Tận dụng bẹ lá dừa bỏ đi, những người thợ ở Hội An (Quảng Nam) đã "hô biến" thành những bức tranh để bán cho du khách, trong đó có nhiều tác phẩm có giá hàng chục triệu đồng.
Nhiều năm nay, khách du lịch đến Hội An (Quảng Nam) rất thích thú khi được thưởng lãm và mua những bức tranh, sản phẩm nghệ thuật được chế tác từ bẹ cây dừa nước. Điểm đặc biệt nhất của loại giấy này là "xuyên sáng", dưới ánh đèn hay ánh sáng mặt trời, những hoa văn trên sản phẩm càng được lộ rõ và rất bắt mắt.
Anh Trương Tấn Thọ (44 tuổi) chủ nhân của xưởng sản xuất giấy dừa này cho biết, sau nhiều năm bôn ba mưu sinh tại TP.HCM, năm 2016, anh về lại quê hương lập nghiệp bằng con đường hội họa và nuôi ý tưởng sáng tác tranh vẽ trên chất liệu hoàn toàn mới, tạo nên một sản phẩm mang đặc trưng riêng của Hội An.
Trong một lần đến tham quan rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh (Hội An), anh và 2 cộng sự chợt nghĩ ra sáng kiến sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương này để làm giấy và tạo ra những bức tranh độc đáo. "Vườn giấy Việt" là cái tên họ chọn để đặt cho những "đứa con" của mình.
Hiện, xưởng sản xuất tranh và giấy dừa duy nhất tại Hội An đang có 6 nhân công làm việc thường xuyên. Bẹ lá dừa sau khi thu mua sẽ được chẻ nhỏ, làm sạch các phần nhựa, mủ cây rồi nấu chín ở nhiệt độ cao.
Từ bẹ lá dừa đã nấu đó, sẽ sử dụng máy móc xay nhuyễn nhiều lần để nghiền nhỏ thành bột mịn và đem ủ trong một khoảng thời gian ngắn để làm trắng.
Bột sau khi đạt yêu cầu sẽ đem pha vào nước, người thợ sẽ dùng khung lụa để hứng và rải bột này lên trên sao cho đều là sẽ thu được giấy thô. Tùy vào hình dạng và mục đích của người thợ vẽ mà rắc bột theo những hình thù riêng.
Tiếp đó, người thợ sẽ khéo léo sử dụng áp lực của nước để làm cho bột giấy được đều và đẹp mắt hơn.
Khi bột giấy đã hoàn thiện trong khuôn thì đem phơi nắng 1-2 ngày sẽ thu được sản phẩm giấy dừa.
Công đoạn quan trọng nhất là "vẽ" tranh trên giấy dừa. Người thợ sẽ dùng 1 hoặc 2 vòi nước để xịt lên tấm khung lưới đã được quét đều một lớp bột dừa xay nhuyễn và có dán họa tiết in trên decal đặt bên trên. Đến khi cảm nhận được nét hằn vừa đủ trên khung thì tháo tấm decal, các nét hoa văn sẽ dần hiện ra.
Để có được bức tranh đẹp, người làm phải vặn bơm nước mạnh nhẹ khác nhau xịt trên tấm decal và xung quanh viền, từ đó "hình vẽ" mới in hằn trên bức tranh.
Các công đoạn rưới bột lên khung, đắp decal và xịt nước được những người thợ lành nghề thực hiện một cách rất tỉ mỉ. Tất cả đều được làm thủ công và hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào để giữ nguyên vẹn màu sắc, tạo nên đặc trưng "có một không hai" của giấy dừa.
Khó khăn nhất trong các công đoạn này là việc dùng áp lực nước như thế nào. Áp lực nước rất quan trọng, bởi xịt quá mạnh hình ảnh sẽ mất đi, nhưng nếu quá yếu thì họa tiết không hiện trên khung được.
Trong quá trình chế tác tranh, chi tiết nào bị lỗi hoặc không đẹp mắt thì người thợ dùng tay để lột bỏ phần đó rồi dùng áp lực để chỉnh sửa lại từ đầu. Mỗi bức tranh như vậy, thời gian từ việc nấu cành dừa đến khi hoàn thành mất khoảng 1 tuần.
Với kinh nghiệm 6 năm chế tác tranh giấy dừa, ông Quỳnh Năm (SN 1978) cho biết, tùy vào năng khiếu, sự khéo léo của mỗi người sẽ tạo nên sản phẩm nghệ thuật khác nhau. Có thể cùng vẽ một hình ảnh, một họa tiết nhưng sẽ vẫn có cái hồn riêng biệt.
Hiện, mỗi bức tranh làm từ bẹ lá dừa có giá trung bình từ 4 - 10 triệu đồng. Ngoài việc phục vụ cho du khách mua lưu niệm, hiện Vườn Giấy Việt ngày càng nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng từ các khách sạn, nhà hàng hoặc gia đình, với nội dung chủ yếu xoay quanh các địa điểm nổi tiếng của hội An, hoa sen, đức Phật, chim hạc, trống đồng Đông Sơn,... Trong đó, có nhiều khách đặt hàng những bức tranh khổ lớn, với họa tiết phức tạp nên giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.
Ngoài tranh thì các sản phẩm thủ công khác như lồng đèn, giấy thô được chế tác từ bẹ lá dừa cũng đang là những mặt hàng lưu niệm ý nghĩa dành cho khách du lịch khi đến tham quan phố Hội.
"Hội An là thành phố du lịch đang xây dựng nên thương hiệu thành phố sinh thái. Đó cũng là tiêu chí mà tôi hướng đến trong từng sản phẩm của mình. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, độc đáo hơn. Và những sản phẩm đậm chất nghệ thuật ấy chắc chắn phải được làm từ loại giấy mang thương hiệu dừa nước của Hội An", anh Thọ chia sẻ.
Nguồn: ttvn.toquoc.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn