banner_2021_1_

Chính sách tài khóa hỗ trợ đắc lực doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Ngày 08-11-2022

“Các chính sách tài khóa trong thời gian qua ban hành kịp thời đã giúp ổn định thị trường, kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển” - TS. Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về ý nghĩa của chính sách tài khóa thực hiện thời gian qua.

Chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó hiệu quả trước khó khăn bởi dịch Covid-19.

PV: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó hiệu quả trước khó khăn bởi dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về những động thái này của Bộ Tài chính?

TS. Đặng Văn Sơn: Theo đánh giá của tôi, Bộ Tài chính đã góp phần không nhỏ trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, tuân thủ điều hành vĩ mô và các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách tài khóa do Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất và được ban hành đã góp phần ổn định hàng tiêu dùng, kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

bai_chinh_sach_tai_khoa_ho_tro_...doanh_nghiep...a2

TS. Đặng Văn Sơn

Mặc dù, trong thời gian ban đầu bùng phát dịch bệnh, do ảnh hưởng của dịch trên phạm vi rộng và ở quy mô cấp độ quốc gia, quốc tế, nên một số chính sách còn cần phải tính toán, cân nhắc, nhưng với sự điều hành, thích ứng linh hoạt, các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch Covid-19, tương đồng với cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Để phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh, các chính sách cũng có sự sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, phù hợp và kịp thời hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

Đánh giá về tổng thể, nếu tính cả ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình địa chính trị thế giới, xung đột Nga - Ukraine thì mức độ lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đây chính là kết quả của sự điều hành vĩ mô, việc kịp thời ban hành và áp dụng các chính sách tài khóa thích ứng phù hợp trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, phục hồi sau đại dịch, cũng như ứng phó với ảnh hưởng của diễn biến tình hình địa chính trị hiện nay.

PV: Theo ông, các chính sách tài khóa đã tác động cụ thể như thế nào trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cũng như ngành giấy nói riêng vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay?

TS. Đặng Văn Sơn: Do dịch Covid-19 kéo dài, quy mô và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, nên các DN nói chung và các DN ngành giấy nói riêng đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời điểm cao trào của dịch bệnh, các DN đã gặp khó khăn và thiệt hại lớn về chi phí để thực hiện các quy định và chính sách về phòng chống dịch như: “một cung đường, hai điểm đến”, “ba tại chỗ”… Trong bối cảnh đó, cộng đồng các DN cũng như Hiệp hội Giấy đã kiến nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính để ban hành các chính sách hỗ trợ DN như: thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu, tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí…

Việc ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn nói trên đã giúp cho DN có một số tiền để chi trả lương cho công nhân, đặc biệt là góp phần thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã xây dựng các chính sách trình Chính phủ và Quốc hội kịp thời ban hành các chính sách tài khóa đã mang lại hiệu quả đối với cộng đồng DN như: giảm thuế giá trị tăng cho DN từ 10% xuống còn 8% (giảm 2%) giúp hạ giá thành sản phẩm kích cầu tiêu dùng, về tổng thể khoản hỗ trợ này rất hiệu quả. Đồng thời, các chính sách về gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất được tiếp tục ban hành đã hỗ trợ các DN có nguồn vốn để tái sản xuất, cơ bản vượt qua những khó khăn, tạo đà phát triển cho DN. Đến nay, có thể nhấn mạnh rằng, DN đã "hấp thụ" hiệu quả chính sách tài khóa.

Do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lệnh cấm vận và trừng phạt đối với Nga đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu và khí đốt thế giới. Việc giá xăng dầu biến động tăng liên tục với biên độ lớn đã tác động rất mạnh đối với nền kinh tế. Tuy vậy, với các chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, hiện nay giá xăng dầu đã dần ổn định, góp phần giúp DN giảm giá thành sản phẩm, ổn định các mặt hàng tiêu dùng trong nước.

Như vậy, các chính sách tài khóa nhìn chung đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ đối với các DN khó khăn trong đại dịch Covid-19, qua đó giúp DN phục hồi và tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng, thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội.

Kinh tế dần ổn định trở lại là nỗ lực chung của Chính phủ và toàn xã hội


TS. Đặng Văn Sơn cho rằng, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch Covid-19, đồng thời phục hồi nền kinh tế dần ổn định trở lại, đây là nỗ lực chung của Chính phủ và toàn xã hội. Các chính sách tài khóa do Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất được Chính phủ, Quốc hội thông qua đều mang lại những tác động tích cực, đặc biệt là các chính sách về thuế khi mỗi năm số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Với tư cách là đại diện DN của một ngành hàng, ông có khuyến nghị gì để chính sách tài khóa phát huy hơn nữa trong việc hỗ trợ cộng đồng DN trong thời gian tới?

TS. Đặng Văn Sơn: Trong thời điểm hiện nay, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN Việt Nam không chỉ có các yếu tố của dịch Covid-19 mà còn có các yếu tố khác như diễn biến của tình hình địa chính trị thế giới, xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu… Có thể nói rằng, các chính sách tài khóa cơ bản sẽ thay đổi để phù hợp và thích ứng với bối cảnh trên, không chỉ dừng lại ở việc ứng phó với đại dịch và hỗ trợ DN mà sẽ hướng đến mục tiêu dài hạn là phục hồi nền kinh tế. Do đó, các chính sách tài khóa hỗ trợ DN đã được áp dụng tốt trong thời gian qua nên được tiếp tục thực hiện, cùng với đó xem xét mở rộng thêm các đối tượng, cũng như bố trí thời gian hỗ trợ phù hợp.

Đồng thời, các cơ chế hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa trong thời gian tới tiếp tục cần được củng cố, bổ sung nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cũng như hỗ trợ các DN một cách hiệu quả và phù hợp hơn. Ngoài ra, cũng cần tập trung cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung vào chính sách hậu kiểm và thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 337
Trong tuần: 1376
Lượt truy cập: 1456727

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn