banner_2021_1_

Giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì tỉnh Thanh Hóa

Ngày 20-07-2021

Sản xuất giấy là một ngành quan trọng trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Những năm gần đây sản xuất giấy có tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngành giấy, chất lượng môi trường cũng bị suy giảm nặng nề.

Trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm

Để phát triển hài hòa giữa sản xuất kinh doanh và bảo vệ mội trường, các nhà máy sản xuất giấy nói chung cũng như các doanh nghiệp giấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng cần chú trọng giảm thiểu tác hại đến môi trường như: đầu tư đúng mức ở quy trình sản xuất, xử lý chất thải, sử dụng nguyên vật liệu hợp lý để gia tăng giá trị sản xuất hướng tới phát triển bền vững.

Thực trạng phát triển các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì tỉnh Thanh Hóa

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA); trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm.

Với nhu cầu gia tăng mạnh và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Sản xuất giấy mặc dù không phải là ngành công nghiệp trọng yếu, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, nhưng trong cuộc sống, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành phụ trợ của sản xuất giấy (trồng rừng) đã giải quyết việc làm cho người lao động miền núi và tạo môi trường xanh cho con người.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 10 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất giấy và bột giấy, hàng năm sản xuất khoảng 21.083 tấn giấy và bột giấy các loại với tổng doanh thu đạt 313,9 tỷ đồng, chiếm 3,3% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Thanh Hóa. Sản phẩm của các nhà máy đã và đang góp phần làm tăng nguồn cung ứng sản phẩm giấy cho Tỉnh, cả nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất giấy khai thác hiệu quả đầu tư quỹ đất hiện có, tăng nguồn thu cho ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng CNH-HĐH, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời, ngành sản xuất giấy và bao bì hiện đã tạo việc làm ổn định cho nhân dân trong Tỉnh, đặc biệt là nhân dân các huyện miền núi mức lương ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Tiếp cận quan điểm phát triển bền vững, doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã dần dần thay đổi quan niệm về việc “sản xuất phải ô nhiễm” sang đầu tư chuỗi sản xuất thân thiện với môi trường. Quy trình sản xuất bền vững, công nghiệp xanh đang được nhiều doanh nghiệp cam kết áp dụng như công ty cổ phần giấy Mục Sơn, công ty cổ phần giấy Lam Sơn.

Đối với ngành sản xuất giấy của Thanh Hóa, các DN thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy như: triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy đang vận hành, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất rắn, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh những thành tựu trong ngành sản xuất giấy và bao bì tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại một số hạn chế:

Thứ nhất, công nghệ sản xuất giấy của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa còn rất lạc hậu, công nghệ thủ công, chưa có dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn. Quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa dẫn đến việc lãng phí nguyên liệu, lãng phí tài nguyên, tăng chi phí sản xuất và làm giảm năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Chất thải của quá trình sản xuất giấy và bao bì gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn, đặc biệt là nước thải đang là một trong những vấn đề đang được sự thu hút sự quan tâm đặc biệt các cơ quan chức năng bởi những tác động có hại của nó đến đời sống, sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái. Để sản xuất ra một tấn giấy thành phẩm, các nhà máy trung bình phải sử dụng từ 30-100 m3 nước, trong khi các nhà máy giấy hiện đại của thế giới chỉ sử dụng 7-15 m3/tấn giấy.

Công ty Cổ phần Giấy Mục Sơn Thanh Hóa, thuộc khu 3, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, là đơn vị chuyên sản xuất giấy bìa carton, với dây chuyền thiết kế của nhà máy khoảng 12.000 tấn/ năm. Nguyên liệu sản xuất bột giấy của nhà máy là giấy phế liệu, bột giấy, tre, nứa. Có công suất chế biến từ 25-30 tấn giấy/ngày đêm, lượng nước thải từ chế biến khoảng trên 150 m3 nước thải/ngày đêm. Còn đối với hợp tác xã Hợp Phát, sản xuất giấy vàng mã với sản lượng 3.500 tấn/năm, lượng nước thải từ chế biến là 68,58 m3/ngày đêm. Theo quy trình, nước thải của bộ phận nấu bột và nghiền ủ bột được thu hồi chảy qua đường ống dẫn nước đưa qua các hồ trung chuyển và lắng đọng cuối cùng đến hồ sinh học để xử lý, sau đó được xả vào bể lắng để phục vụ tái sản xuất, một phần nước thải thừa mới xả ra môi trường. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải chưa tốt và nước thải được xả ra ngoài Nông Giang rồi ra sông Chu, sông Mã làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Việc xử lý khí thải trong sản xuất giấy và bột giấy cũng chưa được chú ý. Khí thải có mùi khó chịu hầu như chưa được khắc phục; Nồng độ bụi, khí thải trong không khí rất cao như cacbon, lưu huỳnh, nito... Bên cạnh đó, tại khu vực bể ngâm có hoạt động băm nguyên liệu; nguyên liệu được qua máy băm sẽ đưa dăm nguyên liệu vào bể ngâm; hoạt động này phát sinh bụi gỗ.

Thứ ba, các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì tỉnh Thanh Hóa chưa chú trọng công tác tái chế và tái sử dụng giấy phế thải. Việc sử dụng giấy tái chế giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí và bên cạnh đó nếu sử dụng giấy tái chế để sản xuất còn có thể giảm được 74% khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên liệu. Tuy vậy, hiện nay, tỷ lệ thu gom giấy, tái chế giấy phế thải của các doanh nghiệp chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40%. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất giấy, bao bì do thu gom, tái chế còn hạn chế, do vậy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải nhập khẩu bột giấy làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh.

Nguyên nhân của hạn chế nêu trên có thể kể đến gồm:

Một là, các doanh nghiệp sản xuất giấy chủ yếu là có quy mô vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, vốn để có thể thay thế dây chuyền sản xuất cũ sang hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Các nhà máy không nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp bảo vệ môi trường khi xảy ra sự cố môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến người dân xung quanh nhà máy.

Hai là, một số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nắm bắt hết được các quy trình sản xuất xanh, sạch để áp dụng vào thực tiễn sản xuất cũng như doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì  giấy tại tỉnh Thanh Hóa

Mở rộng quy mô sản xuất là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh nhưng cần đảm bảo sự kết hợp với vấn đề bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngành giấy được coi là một ngành công nghiệp phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Để các DN ngành giấy nói chung, các DN sản xuất giấy và bao bì tỉnh Thanh Hóa nói riêng phát triển bền vững, cần chú trọng đến những giải pháp sau:

Thứ nhất, về đổi mới công nghệ: Để hạn chế nguy cơ về ô nhiễm môi trường, ngành công nghiệp sản xuất giấy Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Trong đó, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giấy như công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học (biomass) và nano…; Đồng thời, triển khai ứng dụng và đưa vào sản xuất các loại giấy kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp và dân dụng, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, hạn chế nhập khẩu; tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả tái chế giấy.

Doanh nghiệp cần được tạo cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư thay đổi công nghệ máy móc như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh, Chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh… Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch; Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong ngành giấy.

Thứ hai, về xử lý hệ thống xả thải: Cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng tích lũy, hình thành nguồn vốn hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì chính quyền địa phương cần có các biện pháp quy hoạch, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này để lập ra các khu công nghiệp giấy tập trung và hướng tới xử lý nguồn nước thải liên hoàn.

Thứ ba, về tổ chức thu gom và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu giấy tái chế: Giấy tái chế đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp giấy của các nước phát triển, thế giới không coi giấy thu hồi là phế liệu mà coi đây là nguồn nguyên liệu trong sản xuất và Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này. Để phát triển ngành giấy nhưng vẫn phải đảm bảo đến bảo vệ môi trường, Nhà nước cần sớm xây dựng quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển.

Thứ tư, về giám sát và đào tạo ý thức bảo vệ môi trường: Để đảm bảo theo dõi sát diễn biến môi trường trong quá trình hoạt động của ngành công nghiệp giấy, chương trình quản lý môi trường của các nhà máy được đề ra dựa trên đặc điểm của các nguồn gây ô nhiễm và phù hợp với từng giai đoạn hoạt động của nhà máy.

Các biện pháp cụ thể mà doanh nghiệp cần thực hiện gồm:

- Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền kết hợp với công tác tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ, người lao động trong toàn doanh nghiệp.

- Tổ chức các lớp đào tạo về công tác môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm với môi trường hướng đến nền sản xuất xanh. Từ nhận thức đúng đắn của lãnh đạo các doanh nghiệp để phát triển bền vững, công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức, ý thức trong việc bảo vệ môi trường cần được quan tâm và thực hiện thường xuyên.

- Hướng dẫn tuyên truyền cho toàn thể người lao động về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững, từ đó nâng cao ý thức cho người lao động đối với công tác bảo vệ môi trường.

- Thành lập đội kiểm soát môi trường và phòng cháy chữa cháy của nhà máy, người chịu trách nhiệm chính là lãnh đạo công ty, cử cán bộ chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm ở các bộ phận sản xuất về bảo vệ môi trường của công ty.

Để hạn chế nguy cơ về ô nhiễm môi trường, ngành công nghiệp sản xuất giấy Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Trong đó, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giấy như công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học (biomass) và nano…

Tài liệu tham khảo:

1. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

2. Luật Bảo vệ môi trường (2014), số 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014;

3. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

4. Số liệu của Sở công thương và các đơn vị sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

5. VCCI, Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (2018), Hội thảo Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy Tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Học viện Ngân hàng, Lê Thị Mỹ Dung, Lê Thị Diệp, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức.

Nguồn: tapchitaichinh.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 138
Trong tuần: 1403
Lượt truy cập: 1458795

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn