banner_2021_1_

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương Việt Nam-Trung Quốc

Ngày 13-12-2023

Ngày 12 - 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước ta. Chờ đón chuyến thăm, các Hiệp hội ngành hàng đều mong muốn, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là tiền đề quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ chính trị, kinh tế, giao thương tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian tới.

Ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn: Nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc

Năm 2023, cả nước ta nhập khẩu giấy đạt 2,4 triệu tấn, tương đương khoảng 2,3 tỷ USD, giảm 4% về lượng so với năm 2022. Xuất khẩu giấy các loại năm 2023 đạt 2,3 triệu tấn, tương đương 1,7 tỷ USD tăng 76% về lượng so với năm 2022.

Xét về thị trường, Việt Nam nhập khẩu giấy chủ yếu từ các nước châu Á, trong đó Trung Quốc là chủ lực chiếm 24 - 30% về lượng và 33% giá trị tổng kim ngạch; đứng sau là Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chiếm từ 55 - 60% về lượng và chiếm 25 - 30% giá trị tổng kim ngạch.

Con số này thể hiện thị trường Trung Quốc có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành giấy Việt Nam, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, mọi nhu cầu về sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đều tăng cao. Ngành giấy Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng không chỉ trong xuất nhập khẩu giấy và các sản phẩm giấy cao cấp, mà còn cung cấp hóa chất, vật tư, máy móc thiết bị cho ngành giấy Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến sản xuất giấy bao bì.

Định hướng trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc, tìm kiếm thêm các thị trường trên các nước khác, ngành cũng sẽ tập trung phát huy nội lực của tại thị trường nội địa.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành giấy như hiện nay và hướng đến xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, thì Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng với dân số tỷ dân, mức tiêu thụ bình quân trên đầu người chưa cao nên vẫn còn nhiều cơ hội phát triển với ngành giấy Việt Nam, đặc biệt là giấy bao bì, giấy tái chế. Hiệp hội sẽ tiếp tục hợp tác, phát triển bền vững với Hiệp hội Giấy Trung Quốc để kêu gọi các nhà đầu, đơn hàng cũng như tiếp thu những lợi ích và chia sẻ kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật, môi trường nhằm hướng đến chuyển đổi xanh, giảm thiểu khí thải.

Chúng tôi kỳ vọng qua chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc sẽ được củng cố hơn nữa, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ song phương cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư…

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên: Tạo điều kiện cho nhiều nông sản xuất khẩu chính ngạch

thuc_day_manh_me_...viet_nam-trung_quoca2

Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam

11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ 11 tháng năm 2022. Xuất khẩu rau quả năm 2023 ước sẽ đạt khoảng 5,5 - 5,6 tỷ USD. Về thị trường, Trung Quốc hiện vẫn đứng đầu nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Kể từ khi Trung Quốc bỏ quy định phòng dịch Covid-19, cùng với đó là việc nhiều Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch được ký kết đã làm cho kim ngạch xuất khẩu 2023 tăng vọt. Nếu như năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 45%, thì 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 3,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 66%, tăng 270% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam đang xuất khẩu mạnh mặt hàng sầu riêng, thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít, măng cụt, thạch đen, chuối tươi và khoai lang… sang Trung Quốc.

Định hướng của ngành hàng trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng, chiến lược; phấn đấu sang năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này sẽ đạt 80% và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng với kết quả đó. Thực tế, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, giáp với những tỉnh đông dân của bạn, như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… nên đã hình thành được những chợ đầu mối lớn, tập trung nhiều hàng hóa rau quả với chi phí logistics rẻ hơn nhiều nước khác. Cùng với đó, người dân Trung Quốc cũng có xu hướng tiêu dùng, văn hóa giống người Việt Nam, nên chúng ta có lợi thế hơn so với các nước. Một lợi thế quan trọng nữa, đó là điều kiện tự nhiên của ta rất thuận lợi cho mặt hàng rau quả đạt chất lượng tốt.

Nhìn chung, có thể thấy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc. Mong muốn và kỳ vọng là qua chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với những thỏa thuận đạt được ở cấp cao nhất, quan hệ hai nước sẽ được làm sâu sắc, toàn diện hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt, nếu chúng ta mở cửa được thị trường nông sản trái cây với những nông sản, như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bưởi…, thì chắc chắn kim ngạch của ngành rau quả sẽ còn tăng rất mạnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Trương Đình Hòe: Trung Quốc - một trong những điểm đến quan trọng của ngành thủy sản 

thuc_day_manh_me_...viet_nam-trung_quoca3

Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản

Có thể thấy, thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong con số ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18%, thì riêng thị trường Trung Quốc đạt trên 1,4 tỷ USD, giảm 12%. Sự sụt giảm này là do những tác động chung của thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm 2023, Trung Quốc sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12/2023 và tháng 1, tháng 2/2024.

Hiện, dư địa ở thị trường này vẫn rộng mở và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng xác định Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng cho ngành. Bởi, một số chuyển dịch trong đầu tư của Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam.

Dự báo cho thấy, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu năm 2024 - 2025 sẽ càng khó khăn hơn do những ảnh hưởng phức tạp từ một số nơi trên thế giới, do đó Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản.

Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra đúng dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023). Do đó, chúng ra hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng, chuyến thăm sẽ mở ra một giai đoạn mới và viết nên chương mới trong quan hệ Việt - Trung. Chúng tôi kỳ vọng, hai nước sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư…; và hợp tác chiến lược toàn diện sẽ đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất hơn. Từ đó, không chỉ tác động tích cực với riêng ngành hàng thủy sản mà còn cho tất cả các ngành nghề khác của nền kinh tế.

Nguồn: daibieunhandan.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 55
Trong tuần: 1238
Lượt truy cập: 1260899

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn