, dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường (gọi tắt là “có giá tác động môi trường-không giấy phép môi trường”). Trường hợp 3, dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường (gọi tắt là “không giá tác động môi trường-có giấy phép môi trường”). Trường hợp 4, dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường (gọi tắt là “không đánh giá tác động môi trường-không giấy phép môi trường”).

Điều 39, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường bao gồm Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức; Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực (1/1/2022). Riêng đối với các dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

Điều 41, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định thẩm quyền cấp giấy phép môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo Đđánh giá tác động môi trường và các cơ sở thuộc loại hình có quy mô, công suất tương đương. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với Dự án đầu tư nhóm II, Dự án đầu tư nhóm III nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được UBND cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với các dự án nhóm III và các cơ sở có quy mô, công suất tương đương (trừ trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của UBND tỉnh).

Khi nào Giấy phép môi trường được cấp?

Khoản 2, Điều 42 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định thời điểm cấp giấy phép môi trường, trước khi vận hành thử nghiệm đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường (Trường hợp 1 “Có đánh giá tác động môi trường-có giấy phép môi trường”). Đối với trường hợp 3 “Không đánh giá tác động môi trường -có giấy phép môi trường”, giấy phép môi trường được cấp trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí; Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng; Cấp giấy phép nhận chìm ở biển; quyết định giao khu vực biển; Quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng nêu trên.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động (gọi tắt là các cơ sở đang hoạt động) trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm.

Chủ dự án đầu tư không phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải nhưng kết quả hoàn thành việc vận hành thử nghiệm phải được báo cáo, đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các cơ sở đang hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành phần. giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.

Trường hợp dự án đầu tư hoặc các cơ sở đang hoạt động được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải. Giấy phép môi trường được cấp sau sẽ tích hợp nội dung giấy phép môi trường được cấp trước vẫn còn hiệu lực.

Nguồn: congthuong.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 354
Trong tuần: 1374
Lượt truy cập: 1456867

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn