banner_2021_1_

Hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp ngành Giấy trong Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập

Ngày 02-11-2022

Trong xã hội hiện đại, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của bất kỳ ngành sản xuất nào và quốc gia nào, bởi vì nếu có những con người tài năng, có năng lực chuyên môn, có bản lĩnh thì việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác mới hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho ngành, cho xã hội.

1. Đặt vấn đề

Trong xã hội hiện đại, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của bất kỳ ngành sản xuất nào và quốc gia nào, bởi vì nếu có những con người tài năng, có năng lực chuyên môn, có bản lĩnh thì việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác mới hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho ngành, cho xã hội.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu có tính tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ về nhân lực trên thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới.

Trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 11-14%/năm. Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành giấy của Việt Nam. Trước những thay đổi đối với ngành công nghiệp giấy Việt Nam, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đang là đòi hỏi rất cấp bách khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy và sản phẩm có nguồn gốc từ giấy đang không ngừng gia tăng cùng với đó là sự ra đời của nhiều doanh nghiệp giấy được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại.

2. Thực trạng về nhân lực ngành giấy

Hiện nay, ngành giấy có gần 500 doanh nghiệp, với số lao động trực tiếp khoảng 50.000 người. Trong đó gần 100 doanh nghiệp có dây chuyền thiết bị hiện đại, trong thời gian tới, số lượng này tiếp tục tăng. Là một trong những ngành có tốc độ phát triển cao trong thời gian qua, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

Thực trạng là hiện nay nhân lực ngành giấy không chỉ ít về số lượng mà còn có nhiều hạn chế về chất lượng và số nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao chủ yếu tập trung ở một số nhà máy lớn. Trong khi lực lượng lao động trong doanh nghiệp tại các khu vực công nghiệp địa phương, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình phần lớn không được đào tạo một cách bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, chỉ có khả năng vận hành các loại thiết bị đơn giản, chưa hiểu đầy đủ bản chất của quá trình công nghệ. Tình trạng này đã và đang hạn chế khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, thực trạng này đang là rào cản lớn với ngành công nghiệp giấy trên con đường phát triển và hội nhập.

Sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô công suất, công nghệ và thiết bị hiện đại, đòi hỏi tất yếu về nguồn nhân lực, không chỉ công nhân vận hành, mà cả nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Không chỉ nguồn nhân lực chuyên môn công nghệ giấy, mà cả những lĩnh vực khác, như cơ khí chế tạo, điện-nhiệt, điều khiển tự động hóa, công nghệ thông tin và quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng tay nghề và chuyên môn tốt, nhân lực ngành giấy ngày nay còn cần phải thông thạo ngoại ngữ và thương mại quốc tế, có năng lực tự đào tạo và tiếp nhận chuyên môn cần thiết cho vận hành và quản trị doanh nghiệp. Xét về mặt nào đó, các doanh nghiệp vốn FDI có những lợi thế và sẵn sàng nhất định khi đầu tư và vận hành sản xuất nhờ có đội ngũ nhân lực nước ngoài giỏi. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực. Mặc dù vậy, đặc điểm chung là các doanh nghiệp đều sử dụng chủ yếu nguồn nhân lực trong nước. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động xã hội, 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Trong khi nhiều doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động thì rất khó có thể thu hút đầu tư. Vì vậy, hơn bao giờ hết, nhu cầu nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành giấy cả thời điểm hiện nay và trong vòng 10-15 năm tới là vấn đề chung của toàn ngành.

Thêm vào đó, môi trường làm việc cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chiếm số lượng lớn, như chưa có tính chuyên nghiệp, máy móc thiết bị lạc hậu, chưa áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thiếu đất cho sự sáng tạo cũng như có rất ít cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Điều này cũng làm cho ngành giấy kém hấp dẫn không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như chưa khuyến khích được các bạn trẻ theo học chuyên ngành này.

3. Về công tác đào tạo nhân lực tại các Cơ sở đào tạo chuyên ngành

Hiện nay, nhân lực được đào tạo bài bản chuyên ngành công nghệ sản xuất bột giấy và giấy chủ yếu từ các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ. Tuy nhiên số lượng rất ít ỏi.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành giấy hiện nay còn mỏng và còn tồn tại nhiều bất cập. Các cơ sở vẫn cần phải đổi mới từ Đội ngũ giảng viên; Cơ sở vật chất trang thiết bị; Phương thức đào tạo để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của ngành trong xu thế phát triển như vũ bão và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của quá trình hội nhập.

Tình trạng học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng vẫn còn nhiều. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học lao động xã hội, hiện năng suất lao động ở Việt Nam và trình độ quản trị doanh nghiệp rất thấp và hiện 2/3 người lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật. Thực trạng trên phản ánh sự bất cập, không ăn khớp giữa đào tạo và sử dụng, giữa nhà trường với doanh nghiệp, từ đó đặt ra vấn đề các trường cần phải quan tâm hơn nữa đến sự liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

4. Vai trò của Doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao

Chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó việc hình thành các nhà máy thông minh được quản lý, quản trị thông qua hệ thống thực – ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của intenet vạn vật.

Ngành công nghiệp giấy cũng không là ngoại lệ và phải tích cực, chủ động tham gia trào lưu trên. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả ngành giấy nói chung, ngoài các vấn đề về thiết bị, công nghệ thì một yếu tố mang tính chất quyết định, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động để đáp với nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp với mục tiêu không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Các doanh nghiệp cần nhìn nhận các cơ sở đào tạo như các bạn hàng, hai bên đến với nhau cùng có lợi ích, cùng hợp tác với nhau để cùng phát triển. Mặt khác, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của nhà trường, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, HSSV có thể làm việc ngay tại doanh nghiệp mà không mất nhiều thời gian làm quen và đào tạo lại. Doanh nghiệp có ngay lực lượng lao động năng lực được đào tạo theo yêu cầu của mình, đồng thời giảm thiểu chi phí tuyển dụng, hướng dẫn và đào tạo lại đối với lao động mới.

Nhân lực sẽ là một lợi thế của ngành giấy, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung – cầu nhân lực giữa các đơn vị đào tạo với các doanh nghiệp. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, nên đầu tư vào phát triển nguồn tài nguyên này cần được xem là một hướng đầu tư hứa hẹn nhiều lợi ích.

Khi nhà trường và doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, xây dựng được những lợi ích cho nhau, hỗ trợ nhau phát triển sẽ giải quyết được các vấn đề xã hội như thất nghiệp, làm trái nghề, nhảy việc tạo nên sự ổn định xã hội. Đồng thời với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các nhà trường có thể chuyển nhanh sang cơ chế tự chủ, giảm bao cấp của nhà nước.

Vì vậy, ngoài sự đổi mới tích cực của các cơ sở đào tạo, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong “cuộc chơi” nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác liên kết đào tạo; đề xuất các mô hình và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo; đáp ứng những đòi hỏi về kỹ năng mới đang diễn ra ở mọi khâu của quá trình sản xuất, từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị nơi làm việc, đến vận hành thiết bị, giám sát quá trình và bảo đảm an toàn; Quan tâm hơn nữa đến chế độ, môi trường làm việc, quyền lợi của người lao động.

5. Vai trò của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Hiệp hội cần đóng vai trò trung gian tích cực hơn góp phần đáp ứng các nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích, liên kết các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh bình đẳng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề xuất Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cần đứng ra làm đầu mối để tập hợp những giải pháp, chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với tầm vĩ mô. Xây dựng phương án cụ thể trong việc Đào tạo theo nhu cầu thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp; Đào tạo tinh hoa; Đầu tư trong nghiên cứu các lĩnh vực mới; đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo, nghiên cứu.

6. Một số định hướng về việc gắn kết đào tạo của nhà trường với doanh nghiệp trong thời gian tới

Tuy cơ chế, chính sách về hợp tác doanh nghiệp còn chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo với nhà trường, nhưng việc hợp tác doanh nghiệp là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, do đó, để có thể hợp tác tốt với doanh nghiệp, Nhà trường định hướng các công việc cụ thể như sau:

– Thứ nhất, Đổi mới từ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ nhà giáo được bổ sung cập nhật những năng lực mới, năng lực sáng tạo, hoàn thiện những năng lực mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và những kỹ năng mềm cần thiết khác. Có như vậy, việc đào tạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Nhà trường cần xây dựng cơ chế để đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia từ doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết trong chương trình đào tạo nhằm giúp người học tiếp cận được các thông tin cập nhật từ doanh nghiệp cũng như được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm làm việc, được truyền cảm hứng giúp sinh viên thêm yêu nghề.

– Thứ hai, Phát triển chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, chú trọng kỹ năng và thái độ làm việc

Chương trình đào tạo được thiết kế theo nhu cầu doanh nghiệp và tính đến sự thay đổi. Các chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chuẩn đầu ra đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Chương trình đào tạo ngoài trang bị những kỹ năng nghề nghiệp, cần tích hợp các nội dung về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; trang bị tốt hơn cho người học những kỹ năng như ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực, khả năng nhận thức để tự giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, cần nhiều hơn đến tư duy. Nhà trường định kỳ lấy ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo, chương trình môn học để cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp, từ đó, giúp chương trình đào tạo của nhà trường bám sát thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp.

– Thứ ba, Trang thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại

Nhà trường cần tập trung sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước và kinh phí tự có để đầu tư lớn cho việc mua sắm trang thiết bị chuyên ngành, đẩy mạnh việc xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị trong ngành sản xuất bột giấy và giấy phục vụ đào tạo nhân lực ngành giấy.

– Thứ tư, Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động của nhà trường với doanh nghiệp

Sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu trong hoạt động của nhà trường. Nhà trường phải tích cực tham gia hoạt động với các Hiệp hội ngành nghề để giúp nhà trường thuận lợi trong quan hệ với doanh nghiệp. Luôn bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, tích cực, chủ động nắm bắt được các thông tin từ doanh nghiệp như số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm, thu hút hỗ trợ học bổng cho HSSV, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho tương lai, nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất…

Xây dựng cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp với nhà trường để đào tạo nhân lực là hướng đi cần đẩy mạnh để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Một khi nhà trường và doanh nghiệp đã có mối quan hệ chặt chẽ, sâu rộng thì nhà trường có thể nắm bắt được nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp, từ đó, nhà trường có thể giúp doanh nghiệp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.

Nhà trường cần có đại diện tham gia trong các dự án của doanh nghiệp. Hoạt động này giúp nhà trường dễ dàng đưa giảng viên và học sinh, sinh viên vào nghiên cứu, thực hành và làm việc thực tế, đáp ứng đúng nhu cầu nhân sự mà doanh nghiệp cần.

– Thứ năm, Tăng cường chặt chẽ hơn mối liên hệ với cựu sinh viên

Nhà trường cần tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt, hội thảo với cựu sinh viên để họ chia sẽ kinh nghiệm của mình cũng như nhận phản hồi của cựu sinh viên về chương trình đào tạo, chương trình môn học của Trường để có điều chỉnh, cập nhật kịp thời.

Là một thành viên của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nhà trường rất cần có được sự quan tâm, chia sẻ và phối hợp đồng bộ với các thành viên trong Hiệp hội. Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ luôn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp để liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ của mình. Nhà trường cam kết không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu đào tạo nhân lực cho Doanh nghiệp. Sự hợp tác, thành công của Doanh nghiệp chính là khẳng định vị thế, là động lực giúp nhà trường nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Nhà trường luôn mong muốn hợp tác tốt nhất và cùng chia sẻ thành công, coi trọng tinh thần trách nhiệm cao trong mọi hoạt động hợp tác, đào tạo, tư vấn, huấn luyện cho các doanh nghiệp và các đơn vị thành viên.

Nguồn tham khảo

1. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.

2. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

3. Hội thảo Giáo dục Việt Nam: Phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong bổi cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

4. Lê Thị Hải Vân, Hoạt động liên kết gắn nhà trường với doanh nghiệp: Lý thuyết và ứng dụng tại các trường cao đẳng, Chuyên đề công nghệ và giáo dục 12/2018.

5. Hương Giang, Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ hội nhập: Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính 13/3/2019.

ThS. Nguyễn Đăng Toàn

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 325
Trong tuần: 1371
Lượt truy cập: 1456654

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn