banner_2021_1_

Những hạn chế trong hạch toán kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các công ty sản xuất giấy ở Việt Nam

Ngày 21-03-2022

Yếu tố quyết định thành công cho các công ty sản xuất - kinh doanh giấy là phải có hệ thống quản lý khoa học, hiện đại, mà kế toán là một công cụ đắc lực trong hệ thống này. Một hệ thống kế toán hoàn chỉnh sẽ giúp cho nhà quản lý hiểu rõ về doanh nghiệp, từ đó góp phần đưa ra những thông tin chính xác, tạo điều kiện cho sự phát triển. Tuy nhiên, nghiệp vụ hạch toán kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các công ty này còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích những hạn chế trong hạch toán kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các công ty sản xuất giấy ở Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, việc hoàn thiện từng phần hành kế toán, tiến tới hoàn thiện toàn bộ bộ máy kế toán để đáp ứng yêu cầu đổi mới và đạt hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và quản lý kinh doanh luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với các nhà quản lý kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu này, các công ty đã luôn đề cao, coi trọng công tác hoàn thiện bố máy kế toán của mình, đặc biệt là hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh. Việc hoàn thiện nội dung này phải dựa trên những quy tắc và chuẩn mực kế toán do Bộ Tài chính ban hành và phù hợp với tình hình thực tế tại công ty. Việc hoàn thiện phải được bắt đầu từ các khâu:

- Hạch toán ban đầu dân đến kiểm tra thông tin trong chứng từ

- Tổ chức luân chuyển chứng từ

- Vận dụng tài khoản kế toán để hệ thống hóa thông tin

- Tổ chức hệ thống sổ kế toán để hệ thống hóa thông tin

- Tổ chức cung cấp thông tin cho đối tượng sử dụng bằng cách lập báo cáo kế toán.

2. Những hạn chế trong hạch toán kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các công ty sản xuất - kinh doanh giấy

2.1. Hạn chế về phương diện kế toán tài chính

+ Hạn chế về phương diện kế toán chi phí:

Tại công ty sản xuất giấy thường việc xác định và hạch toán một số nội dung chi phí chưa đúng với quy định (chi phí điện, nước, xăng xe được hạch toán vào TK 641: chi phí bán hàng) dẫn đến các thông tin về chi phí thiếu chính xác, làm ảnh hưởng đến việc xác định kết quả kinh doanh (KQKD), ảnh hưởng đến thông tin quản trị.

Ở các công ty này, công tác quản lý hàng hóa còn lỏng lẻo, chưa thực hiện đúng quy trình trong công tác quản lý hàng hóa dẫn đến mất mát, thiếu hụt hàng hóa.

Với tình hình thực tế như hiện nay trên thị trường có nhiều biến động, các công ty sản xuất giấy ra đời ngày càng nhiều. Với phương thức bán hàng hiện tại của công ty, công ty bán hàng chủ yếu là bán buôn cho khách, khách hàng trả chậm tiền, tình hình thu nợ của công ty còn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án hữu hiệu để thu hồi các khoản nợ mà khách hàng mua chịu,... Cùng với một số lý do khác (thực tế đã có những khoản nợ quá hạn, nợ lâu năm, tình hình tài chính của khách hàng đã bộc lộ rõ sự khó khăn,...), chính vì các lý do như vậy nên công ty phải tìm ra các phương án giải quyết.

+ Hạn chế về phương diện kế toán doanh thu:

Việc nhận diện, xác định nội dung, phạm vi các khoản chi phí, doanh thu KQKD tại các công ty sản xuất giấy chưa đảm bảo tính hợp lý, thống nhất. Có nhiều khoản chi phí, doanh thu chưa được phân loại đúng nội dung và phạm vi (khoản bán giấy vụn, phế phẩm được ghi nhận vào T511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chứ không được hạch toán vào TK 711: Thu nhập khác). Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến các thông tin về chi phí, doanh thu, KQKD không chính xác làm ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh của các nhà quản trị.

Thông thường, các công ty sản xuất giấy chưa quan tâm đến khoản chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán. Chính sách chiết khấu nếu được sử dụng hợp lý sẽ tạo đà tăng doanh thu của công ty, đồng thời giúp công ty sớm thu hồi nợ.

+ Hạn chế phương diện về kế toán xác định kết quả kinh doanh

Để theo dõi và hạch toán kết quả hoạt động kinh doanh, các công ty sản xuất giấy sẽ thực hiện mở tài khoản 911: xác định kết quả kinh doanh cho toàn công ty, tài khoản 911 không được công ty mở cho từng loại hoặc từng nhóm sản phẩm hàng hóa, do đó chưa phục vụ hữu ích cho nhà quản lý trong việc xác định được hiệu quả kinh doanh của từng loại hoặc từng nhóm sản phẩm để có chiến lược phát triển sản phẩm.

2.2. Hạn chế về phương diện kế toán quản trị

Nhu cầu cung cấp thông tin  phục vụ quản lý là rất cần thiết, nhưng thực tế hiện nay phần kế toán tài chính tại các công ty sản xuất giấy lại chưa được chú trọng đến. Điều này do bởi hệ thống kế toán doanh nghiệp vốn vận hành theo chế độ kế toán Nhà nước ban hành, mà chế độ kế toán hiện nay mới chỉ cập nhật đến nội dung kế toán tài chính (trong đó bao gồm kế toán tổng hợp và kế toán chi tiết ở một số đối tượng). Cho nên, công ty đã không tự tìm đến hệ thống kế toán nào khác ngoài hệ thống kế toán tài chính.

Việc xây dựng định mức, dự toán chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh: Hiện nay, hầu hết tại các công ty sản xuất giấy chưa thực hiện việc xây dựng định mức, dự toán chi phí, doanh thu, KQKD. Các công ty này mới chỉ tiến hành xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Công tác xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh mới chỉ đáp ứng được yêu cầu của công tác kế toán tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu của kế toán quản trị.

Việc báo cáo kế toán quản trị chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh: Báo cáo kế toán quản trị tại công ty sản xuất giấy thực chất là báo cáo kế toán tài chính chi tiết. Những báo cáo này được lập chủ yếu là chi tiết một số chỉ tiêu mà trên báo cáo tài chính chưa thể hiện được. Do đó, những báo cáo này chưa thể hiện được chức năng phân tích của báo cáo kế toán quản trị. Vì vậy, tác dụng định hướng cho nhà quản trị doanh nghiệp trong việc ra quyết định bị hạn chế nhiều.

Việc phân tích các thông tin chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh: Công ty chưa thực hiện phân tích điểm hòa vốn, cũng như phân tích mối quan hệ chi phí - doanh thu - lợi nhuận, một trong những phân tích quan trọng trong công tác kế toán quản trị.

Một số báo cáo như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán được công ty phân tích kỹ hơn, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở một số nội dung chủ yếu để phân tích BCTC như cơ cấu vốn, cơ cấu nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán, tỷ suất lợi nhuận, khả năng lưu chuyển vốn,…

3. Một số giải pháp được đề xuất

Một là, hoàn thiện việc tổ chức bộ máy kế toán phục vụ cho kế toán quản trị.

Căn cứ vào quy mô và năng lực kinh tế của từng công ty cụ thể, công ty sản xuất giấy cần hoàn thiện bộ máy kế toán hiện có để thực hiện công tác kế toán quản trị. Với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam nói chung và đặc điểm của ngành sản xuất nói riêng, các công ty lưu ý nên chọn mô hình kế toán quản trị kết hợp với kế toán tài chính. Theo mô hình này, hệ thống kế toán quản trị được xây dựng kết hợp để đáp ứng với các yêu cầu khác nhau của công tác quản trị bên cạnh hệ thống kế toán tài chính.

Hai là, hoàn thiện việc phân loại chi phí, doanh thu phục vụ cho yêu cầu quản trị doanh nghiệp.

- Hoàn thiện việc phân loại chi phí phục vụ cho yêu cầu quản trị doanh nghiệp.

Việc phân loại chi phí như hiện nay tại hầu hết các công ty sản xuất giấy mới chỉ đáp ứng được nhu cầu thông tin cho kế toán tài chính, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho kế toán quản trị. Do đó, các công ty  nên tiến hành phân loại toàn bộ chi phí sản xuất - kinh doanh theo quan hệ với mức độ hoạt động. Với cách phân loại chi phí này sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà quản lý về lập kế hoạch chi phí, kiểm soát và chủ động điều tiết chi phí, ra quyết định kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả. Theo cách này, toàn bộ chi phí của công ty được chi thành biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp. Với chi phí hỗn hợp, công ty có thể sử dụng phương pháp cực đại - cực tiểu để tách biến phí và định phí trong chi phí hỗn hợp.

- Hoàn thiện việc phân loại doanh thu phục vụ cho yêu cầu quản trị doanh nghiệp.

Cách phân loại doanh thu theo tình hình kinh doanh hiện nay mà phần lớn công ty sản xuất giấy đang áp dụng giúp cho họ xác định doanh thu của từng loại hình hoạt động, trên cơ sở đó xác định tỷ trọng doanh thu của từng loại hoạt động, đâu là hoạt động mũi nhọn, từ đó có phương án kinh doanh hợp lý. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu thông tin cho các nhà quản trị, các công ty nên tiến hành phân loại doanh thu của đơn vị theo mối quan hệ với điểm hòa vốn. Theo đó, doanh thu của công ty sẽ được chi làm 2 loại, gồm: doanh thu hòa vốn (là doanh thu mà tại đó lợi nhuận của hợp đồng bằng 0 hay doanh thu bằng chi phí) và doanh thu an toàn (là mức doanh thu lớn hơn doanh thu hòa vốn, thể hiện mức an toàn của hợp đồng). Với cách phân loại này, các công ty sản xuất giấy xác định được điểm hòa vốn hay điểm an toàn cho từng phương án kinh doanh, trên cơ sở đó nhà quản trị đưa ra phương án kinh doanh tối ưu nhất cho công ty.

- Hoàn thiện lập dự toán chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh.

Trong xu thế hội nhập việc xây dựng dự toán sản xuất - kinh doanh hàng năm có vai trò hết sức quan trọng trong mỗi công ty không chỉ các công ty sản xuất giấy. Căn cứ vào dự toán, các công ty có thể xác định rõ các mục tiêu cụ thể, đồng thời sử dụng làm căn cứ đánh giá việc thực hiện sau này, lường trước những khó khăn tiềm ẩn để có phương án xử lý kịp thời đúng đắn.

Để xây dựng dự toán, các công ty sản xuất giấy căn cứ vào hệ thống sản xuất - kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp, dự toán sản xuất - kinh doanh của các kỳ kinh doanh năm trước, các định mức chi tiêu tiêu chuẩn.

Công ty cần xây dựng một số dự toán sau: Dự toán kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, công ty cần lập bổ sung thêm các dự toán: dự toán chi phí bán hàng, dự toán chi phí quản lý doanh nghiệp, dự toán kết quả kinh doanh.

- Hoàn thiện việc phân tích thông tin chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh phục vụ cho việc ra quyết định tại Công ty.

Công ty sản xuất giấy cần tiến hành phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các dự toán, các định mức chi phí, doanh thu, KQKD sau mỗi kỳ SXKD. Để từ đó, giúp cho các nhà quản lý của công ty có đầy đủ thông tin cho việc ra quyết định cho các phương án kinh doanh tiếp theo. Công ty cần thực hiện phân tích biến động giá vốn để có thể xác định được khả năng tiềm tàng, nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động đến sự tăng giảm giá vốn thực tế so với kế hoạch đặt ra trước đó. Từ đó, giúp nhà quản lý có những giải pháp đúng đắn và kịp thời để chấn chỉnh hoặc tiếp tục phát huy những biến động đó theo hướng có lợi cho công ty. Đồng thời, thực hiện phân tích biến động doanh thu. Doanh thu là một chỉ tiêu rất quan trọng trong công ty, thể hiện mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng về sản phẩm của công ty. Doanh thu cần được phân tích thông qua việc đánh giá tổng quan chung, sau đó xem xét từng chỉ tiêu cơ bản về các hoạt động đem lại doanh thu. Để biết được thình hình thực hiện dự toán tiêu thụ, bán hàng,… trong kỳ so với kế hoạch đặt ra, công ty phải tiến hành đánh giá chung tình hình thực hiện kế hoạch, giúp cho nhà quản trị nắm bắt được tình hình tăng giảm giữa kế hoạch và thực hiện trong kỳ cả về số tuyệt đối và số tương đối.

Để đáp ứng được nhu cầu thông tin kế toán quản trị cho nhà quản lý, kế toán cần lập báo cáo quản trị sau: phân tích báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bộ phận, phân tích báo cáo bán hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Thế Chi,Nguyễn Trọng Cơ (2015), Giáo trình phân tích tài chính doanh nghiệp, Nhà xuất bản Tài chính.

2. Cao Thị Vân Anh (2018), Kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại Công ty cổ phần Phát triển máy xây dựng Việt Nam, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Thương mại.

3. Đinh Thị Luyến (2019), Kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại Công ty TNHH Truyền thông điều khiển Hoa Ban, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Lao động -Xã hội.

4. Nguyễn Thị Hồng Tú (2020), Kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Kinh Bắc, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Thương mại.

ThS. Phạm Thị Tươi (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

Nguồn: Tạp chí Công Thương Số 2/2022.

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 7
Trong tuần: 1395
Lượt truy cập: 1457117

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn