Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp vào các sản phẩm do Viện chế tạo.
Hệ thống vận chuyển đóng bao NPK tự động của Viện IMI
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với một số công nghệ nền tảng như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), in 3D, robotic… đã tạo ra sự phát triển thần tốc của khoa học và công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật và đời sống kinh tế - xã hội trong những năm gần đây.
TS. Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa (VIELINA) - cho biết, Viện đã chủ động nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ nền của CMCN 4.0 từ khi khái niệm CMCN 4.0 chưa có hoặc mới bắt đầu được đưa ra tại Việt Nam. Hiện nay, Viện có khá nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 đã đưa vào sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế. Điển hình như: Hệ thống điều khiển tích hợp dùng cho mỏ than hầm lò; hệ thống kiểm tra ngoại quan chất lượng sản phẩm dùng AI và thị giác máy ứng dụng cho một số doanh nghiệp FDI; hệ thống điều khiển cung cấp thức ăn và thông gió làm mát tự động cho trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ IoT...
Mới đây nhất, VIELINA đã chế tạo thành công Hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn. Hệ thống này hiện đang được sử dụng, vận hành tại Công ty Cổ phần chè Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Theo đánh giá của các chuyên gia ngành chè, đây là dây chuyền sản xuất chè có công suất lớn (sản xuất 50 tấn chè tươi/ngày), hiện đại nhất đang hoạt động tại Việt Nam. “Điều đáng nói là hệ thống thiết bị này do các chuyên gia Việt Nam tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt chuyển giao cho nhà máy, trong đó các công đoạn quan trọng nhất đã tự động hóa 100%, nhờ áp dụng các công nghệ 4.0 như: AI, IoT…” - TS. Nguyễn Thế Truyện nhấn mạnh.
Tại Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (còn gọi là Viện IMI), Viện luôn chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, có hàm lượng công nghệ cao, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và chuyển giao vào sản xuất thực tiễn. Viện đã dần tiếp cận cuộc CMCN 4.0 khi chế tạo thành công hệ thống vận chuyển kho và bốc xếp thông minh trên cơ sở ứng dụng robot công nghiệp. Hệ thống này đã được thương mại hóa cho nhiều đơn vị sản xuất phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp với giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá thành của sản phẩm nhập khẩu, mang lại hiệu quả thiết thực về khoa học và công nghệ (KH&CN), kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Viện còn đề xuất và đưa vào ứng dụng thực tế một số giải pháp công nghệ cho hoạt động logistics trong quá trình phát triển theo xu thế CMCN 4.0 của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương quản lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm 13 đơn vị, trong đó có 2 Viện đã thực hiện cổ phần hóa (chưa kể các viện nghiên cứu trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty ngành Công Thương và một số tổ chức KH&CN tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ).
Nhìn chung, hoạt động KH&CN của các Viện thuộc Bộ đã có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới, nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm của các đề tài, dự án đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp ngành, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thời gian tới, hoạt động nghiên cứu KH&CN của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chủ chốt; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0.
Nguồn: congthuong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn