Bộ Công Thương ưu tiên, khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ.
Bộ Công Thương khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực
Theo Bộ Công Thương, ưu tiên, khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ; phát triển, ứng dụng các công nghệ nền tảng phục vụ phát triển kinh tế chia sẻ... là một trung những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 50/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 52/NQ-TW Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đó, trong giai đoạn 2019-2022, Bộ Công Thương đã ưu tiên, khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực thương mại và công nghiệp gắn với gắn với phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ.
Cụ thể, tập trung các nội dung: Lồng ghép nội dung ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ vào các Chương trình/Đề án khoa học và công nghệ các cấp do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện.
Chẳng hạn như: Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030; Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giày giai đoạn 2021 - 2030.
Hay, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Trong sản xuất công nghiệp, đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiếp cận theo hướng từng bước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp dựa trên các công nghệ số, sản xuất thông minh ứng dụng công nghệ số.
Ví dụ như: Nghiên cứu phân tích thiết kế hệ thống, lập trình và xây dựng hệ thống thông tin hoạch định nguồn lực (ERP), ứng dụng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành da giầy; xây dựng module quản lý, theo dõi sản xuất của hệ thống ERP, áp dụng cho sản phẩm LED và điện tử tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Hệ thống giám sát, điều hành sản xuất trực tuyến, quản lý năng lượng và bảo trì bảo dưỡng, áp dụng tại Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội; phần mềm lập kế hoạch và quản lý sản xuất áp dụng tại Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên; hệ thống quản lý kho thông minh (gồm phần mềm và phần cứng) tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong; hệ thống đo lường và phân tích tự động dữ liệu tiêu thụ điện - PMSA; hệ thống giám sát chất lượng tự động QCS trong quá trính sản xuất giấy bao bì công nghiệp tại Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm...
Trong lĩnh vực thương mại, đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần tạo lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử.
Điển hình như: Nghiên cứu chính sách, mô hình hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới của các nước châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh thực thi cam kết FTAs/RTAs về thương mại điện tử; nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong ngành dịch vụ bán lẻ, phát triển bán lẻ đa kênh ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng mô hình D2C (Direct to Customer) cho các cơ sở sản xuất phục vụ quá trình chuyển đổi số nền kinh tế; Xây dựng mô hình sàn giao dịch dịch vụ logistics trong thương mại điện tử; nghiên cứu xây dựng hệ thống giải pháp hỗ trợ công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thuốc lá tại vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động thúc đẩy hoạt động hợp tác, triển khai các dự án hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế chia sẻ: Tổ chức hội thảo phổ biến thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0 và bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index - SIRI) cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam với sự tham gia của Tập đoàn Siemens, Tập đoàn TÜV SÜD, Công ty tư vấn McKinsey, và Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore (EDB).
Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Siemens, EDB và Tập đoàn TÜV SÜD thực hiện đánh giá, tư vấn về mức độ tiếp cận nền sản xuất 4.0 theo bộ chỉ số SIRI cho 14 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp;
Tham gia các hội thảo “Vietnam Business Innovation and Digitalization Project” do World Bank tổ chức, hội thảo “Voice of the Markets: Vietnam” thuộc chuỗi hội thảo quốc tế về công nghiệp “Industrial Transformation ASIA-PACIFIC”, qua đó cung cấp thông tin về các hoạt động, chính sách về thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp, tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế có tiềm năng hợp tác nghiên cứu và triển khai
Nguồn: congthuong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn