Giá giấy và bột giấy thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 do nhu cầu bột từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh và giá năng lượng cũng như các vật liệu khác dùng trong sản xuất giấy đều tăng. Giá bột giấy và giấy tăng khoảng 10-25% trong quý 1/2018, tuỳ chủng loại và thị trường. Tháng 4 và 5/2018, giá giấy và nguyên liệu thế giới tăng tiếp 6-8%.
Diễn biến thị trường
Đối với bột giấy, tính từ tháng 7/2017 tới nay (thời điểm Trung Quốc cấm sử dụng giấy phế liệu hỗn hợp), giá bột giấy tẩy trắng trên thị trường thế giới đã tăng 40%. Phần lớn các nhà sản xuất bột gỗ chủ chốt như Indonesia, Malaysia và Chile đều nâng giá bán bột giấy sang thị trường Trung Quốc. Giá bột giấy của Mỹ đã tăng hơn 35% trong năm 2017; chỉ trong vòng 6 tháng (tháng 9/2017 – tháng 2/2018), giá bột giấy tăng khoảng 240 USD/tấn (khoảng 20%), lên khoảng 700- 860 USD/tấn.
Có hàng loạt lý do khiến giá bột giấy tăng nhanh, trong đó đáng kể nhất là: Nhu cầu bột gỗ (sợi tự nhiên) tăng mạnh sau khi Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nguyên liệu sản xuất giấy (giấy phế liệu); giá giấy phế liệu, nhiên liệu, hóa chất và các chi phí khác đều tăng lên; nguồn cung nguyên liệu hạn hẹp trong mùa đông; sản lượng giảm ở Nam Mỹ, sau khi một hãng sản xuất bột giấy Brazil gặp phải sự cố ở một nhà máy hồi năm ngoái. Một hãng lớn ở Indonesia cũng rất khó khăn khi thu mua gỗ súc để sản xuất bột giấy do những quy chế chặt chẽ hơn về môi trường; nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này giảm sử dụng các loại nguyên liệu gây ô nhiễm, chủ yếu là giấy phế liệu, nên phải tăng nhập khẩu bột giấy để bù vào chỗ thiếu hụt nguyên liệu; một số nhà máy sản xuất bột giấy lớn trên thế giới đóng cửa trong một thời gian để bảo trì máy móc…
Tại châu Âu, nguồn cung nguyên liệu sản xuất bột giấy trong quý 1 khan hiếm vì sản lượng thấp theo mùa vụ (mùa đông), do đó dự trữ liên tiếp giảm khiến các hãng sản xuất bột giấy Bắc Âu phải nâng giá bán. Tại châu Á, giá cũng tăng theo xu hướng chung. Trên thị trường Ấn Độ, giá bột giấy nhập khẩu lên mức cao kỷ lục 7 năm, vào trung tuần tháng 2 giá bột gỗ cứng khoảng 770 USD/tấn, còn bột gỗ mềm khoảng 860 USD/tấn. Trong khi đó tại Nhật Bản, giá bột giấy đầu năm 2018 cũng tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu từ Trung Quốc ở mức cao. Trong quý 4/2017, giá bột giấy tại Nhật Bản đã tăng 20%, lên mức cao kỷ lục. Bột giấy NBKP làm từ gỗ cây lá kim (Needle bleached kraft pulp) Bắc Mỹ - thường dùng sản xuất khăn giấy, giấy lụa…, đã tăng 6% trong tháng 12/2017 lên 950 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển. Tính chung cả năm 2017, giá NBKP đã tăng 40% và lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2011. Bột giấy LBKP Nam Mỹ, chủ yếu dùng sản xuất giấy photo, đã tăng 4% trong tháng 12 lên khoảng 830 USD/tấn, và tính chung cả năm 2017 cũng tăng 40% lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2010. Giá cả 2 loại này đều tăng 4 tháng liên tiếp tính tới tháng 12/2017 (chưa có thông tin mới về giá năm 2018).
Giá giấy phế liệu tiếp tục giảm trong quý 1/2018 do Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu. Trung Quốc quy định giới hạn các tạp chất không mong muốn trong nguyên liệu sản xuất giấy ở mức 0,5%, áp dụng từ 1/1/2018 (trong khi ở châu Âu quy định là 1,5%). Các chuyên gia quốc tế cho rằng mức này sẽ rất khó đạt được. Tại châu Âu, giá giấy phế liệu trong 2 tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm, tổng cộng giảm 45 EUR/tấn. Tại Trung Quốc, việc Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu giấy phế liệu đã khiến giá loại này biến động mạnh. Giá giấy vụn tổng hợp đã giảm trong suốt quý 4/2017 đã giảm từ 160 USD/tấn xuống chỉ còn trên 100 USD/tấn vào cuối quý 1/2018, trong khi giấy bao bì sóng cũ (old corrugated container (OCC) giảm từ 190 USD/tấn xuống 170 USD/tấn.
Nguồn cung giấy thu hồi (RCP) chất lượng cao tại Trung Quốc ngày càng trở nên khan hiếm. Theo VPPA, giá loại OCC chọn lựa kỹ (OCC 12) đến trung tuần tháng 6/2018 tăng lên khoảng 300 USD/tấn, trong đó OCC 12 của Mỹ giá 280-300/tấn, OCC 11 của Mỹ ở mức $220-230/tấn; giấy double-Lined Kraft 13 (DLK 13) lên 300-320 USD/tấn; giấy văn phòng chọn lọc (SOP 37) lên 320-330/tấn, báo cũ sạch chọn lọc giá 290-310 USD/tấn/tấn; OCC cao cấp và báo cũ (ONP) của châu Âu lần lượt 240-260 USD/tấn và 250-260 USD/tấn. Nhập khẩu giấy thu hồi từ Mỹ gặp khó khăn khiến khách hàng chuyển hướng sang mua của Nhật Bản, trong đó các đơn đặt hàng mới đã tăng giá OCC của Nhật Bản thêm 10-15 USD/tấn lên $250-255 USD/tấn; ONP của Nhật Bản duy trì ở mức cao 240-245 USD/tấn.
Tại các cảng của Trung Quốc, còn rất nhiều container RCP chờ để được thông quan, nhưng chỉ một lượng nhỏ RCP được thông quan sau quá trình kiểm tra chặt chẽ. Nhiều nhà máy giấy có giấy phép nhập khẩu RCP nhưng không thông quan được hết số hàng nhập, khiến cho tình trạng thiếu hụt RCP tại Trung Quốc càng thêm trầm trọng. Nhiều nhà máy, bao gồm cả các công ty lớn như Nine Dragons Paper (Holdings) và Lee & Man Paper Manufacturing cũng phải ngừng hoạt động một số thời gian bởi thiếu nguồn nguyên liệu RCP nhập khẩu.
Tại Nhật Bản, giá bìa phế liệu xuất khẩu đã đạt kỷ lục cao 27,7 yen (25 cents)/kg vào tháng 7/2017, sau đó giảm dần. Hiện giá OCC của Mỹ và Châu Âu tại Nhật đứng ở 145-155 USD/tấn, OCC nội địa giá 210-220 USD/tấn; ONP của Mỹ và Châu Âu lần lượt 130-140 USD/tấn và 160-170 USD/tấn; giấy hỗn tạp Mỹ và Châu Âu tại thị trường Nhật có giá 60-70 USD/tấn, giấy hỗn tạp nội địa giá 95-120 USD/tấn.
Tại các thị trường châu Á khác, người bán cố gắng tăng giá RCP nhập khẩu nhưng không thành. Tại Đài Loan và một số thị trường Đông Nam Á, giá OCC Mỹ ở mức 160-170 USD/tấn, giấy hỗn hợp của Mỹ ở mức 70-90 USD/tấn.
Giá giấy các loại đều tăng trong 6 tháng đầu năm 2018 do chi phí sản xuất tăng xuất phát từ giá bột giấy, giá nguyên liệu và giá hóa chất ngành giấy đều tăng; nhu cầu mạnh trong khi sản lượng không bắt kịp.
Giá giấy chịu nhiệt (thermal paper) đã tăng 5% trong năm 2017 và vẫn có xu hướng tiếp tục tăng. Giá giấy chịu nhiệt tại châu Âu tăng không chỉ bởi giá bột giấy tăng mà còn do thiếu loại hóa chất ODB-2 – thành phần chính trong sản xuất giấy nhiệt. Hầu hết nhà sản xuất giấy nhiệt nâng giá bán từ tháng 3 hoặc 4/2018.
Giá các loại giấy in tạp chí (LWC, MWC và SC-Paper) vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng do chi phí sản xuất tăng và nhu cầu duy trì mạnh, nhất là trên thị trường châu Âu. Đợt tăng giá đầu tiên đối với loại giấy này trong năm nay rơi vào tháng 4/2018. Đến tháng 5 và 6/2018, thêm nhiều nhà sản xuất thông báo kế hoạch tăng giá giấy in tạp chí kỳ hạn giao trong 6 tháng cuối năm. Hãng Sappi có kế hoạch tăng giá bán các loại LWC và MWC thêm khoảng 6-8% kể từ ngày 1/7; hãng Burgo (Italia) cũng công bố tăng giá các loại giấy in tạp chí LWC và MWC thêm 7-8%; hãng Svenska Celullosa Aktiebolaget (SCA) chào giá tăng, tăng giá 40 EUR tấn với tất cả các loại giấy cơ khí tráng và không tráng kể từ ngày 1/7/2018. Hãng Mitsubishi HiTec Paper nâng giá giấy nhiệt thêm 10% trên phạm vi toàn cầu kể từ ngày 1/7/2018 do chi phí bột giấy và các nguyên liệu khác tăng, nhất là ODB2 (leuco dye).
Giá giấy in báo đồng loạt tăng tại hầu khắp châu Á, thêm khoảng 70 USD/tấn trong quý 2/2018 lên 635-660 USD/tấn đối với loại 45g và 660-675 USD/tấn đối với loại 42g ở Hồng Kông và Đài Loan; 635-660 USD/tấn đối với loại 45g và 650-665 USD/tấn đối với loại 42g tại Singapore; 630-655 USD/tấn đối với loại 45g và 650-665 USD/tấn đối với loại 42g ở Thái Lan. Giá giao ngay tại 4 thị trường này đang được giao dịch ở mức 700 USD/tấn. Các nhà sản xuất và các nhà in tại Hồng Kông và Singapore đã dự trữ gần đủ lượng cần thiết. Tại Ấn Độ, giá một số hợp đồng tăng trên 100 USD/tấn, loại 45g giao sau lên 720-790 USD/tấn, giao ngay khoảng 830-840 USD/tấn; loại 42g giá giao sau khoảng 730 – 750 USD/tấn, nhưng giá giao ngay hiện được chào lên tới 800 USD/tấn. Tại các nước Nam Á khác, giá giao ngay được xác định quanh mức 830-840 USD/tấn.
Có một số nguyên nhân chính gây thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá giấy in báo tại châu Á, trong đó đáng chú ý là nhiều nhà máy cắt giảm công suất sản xuất trong giai đoạn 2016-2017; thời tiết trong mùa đông vừa qua tại Nga ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy nước này; nhiều nhà máy tại Bắc Mỹ cắt giảm công suất khiến nguồn cung của nội bộ khu vực này cũng thiếu hụt nên không còn dư thừa nhiều để xuất khẩu sang châu Á; Trung Quốc gia tăng nhập khẩu. Riêng trong quý I, lượng giấy in báo nhập khẩu về Trung Quốc tăng 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do bởi Chính phủ Trung Quốc áp dụng quy định mức tạp chất trong RCP nên các nhà máy sản xuất đang phải cắt giảm công suất do thiếu nguyên liệu giấy RCP nhập khẩu…
Giá giấy lụa giảm nhẹ, trái với xu hướng tăng giá bột giấy và các loại giấy khác. Tại Trung Quốc lục địa, do phải chuyển sang dùng nguyên liệu chất lượng cao, giá thành giấy tăng theo. Hãng sản xuất giấy lụa lớn thứ 3 Trung Quốc, Vinda International Holdings, cho biết đã nâng giá các sản phẩm giấy lụa thêm 4 - 5% kể từ tháng 10 năm ngoái do giá bột giấy tăng.
Tại Trung Quốc lục địa, tháng 5/2018 xuất hiện một làn sóng tăng giá các sản phẩm giấy, đặc biệt tại các khu vực miền bắc, miền đông và miền nam đất nước, những nơi sản xuất chủ yếu là giấy thành phẩm, như bìa trắng, giấy sóng, giấy làm thùng hàng…. Từ ngày 1- 4/5/2018, có 32 công ty giấy thông báo tăng giá, với mức tăng sản phẩm giấy trung bình 100 - 300 NDT (15,75 – 47,25 USD)/tấn. Giá trung bình giấy lượn sóng tại Trung Quốc trung tuần tháng 5 vừa qua ở mức khoảng 4.350 NDT (685,05 USD)/tấn, tức là tăng 11% so với hồi đầu năm. Lý do chính bởi tình trạng thiếu nguyên liệu. Trung Quốc hạn chế nhập khẩu giấy phế liệu khiến giấy phế liệu nội địa tăng giá, đồng thời các nhà máy giấy cũng phải tăng mạnh nhập khẩu bột giấy đẩy giá bột giấy trong nước và thế giới tăng theo.
Tuy nhiên, giá bìa tráng phấn ngà tại Trung Quốc lại giảm giá do cung vượt cầu, đặc biệt là các loại giấy tráng phấn dùng làm bao bì cho hàng hóa, làm hộp gấp cho hàng tiêu dùng như mỹ phẩm và dược phẩm. Giá bìa tráng phấn ngà tại Trung Quốc đã giảm 700 NDT/tấn (USD109/tấn) trong tháng 6/2018, từ mức 6.000-6.300/tấn hồi tháng 5/2018 do các nhà sản xuất lớn tham gia vào cuộc cạnh tranh giảm giá. Năm 2017, giống như giá nhiều loại giấy và bìa khác ở Trung Quốc, giá giấy tráng phấn ngà tăng đáng kể và đạt RMB 6.900-7.200/tấn trong tháng 10/2017. Tuy nhiên, chỉ từ tháng 5 tới nay đã mất đi hầu như toàn bộ mức tăng. Không như những lần suy giảm giá trước đây thường bắt đầu từ việc các nhà phân phối bán hàng dự trữ chất đống trong kho với bất cứ giá nào khi cung vượt cầu trên thị trường, việc giảm giá mạnh gần đây bắt nguồn từ các nhà sản xuất. Làn sóng mở rộng sản xuất những năm gần đây đã khiến nguồn cung dư thừa, trong khi một số nhà máy mới sắp đi vào hoạt động.
Tại Đài Loan(Trung Quốc) đã xảy ra “khủng hoảng” giấy vệ sinh khi các siêu thị đồng loạt nâng giá thêm 10 – 30% kể từ tháng 3 bởi nguyên liệu tăng giá. Tại Đài Loan, nguyên liệu chiếm khoảng 48% tổng chi phí sản xuất giấy vệ sinh và gần như toàn bộ bột giấy phải nhập khẩu từ bên ngoài. Giá bột giấy của Mỹ đã tăng hơn 35% trong năm 2017, góp phần làm tăng chi phí sản xuất giấy lụa.
Tại Ấn Độ, giá giấy in và giấy viết tăng khá nhanh trong tài khóa 2018, đạt 65.000 – 68.000 Rupee/tấn vào cuối quý 1/2018 và tiếp tục tăng thêm 2-3% trong tài khóa 2019 (bắt đầu từ tháng 4/2018) do chi phí nguyên liệu tăng. Đồng rupee giảm so với USD cũng góp phần khiến cho nguyên liệu nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Được biết, giá giấy tại Ấn Độ gần như giữ nguyên suốt từ đầu tài khóa 2014 do nguồn cung giấy và nguyên liệu nhập khẩu dồi dào, giá gỗ ổn định và chí phí nhiên liệu rẻ. Tuy nhiên, từ tháng 3/2017, các công ty bắt đầu nâng giá bán vì không thể có lãi khi giá nguyên liệu liên tiếp tăng. Hãng Maplitho đã nâng giá thêm khoảng 2-3% đối với một số chủng loại, giá giấy photo tăng khoảng 1,5 – 2%, giấy tráng tăng nhiều hơn, khoảng 3-4%. Nhìn chung, chi phí sản xuất đã tăng thêm khoảng 5.000 rupee/tấn lên 48.000 rupee/tấn tính tới thời điểm cuối tháng 5/2018, trong khi giá bán sản phẩm giấy chỉ tăng khoảng 3.000 – 4.000 rupee/tấn.
Tại Anh, giá giấy in và giấy viết đều tăng trong quý 1 năm nay. Riêng giấy in giá đã tăng từ mấy năm nay do nhu cầu đi lên. Giá giấy tại thị trường Anh đã tăng 3 lần trong năm 2017, và tăng lần thứ 4 trong quý 1/2018. Giá tại Anh vốn thấp so với các thị trường trong khu vực, nhưng nay có xu hướng tăng lên ngang bằng với giá chung ở châu Âu, còn giá tại châu Âu đang tăng lên ngang bằng với giá ở các thị trường khác trên thế giới, cho thấy xu hướng giá giấy tăng khá bền vững.
Tại Việt Nam, giá giấy nguyên liệu tăng ngay từ quý đầu năm cho đến nay. Cụ thể, tháng 6/2018 giá tăng ở hầu hết các chủng loại. Trước đó tháng 5/2018 giấy sản xuất tập định lượng 58 gsm có giá 24 triệu đồng/tấn, thì nay đã tăng thêm 800.000 – 1 triệu đồng/tấn. So với cuối tháng 3/2018, giá giấy in tập này đã tăng thêm 15% và tăng tổng cộng xấp xỉ 30% kể từ đầu năm đến nay.
Đối với giấy in báo giá tăng rất mạnh. Ngay từ cuối tháng 2/2018 giá bình quân đã đứng ở mức cao 2,2 triệu đồng/tấn và nay tiếp tục tăng thêm 15-20% cho các lô hàng giao vào cuối tháng 8 tới.
Đặc biệt, giấy làm bao bì và giấy bao bì tăng kể từ quý 1/2017, các thương lái Trung Quốc sang thu mua với mức giá cao hơn giá bán trong nước 1,5 – 2 triệu đồng/tấn, dao động 11,5 – 13 triệu đồng/tấn tùy loại, thậm chí họ còn muốn ký hợp đồng dài hạn và đề nghị được trả tiền trước để đưa giấy về nước. Và cho đến nay giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nguồn: vinanet.com.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn