Với các ngành sản xuất công nghiệp như: giấy, hóa chất, thực phẩm, giấy, dệt, nhuộm… hầu hết đều sử dụng hơi nước như một trong các nguồn cung cấp năng lượng.
Hầu hết các nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn, hiện đại đều sử dụng lò hơi tầng sôi
Trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải để tận dụng đưa trở lại quá trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn là mục tiêu trọng điểm của ngành. Với mục tiêu đó, đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi, nhằm tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất.
Đồng thời, công nghệ này xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là vấn đề đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc đang được triển khai áp dụng tại một số nhà máy và đã mang lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt.
Với các ngành sản xuất công nghiệp như: giấy, hóa chất, thực phẩm, giấy, dệt, nhuộm… hầu hết đều sử dụng hơi nước như một trong các nguồn cung cấp năng lượng. Nhu cầu sử dụng lò hơi trong công nghiệp là tất yếu, dựa vào nhiệt lượng sinh ra của nhiên liệu, biến thành nhiệt năng của hơi nước.
Hiện tại, hầu hết các nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn, hiện đại đều sử dụng lò hơi tầng sôi. Lò hơi tầng sôi được phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước, kể từ đó, rất nhiều loại lò hơi tầng sôi ra đời, đốt được nhiều loại nhiên liệu khác nhau đã được phát triển và thương mại hóa trên toàn cầu. Lò đốt tầng sôi có khả năng đốt cháy kiệt các loại nhiên liệu, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, đồng thời cũng có khả năng đốt cháy hầu hết các khí hữu cơ phát sinh trước khí thải ra môi trường.
Tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Trung bình, để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120 kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn.
Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Thông thường lượng rác thải này hiện nay nhiều nhà máy đều phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ.
Sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu xuất 2019-2022(E) (Nguồn: VPPA)
Trong khi đó, cơ sở sản xuất có đủ khả năng và trang thiết bị về công nghệ (lò hơi tầng sôi) để trực tiếp xử lý tại chỗ chất thải này, và đây còn là một nguồn phế liệu cần được tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ trở lại cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó.
Ngoài ra, ở các nhà máy giấy còn có một số loại bùn thải có cũng có thể được xử lý bằng phương pháp đốt để tận dụng nhiệt như: bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, cặn bột giấy… Tổng lượng bùn chứa bột giấy có thể chiếm 1-3% sản lượng giấy. Trước khi đưa vào lò hơi cần xử lý bùn thải bằng ép bùn, đưa độ ẩm bùn sau ép về dưới 40% để tái sử dụng làm nguyên liệu đốt cho lò hơi.
Việc sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sinh khối hoặc nhiên liệu hóa thạch đồng đốt kèm rác thải rắn công nghiệp thông thường, cặn bột giấy, bùn thải… trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy - nơi phát sinh các nguồn thải này, là sự lựa chọn đúng đắn, có hiệu quả cao cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong khi nguồn rác thải là nguồn nhiên liệu có thể tận dụng để tái chế, tái sử dụng và chuyển hóa thành năng lượng, đưa trở lại phục vụ sản xuất. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện được điều này, tại hội thảo “Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi” diễn ra vừa qua, một số giải pháp đã được đề xuất như:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật nói chung và về môi trường nói riêng cho doanh nghiệp vì đây là một trong những đối tượng chính trong sự điều chỉnh của pháp luật.
Thứ hai, khảo sát chính thức toàn diện và đánh giá hiệu quả của loại hình đồng xử lý này cả về mặt kinh tế và môi trường trong phạm vi toàn ngành trên cả nước để làm căn cứ xây dựng các giải pháp thúc đẩy việc đồng xử lý này.
Thứ ba, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể dễ hiểu để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiểu và triển khai đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương trong cả nước.
Thứ tư, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc khuyến khích đầu tư đồng xử lý này nhằm tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp, đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện việc thiết kế chế tạo thiết bị và chế độ công nghệ cho việc đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi. Nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá, cấp phép cho các lò hơi với loại hình công nghệ này.
Năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó có 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm ~ 35% sản lượng. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm tỉ lệ trên 80%, còn lại là các loại giấy tissue, in viết, vàng mã và các loại giấy khác.
Nguồn: tapchicongthuong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn