Ngày 13/1/2022, Đoàn công tác Bộ Công Thương đã thực hiện thẩm định sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi” thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Đây là nhiệm vụ do PGS.TS. Lê Quang Diễn làm chủ nhiệm, cơ quan chủ trì là Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Toàn cảnh buổi thẩm định sản phẩm tại Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Protein đơn bào hay protein vi sinh, là protein tinh khiết được tạo thành từ viêc nuôi cấy các tế bào vi sinh vật như vi khuẩn, nấm men, tảo hoặc nấm sợi trên các cơ chất có thể là nguồn cung protein cho người hoặc động vật. Đặc biệt, protein đơn bào có thể được sản xuất trên các cơ chất là đường C5, C6 từ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp, trong đó có phế phụ phẩm lignocellulose của ngành công nghiệp giấy.
Những dạng phế phụ phẩm, chất thải hữu cơ tiềm năng này có thể tiếp cận và tận dụng khá thuận lợi, để sản xuất ra sản phẩm giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng phế phụ phẩm, chất thải, để tái sử dụng là một trong những đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hiện nay, nguyên liệu sản xuất bột giấy ở nước ta chủ yếu là gỗ keo, chiếm > 80% lượng nguyên liệu gỗ, trong đó chủ yếu là Keo tai tượng. Sản lượng dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy của cả nước có thể đạt khoảng 7-8 triệu tấn/năm, sử dụng cho sản xuất bột giấy trong nước và xuất khẩu. Chỉ riêng phế liệu dưới dạng dăm mảnh vụn, có thể đạt hàng ngàn tấn, được tập trung tại các nhà máy chế biến dăm mảnh nguyên liệu giấy. Về tính chất, dăm mảnh vụn có thành phần hóa học tương đương gỗ, tức có hàm lượng polysaccarit đạt > 70 %, nhưng do có kích thước quá nhỏ và chứa nhiều tạp chất hơn, nên không phù hợp làm nguyên liệu sản xuất bột giấy. Hơn nữa, dăm mảnh vụn là dạng vật liệu lignocellulose ít bị phân hủy sinh học và dễ dàng thu gom, tồn trữ. “Vì vậy, việc tận dụng loại phế liệu này để chuyển hóa thành đường, sử dụng cho sản xuất protein vi sinh làm thức ăn chăn nuôi là phù hợp” - PGS.TS Lê Quang Diễn, chủ nhiệm đề tài cho biết.
PGS.TS Lê Quang Diễn - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Báo cáo với Đoàn thẩm định sản phẩm, PGS.TS Lê Quang Diễn - chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, triển khai, nhóm nghiên cứu đã tìm được 01 chủng nấm men có khả năng tạo sinh khối protein cao trên dịch đường xylose và glucose chế tạo từ phế liệu gỗ keo tai tượng; sản xuất được 506,23 kg protein đơn bào có độ ẩm 4,2-5%, hàm lượng protein thô là 49,5-57,8%, hàm lượng xơ thô đạt 0,22-0,38% và độ tro thô 11,6-18,4%; Thức ăn chăn nuôi có bổ sung hơn 5% protein đơn bào; Hoàn thiện mô hình thiết bị sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ, quy mô 1000 lit/mẻ; Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ keo tai tượng quy mô 1000 lít/mẻ.
Một số hình ảnh về sản phẩm của đề tài.
Đoàn thẩm định đánh giá cao các kết quả và sản phẩm của đề tài. Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đề ra. Sản phẩm đầy đủ số lượng, chủng loại và khối lượng theo hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Về chất lượng các sản phẩm, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và yêu cầu khoa học của sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng. Nhóm nghiên cứu cũng cần hoàn thiện quy trình và thuyết minh quy trình theo đúng quy định để tiến hành nghiệm thu cấp Nhà nước.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp giấy, có thể chuyển giao công nghệ này cho các doanh nghiệp chế biến dăm mảnh nguyên liệu giấy, sản xuất bột giấy, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghệ protein và vi sinh ở nước ta, giúp tạo ra sản phẩm mới, chủ động nguồn cung thức ăn chăn nuôi, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nguồn: congnghiepsinhhocvietnam.com.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn