banner_2021_1_

Vốn mỏng, doanh nghiệp giấy nội địa khó lớn

Ngày 18-06-2018

 

Việc huy động nguồn vốn để đầu tư các nhà máy có công suất lớn đến nay hầu như là điều không thể đối với đa số các doanh nghiệp giấy nội, nên họ "chưa đủ lớn". Trong khi đó, với nguồn vốn dồi dào, lại có nhiều hỗ trợ để đầu tư nên các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn làm chủ "cuộc chơi" với ngành giấy Việt Nam.

trinlm2018

Quan sát kỹ Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành công nghiệp giấy và bột giấy (Paper Vietnam 2018) diễn ra ở Tp.HCM ngày 13/6 sẽ thấy sự góp mặt đông đảo các thương hiệu giấy hàng đầu từ Trung Quốc, trong khi chỉ có duy nhất gian hàng khiêm tốn của một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giấy của Việt Nam.

Khó tiếp cận vốn đầu tư

Lý giải về sự vắng bóng của các DN giấy trong nước tại triển lãm quan trọng này, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành giấy Việt Nam cho biết lý do khá đơn giản là vì họ "chưa đủ lớn" và không đủ tự tin vì vẫn còn sở hữu các nhà máy giấy có công suất nhỏ, cũ kỹ với nguồn vốn rất hạn chế.

Hồi tháng 5 vừa qua, sau thời gian hoạt động chật vật, một "ông lớn" của ngành giấy nội là công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Đồng Nai) bắt đầu đẩy mạnh đầu tư một số dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy mới như Nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai – Kon Tum (quy mô 70.000 tấn bột hóa nhiệt cơ/năm, tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để có thể hoạt động trong quý I/2020)

Với dự án Nhà máy Giấy Tân Mai – Miền Đông (công suất thiết kế 200.000 tấn giấy bao bì công nghiệp/năm, tổng vốn đầu tư 2.757 tỷ đồng), công ty này cũng đang triển khai thực hiện hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thử vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi, không phải DN giấy nội địa nào cũng đủ sức huy động nguồn vốn để đầu tư vào các nhà máy giấy có công suất lớn như vậy.

Ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), cho biết suất đầu tư trong ngành giấy rất cao, trong khi các DN giấy nội còn gặp nhiều thách thức lớn trong việc huy động vốn để đầu tư các nhà máy giấy hiện đại vừa mang tính hiệu quả hơn vừa giảm ô nhiễm.

Theo ông Sơn, trong ngành này, các nhà máy giấy có công suất lớn mới có thể đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do vậy, VPPA cùng với các cơ quan quản lý sẽ phải tìm ra những chính sách, chiến lược phát triển tốt hơn để tăng sức cạnh tranh cho ngành giấy nội.

"Còn thực tế hiện nay, với công suất của các nhà máy giấy trong nước thì sức cạnh tranh rất khó khăn, đòi hỏi phải cơ cấu cấu lại, xây dựng những nhà máy mới có công suất đủ lớn, hiện đại để có thể cạnh tranh trong thời gian tới", ông Sơn chia sẻ.

Trên thực tế, quy mô của một số nhà đầu tư nước ngoài trong ngành giấy ngày càng lớn (đa phần có công suất 500.000 tấn/năm), đang là mối đe dọa về sự tồn tại của những DN giấy nội thuộc dạng nhỏ có công suất dưới 10.000 tấn/năm.

Thị trường giấy trong nước được nhìn nhận đang và sẽ thuộc về các DN lớn, có sự đầu tư bài bản (chủ yếu là DN FDI), còn những DN giấy nội địa vẫn tiếp tục phát triển nhưng sẽ chiếm lĩnh thị trường cấp thấp hơn do đa phần chỉ sở hữu các nhà máy giấy có công suất dưới 400.000 tấn/năm.

Theo giới chuyên gia, vốn vay để đầu tư vẫn là nỗi ám ảnh với các DN giấy trong nước. Vay thương mại thì họ không chịu nổi, trong khi chưa có nguồn quỹ đầu tư nào cho ngành giấy và nếu có thì cũng chẳng thể đến được với nhiều DN. Điều nghịch lý là vốn vay từ ngân hàng cho lĩnh vực địa ốc lại rất lớn, còn vốn vay đầu tư cho các ngành công nghiệp nói chung, trong đó có ngành giấy lại rất khiêm tốn!

Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là các DN sản xuất giấy trong nước vẫn đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Một thống kê cho thấy trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy có tới 70% là từ giấy loại, gần 50% số nguyên liệu này phải nhập trực tiếp từ nước ngoài, 50% còn lại từ thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của những đơn vị thu gom nhỏ, lẻ.

Ông Sơn cho biết thêm nhập khẩu giấy từ Thái Lan đang tăng mạnh. Thị trường giấy in, giấy viết ở Việt Nam vẫn đang rất thiếu nên phải nhập rất nhiều, nhất là trong nước không có nhà sản xuất nào chuyên về giấy in báo nên hầu như phải nhập từ Thái Lan và nhập các loại giấy in cao cấp. Mặt hàng giấy bao bì cũng vậy, phải nhập các giấy bao bì cao cấp cho thị trường trong nước.

Trên thị trường giấy Việt Nam hiện nay, như nhận định của lãnh đạo VPPA, trong giai đoạn 2018 – 2020, thị phần giấy bao bì của các DN trong nước sẽ chiếm khoảng 51%, các DN FDI chiếm 49% thị phần còn lại. Với việc đầu tư những nhà máy có công suất lớn của khối ngoại, các DN nội trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh ngay trên "sân nhà".

Với các loại giấy in, giấy viết, thị phần đa số vẫn còn thuộc về khối nội. Tính cạnh tranh với khối ngoại ở phân khúc này chưa căng thẳng nhiều so với giấy bao bì.

Tuy nhiên, giấy bao bì có sản lượng lớn trong tổng sản lượng của ngành giấy Việt Nam, cho nên phân khúc này vẫn là điểm đặc biệt cần quan tâm đối với ngành giấy trong nước.

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

 

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 189
Trong tuần: 1874
Lượt truy cập: 1315012

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn