Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh. Đây có thể là “chiếc phao cứu sinh” để doanh nghiệp sớm phục hồi, đóng góp vào tăng trưởng năm 2023.
Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất đã đi đúng hướng và tạo động lực để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
PV: Ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Ông đánh giá thế nào về những động thái của Bộ Tài chính trong việc tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách này để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp?
TS. Đặng Văn Sơn: Có thể nói, hơn 3 năm qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất đã đi đúng hướng và tạo động lực để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, cùng với tình hình kinh tế, chính trị thế giới ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đang có dấu hiệu sụt giảm từ quý IV/2022 tới thời điểm hiện nay.
TS. Đặng Văn Sơn
Trước những khó khăn trên, đây là một động thái rất tích cực và kịp thời. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành giấy nói riêng rất vui mừng và đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để giải quyết các khó khăn trước mắt về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển.
PV: Theo ông, chính sách trên sẽ tác động ra sao đối với các doanh nghiệp ngành giấy nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý I/2023 có dấu hiệu suy giảm và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn?
TS. Đặng Văn Sơn: Nhận thấy những thách thức do ảnh hưởng suy giảm tổng cầu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây là chính sách được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ trước tình cảnh sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn chịu nhiều tổn thương hậu đại dịch.
Tiếp đến, chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất sớm ban hành sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó quay lại đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, các doanh nghiệp trong thời điểm này đi vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn, cùng với lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức cao, do vậy doanh nghiệp rất cần nguồn vốn khác và một trong những khoản vốn mà doanh nghiệp có thể có được chính là từ chính sách cho chậm nộp thuế.
Ngân hàng cần cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay
TS. Đặng Văn Sơn cho hay, hiện nay, đối với doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nói riêng, ngoài việc được hỗ trợ từ các sắc thuế ra, cũng rất cần sự hỗ trợ của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là các khoản vay trung và ngắn hạn nhằm cung cấp cho doanh nghiệp có đủ vốn tiếp tục duy trì sản xuất. Do đó, rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo sát sao hơn nữa về vấn đề này, để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đối với doanh nghiệp ngành giấy, từ quý IV/2022 đến nay đang trong tình trạng khan hiếm đơn hàng, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì công nghiệp, do tiêu dùng trong nước giảm và tình hình xuất khẩu cũng rất khó khăn. Trong bối cảnh này, các nhà máy đang cố gắng chạy cầm chừng để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, nếu được giãn, hoãn hoặc giảm các loại thuế và tiền thuê đất thì như một “chiếc phao cứu sinh” giúp cho các doanh nghiệp có thể cố gắng tiếp tục duy trì sản xuất và có điều kiện tìm kiếm các thị trường mới, các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn để phát triển.
PV: Từ kinh nghiệm hỗ trợ những năm trước, ông có khuyến nghị gì để chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả?
TS. Đặng Văn Sơn: Tôi cho rằng, trong mọi chính sách, điều quan trọng vẫn là quá trình thực thi. Rút kinh nghiệm từ bài học thực hiện gia hạn tiền thuế và thuê đất các năm trước, cần xem xét, đánh giá các lĩnh vực, doanh nghiệp nào sẽ thuộc đối tượng được hỗ trợ để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Trong đó, điều quan trọng nhất vẫn là đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ về cả thời gian và hồ sơ cho đối tượng được thụ hưởng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp mà còn cho cả cơ quan thực thi. Đồng thời, cần rà soát đánh giá hiệu lực, hiệu quả của chính sách sau khi ban hành, qua đó bổ sung, điều chỉnh kịp thời khi có đề xuất kiến nghị từ doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nộp giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất chậm nhất ngày 30/9/2023
Để được gia hạn thuế và tiền thuê đất, Nghị định số 12/2023/NĐ-CP (Nghị định 12) quy định, người nộp thuế (NNT) thuộc đối tượng được gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2023. Cơ quan thuế không phải thông báo cho NNT về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Nghị định 12 lưu ý, trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định NNT không thuộc đối tượng gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho NNT về việc không gia hạn và NNT phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, qua thanh tra, kiểm tra cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện NNT không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại nghị định này thì NNT phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp vào NSNN.
Theo Nghị định 12, không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong khoảng thời gian được gia hạn thời hạn nộp. Trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp (nếu có) đối với các hồ sơ thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh, không tính tiền chậm nộp.
Cũng theo Nghị định 12, chủ đầu tư các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn NSNN, các khoản thanh toán từ nguồn NSNN cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng khi làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước phải gửi kèm thông báo cơ quan thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn hoặc giấy đề nghị gia hạn có xác nhận đã gửi cơ quan thuế của nhà thầu thực hiện công trình.
Kho bạc Nhà nước căn cứ trên hồ sơ do chủ đầu tư gửi để chưa thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng trong thời gian gia hạn. Khi hết thời gian gia hạn, nhà thầu phải nộp đủ số thuế được gia hạn theo quy định
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn