banner_2021_1_

Doanh nghiệp ngành giấy đẩy mạnh xuất khẩu

Ngày 18-04-2023

Trong 5 năm qua, sản lượng sản xuất giấy trong nước tăng gần gấp đôi, hiện đạt xấp xỉ 10 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của nhiều ngành hàng, ngành giấy cũng phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng nên các doanh nghiệp phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp ngành giấy phải đối mặt với nhiều khó khăn từ bối cảnh kinh tế nói chung

Hiện nay, dù ngành giấy tại Việt Nam có chiều hướng phát triển thuân lợi nhưng điểm yếu là liên tục nhập siêu trong nhiều năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam chi gần 2,2 tỷ USD cho nhập khẩu giấy và nguyên liệu, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 1,9 tỷ USD, nhập siêu khoảng 300 triệu USD.

Hơn nữa, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho hay, từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm, chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. Khó khăn này dự báo kéo dài đến hết năm 2023 khi tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Hơn nữa, ngành giấy Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh như phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu với khoảng 500.000 tấn bột giấy mỗi năm, xuất khẩu thô nên khó tăng cao về giá trị gia tăng… Vì thế, vị này đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu giấy năm 2023 có thể giảm so với kết quả 1 triệu tấn giấy đạt được trong năm 2022.

Đại diện VPPA cũng cho biết, hiện khoảng 90% sản phẩm bao bì giấy làm ra tiêu thụ ở thị trường nội địa, vì thế, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp phải gia tăng tỷ lệ xuất khẩu bằng cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới, tìm kiếm thêm những phương thức để kết nối đối tác, ký kết hợp động xuất khẩu…

Tại Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), năm 2022, doanh nghiệp này thu về lợi nhuận khoảng 12 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và tăng 10 lần so với năm trước. Năm 2023, ban lãnh đạo VINAPACO xác định sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức, dự kiến có nhiều nhà máy sản xuất giấy trên thế giới đi vào hoạt động trong khi nhu cầu yếu sẽ khiến giá bột giấy có xu hướng giảm.

Vì thế, doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các hệ thống máy móc thiết bị của Nhà máy Giấy Bãi Bằng, dự án cải tạo lò hơi động lực tại Nhà máy Điện và Công ty giấy Tissue Sông Đuống để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, VINAPACO sẽ thực hiện đầu tư hoặc liên doanh liên kết với các đơn vị bên ngoài để đầu tư các hệ thống thiết bị sản xuất dăm mảnh để xuất khẩu cho các đối tác Nhật Bản sau khi hợp đồng mua bán dăm được ký kết.

Tương tự, Công ty Cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên cũng cho biết gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu có sự cạnh tranh gay gắt, giá một số loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Nhưng nhờ các giải pháp chủ động nguồn vốn, vật tư, nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp vẫn hoàn thành các kế hoạch đề ra. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty còn chú trọng đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng máy móc, thiết bị và cải tạo hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Cũng để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu, nhà máy sản xuất bao bì của Tetra Pak tại Bình Dương đã đầu tư áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế, môi trường, giúp các sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt và chất lượng đồng nhất trong quá trình sản xuất vỏ hộp giấy tiệt trùng, không chỉ phục thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tại ASEAN, Australia và New Zealand.

Cùng với những giải pháp nêu trên, đại diện VPPA khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường ngách bằng cách làm việc với Thương vụ Việt Nam tại các nước như châu Mỹ, Trung Đông và thông qua các hiệp hội hàng tiêu dùng, hiệp hội bán buôn bán lẻ ở các nước sở tại để kết nối cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các hội chợ triển lãm để tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Cùng với xúc tiến thương mại, theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nội tại như khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, bởi hiện vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn. Tin mừng là dự kiến đến cuối năm 2023, Nhà máy bột giấy VNT-19 tại Quảng Ngãi sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm. Nhà máy này được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất thiết kế 350.000 tấn bột giấy/năm với vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tạo điều kiện về lãi suất vay vốn, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực… để phát triển ngành giấy theo tiêu chuẩn và công nghệ quốc tế.

Nguồn: haiquanonline.com.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 214
Trong tuần: 1362
Lượt truy cập: 1456253

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn