banner_2021_1_

COVID-19 đẩy doanh nghiệp SME ‘đương đầu’ với các vấn đề về dòng tiền

Ngày 04-05-2020

Tác động nặng nề nhất đến các doanh nghiệp do ảnh hưởng từ COVID-19, đó là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các doanh nghiệp.

Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp chỉ ra 85% các doanh nghiệp đã bị thu hẹp thị trường, khiến 60% doanh nghiệp gặp các vấn đề về dòng tiền. Điều này đẩy các doanh nghiệp đứng trước “bờ vực” kinh doanh và thời điểm cầm cự tính theo từng tháng. Cụ thể, 50% doanh nghiệp cho biết còn khả năng duy trì kinh doanh trong vòng 6 tháng. Thậm chí, 30% doanh nghiệp cho hay chỉ có thể trụ lại trong khoảng 3 tháng nữa. 

Kết quả trên cũng tương đồng với báo cáo nghiên cứu toàn cầu của Hiệp hội Nghề nghiệp Toàn cầu của các Kế toán viên, Kiểm toán viên và Chuyên gia tài chính (ACCA) về mức độ ảnh hưởng của COVID-19 với hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề nhất với các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như khu vực ASEAN là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, 47% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về dòng tiền do khách hàng dừng hoặc giảm mua hàng.

Những “cú sốc” về tài chính

Ông Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ và Nông sản tổng  hợp (Hagimex), chia sẻ công ty kinh doanh trong lĩnh vực rau của quả chế biến và gia vị quế hồi xuất đi các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Mô hình kinh doanh là khép kín từ bao vùng nguyên liệu, thu mua, sản xuất sau đó bán trực tiếp cho các nhà nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã khiến doanh nghiệp mất một số đơn hàng tại Hàn Quốc và châu Âu đồng thời gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ chuỗi cung ứng, kéo theo doanh thu của công ty mục tiêu sụt giảm khoảng 30%.

“Trên thực tế, thị trường thế giới hậu COVID là những ẩn số khó lường, mức sụt giảm doanh thu 30% của công ty có thể bị kéo dài và thậm chí giảm sâu hơn nữa, khi đó ngân sách dành cho quỹ lương và đầu tư mới sẽ bị ảnh hưởng,” ông Tiến Anh nói.

Trong tình trạng tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên KC Hà Tĩnh, cho biết doanh thu của công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước đến nay, chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ đầu vào khiến đầu ra phải dừng lại. Do đó, công ty đang xúc tiến tìm đơn hàng mới và hy vọng chỉ mất đến vài ba tháng để có thể quay về quy trình sản xuất như trước đây.

“Trong quá trình này, công ty vẫn phải trả các chi phí thường xuyên, trong đó lớn nhất là chi phí khấu hao tài sản nhà máy sản xuất. Riêng khoản lãi vay ngân hàng mà công ty phải trả mỗi tháng đã tới 700-800 triệu đồng,” ông Tùng cho hay.

Với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ tiêu lại là một vấn đề khác, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Công ty cho biết thị trường tiêu dùng các mặt hàng gia vị trong nước ảnh hưởng lên-xuống theo tâm lý gom hàng trữ của người tiêu dùng. Ở thời điểm này, những khó khăn kinh tế đã bắt đầu thẩm thấu vào đời sống xã hội, theo đó nhu cầu về mặt hàng này cũng sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu truyền thống của công ty là Ấn Độ, Đài Loan đang đóng cửa và các đơn hàng đang bị giữ lại, riêng thị trường Mỹ vẫn xuất đi được nhưng lại bị chậm thanh toán.

“Nhờ chuyển đổi kinh doanh sang hình thức thương mại điện tử, chúng tôi đã nhận được những đơn hàng từ các khách hàng lớn như Amazon, nhưng khó khăn mới lại nảy sinh do thiếu vốn. Điều này khiến công ty không đủ năng lực mở rộng đầu tư sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng lớn ở trên. Trong khi đó, vay vốn ngân hàng ở thời điểm này là cực kỳ nan giải bởi công ty đang gặp vấn đề ách tắc về dòng tiền,” bà Thương chia sẻ.

Chính sách tại các ngân hàng không đồng đều

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sản xuất, xuất khẩu của ngành và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều gặp những về tài chính, tình trạng chung doanh nghiệp thu hồi tiền hàng rất chậm. Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu cũng giảm mạnh dẫn đến công ty không xoay vòng được vốn cũng như không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Các doanh nghiệp của VASEP cũng cho biết lãi suất vay hiện vẫn khá cao. Mặc dù một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Quyết định 420/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước) nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng và tại cùng ngân hàng song chính sách ở mỗi địa phương cũng khác nhau.

Thêm vào đó, mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng. Ngoài ra, các doanh nghiệp lại bị “gánh” nhiều loại chi phí, như phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ, phí báo có... tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, chính sách cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 (theo công văn 117/NHNN-TD ngày 24/2 và Thông tư 01/2020/TT-NHNN) được thực hiện thiếu đồng đều tại các địa phương, tổ chức tín dụng và ngân hàng. Cụ thể, một số ngân hàng đã hạ lãi suất vay cho doanh nghiệp (như Vietcombank) nhưng một số ngân hàng vẫn chưa thực hiện vì phải chờ chỉ đạo chính từ hội sở (như BIDV, Vietinbank) và chính sách này chỉ đang áp dụng đối với khoản vay VNĐ mà không áp dụng cho các khoản vay bằng USD.

Chưa hết, một số doanh nghiệp trước đó gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng bị chuyển sang nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày) sẽ không được áp dụng các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay… đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do COVID-19. Các doanh nghiệp thuộc nhóm nợ 2 cũng không được áp dụng các chính sách về miễn giảm thanh toán, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ và vay mới theo gói hỗ trợ tín dụng.

Thực trạng trên không chỉ xảy ra với nhóm doanh nghiệp ngành thủy sản mà đây cũng là khó khăn phổ biến của nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết các đối tác ngân hàng của công ty là Vietcombank, BIDV, Agribank. Công ty đã liên hệ với các ngân hàng tìm hiểu thông tin về các gói hỗ trợ (như giảm lãi vay, gia hạn thời gian vay) nhưng chưa nhận phản hổi chính thức và mức lãi vay vẫn duy trì như trước (bình quân 7%/năm) cũng như những khoản vay đến hạn vẫn phải thực hiện đầy đủ.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Safe Green cho biết thời điểm tháng Ba công ty vừa đáo hạn một gói tín dụng với lãi suất 9% song không được nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ phía ngân hàng. Sau đó, công ty đã đáo hạn vay 6 tháng gói tín dụng 4 tỷ đồng với lãi suất 9,3%/năm. Sang đến tháng Tư, ngân hàng thông báo gói ưu đãi tín dụng cho những doanh nghiệp nhận nợ mới từ tháng Tư đến tháng Chín với lãi suất 8,5%/năm.

“Như vậy, các khoản vay của chúng tôi hoàn toàn nằm ngoài chính sách ưu đãi tín dụng của ngân hàng. Bởi theo quy định của ngân hàng nếu công ty trả nợ trước hạn để nhận gói tín dụng mới sẽ bị phạt, mà số tiền phạt có khi còn cao hơn cả mức lãi suất ưu đãi,” bà Hiên nói.

Tìm cách khơi nguồn vốn cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn của doanh nghiệp về vấn đề tài chính do đại dịch COVID, các hiệp hội đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp cũng lên tiếng đề xuất các giải pháp chính sách với các cơ quan chức năng.

Cụ thể, đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị ngành ngân hàng cần linh hoạt về thủ tục để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, vực dậy sản xuất, kinh doanh. Và, việc giữ nhóm nợ là rất quan trọng với doanh nghiệp trong giai đoạn này, do đó các ngân hàng cần thực hiện sát các Chỉ thị của Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. 

Dự thảo cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3-Triển khai mạnh mẽ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn bởi dịch, tăng cường triển khai các chương trình tín dụng, sản phẩm cho vay ưu đãi để người dân, doanh nghiệp phục hổi, duy trì sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 108
Trong tuần: 1388
Lượt truy cập: 1459974

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn