Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia xếp giấy thu hồi (OCC) là nguyên liệu thứ cấp, coi như mặt hàng nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thông thường.
Theo dự báo từ các chuyên gia nhu cầu giấy vệ sinh và giấy bao bì trong vài năm tới sẽ tiếp tục gia tăng, đây sẽ là tiềm năng lớn của lĩnh vực tái chế giấy trong nước (hiện nước ta sản xuất giấy bao bì từ giấy thu hồi hay còn gọi là giấy phế liệu đang chiếm tỷ trọng lớn ) vì vậy điều kiện cần là quan tâm tháo gỡ khó khăn để ngành Giấy tận dụng được cơ hội tăng tốc phát triển.
Theo nhận định của VPPA nhu cầu tiêu thụ giấy tissue, giấy bao bì sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới. Hơn nữa, Việt Nam hiện tham gia đồng thời nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, việc sản xuất hàng hóa sẽ phát triển, xuất khẩu tăng trưởng mạnh… Đây chính là cơ hội và tiềm năng phát triển của lĩnh vực sản xuất giấy bao bì, đăc biệt là bao bì giấy cho hàng hóa xuất nhập khẩu khẩu và thương mại điện tử…
Thay đổi nhận thức về ngành Giấy
Dự báo, nhu cầu giấy bao bì tăng trưởng 10 -12 % mỗi năm và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, theo VPPA để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, việc nâng cao chất lượng sản phẩm giấy, tăng sản lượng bột giấy để giảm chi phí ngoại tệ nhập khẩu phải được quan tâm trong giai đoạn tới.
Hơn nữa hiện có một nghịch lý đang tồn tại là ngành giấy Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu nguyên liệu thô (dăm mảnh gỗ), nhưng lại nhập khẩu bột giấy, trong khi sản xuất bột giấy là lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao.
Cụ thể theo số liệu từ VPPA hàng năm Việt Nam xuất khẩu gần 15 triệu tấn dăm mảnh gỗ, lượng dăm mảnh tiêu thụ trong nước cho sản xuất bột giấy chỉ đạt khoảng 500 nghìn tấn (chủ yếu cung cấp cho 2 nhà máy sản xuất bột giấy là An Hòa và Nhà máy Giấy Bãi Bằng – Tổng Công ty Giấy Việt Nam).
Giấy bao bì lĩnh vực phụ trợ quan trọng trong xuất khẩu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Sơn – Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam do nhận thức xã hội chưa đầy đủ, nên Ngành giấy hiện đang bị coi là ngành gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đây là vấn đề của hàng chục năm trước, khi quy mô sản xuất nhỏ, thủ công, ít quan tâm xử lý môi trường, ngoài ra một phần là do thực trạng sản xuất công nghiệp tự phát của các làng nghề (làng nghề không thể đại diện và phản ánh thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp sản xuất giấy).
Thực tế, hiện các doanh nghiệp sản xuất giấy hầu hết đã tập trung vào đầu tư với quy mô công suất lớn, có hệ thống xử lý nước thải phù hợp, đối với chất thải rắn đã được thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nhà máy. Hiện nay, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giấy bao bì (đặc biệt là OCC) vẫn còn có những quy định chưa phù hợp (hiện OCC đang bị quản lý như phế liệu, áp những quy định, thủ tục liên quan đến môi trường, phải có giấy phép…) điều này tạo thêm gánh nặng về thời gian, chi phí, giảm ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi tại các nước khác nguyên liệu giấy OCC được quản lý như nguyên liệu thứ cấp cho đầu vào sản xuất.
Quản lý phù hợp để ngành Giấy tận dụng cơ hội phát triển
Đến thời điểm hiện tại, theo Tiến sỹ Sơn, có thể xem ngành Giấy là điển hình trong vận dụng KTTH tuy nhiên để Ngành tận dụng được cơ hội tăng tốc phát triển thì Việt Nam cần nâng cao nhận thức, có ứng xử với “giấy tái chế” theo đúng cách gọi là “giấy thu hồi” như các quốc gia sản xuất giấy hàng đầu, không coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguyên liệu thứ cấp, là tài nguyên quốc gia để có các chính sách khai thác, thu gom, sử dụng phù hợp.
Việt Nam cũng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia xếp giấy thu hồi (OCC) là nguyên liệu thứ cấp coi như mặt hàng nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thông thường.
Ngoài ra, theo các chuyên gia cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế và hệ thống thu gom, thu hồi, phân loại những sản phẩm đã qua sử dụng mà có thể tái chế quay lại sản xuất nói chung trong đó có thu gom giấy (cụ thể là chính sách thuế, tín dụng, sản phẩm dán nhãn xanh, chính sách quy định bắt buộc phân loại tại nguồn…) vì hiện tỷ lệ thu gom của nước ta rất thấp chỉ đạt 40% nếu làm tốt có thể nâng lên 70%.
Nhiều nước trên thế giới tỷ lệ thu gom đã đạt trên 80% (điển hình như nước Nhật lên gần 90%). Hiện việc thu gom giấy trong nước là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có hệ thống thu gom, phân loại tại nguồn, khiến nguyên liệu này vô tình bị biến thành rác, gây thất thoát lãng phí tài nguyên.
Trước mắt, Nhà nước cần có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức chi tiết, rõ ràng, chính xác về KTTH cho doanh nghiệp và xã hội nhận thức, đồng thời nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn, định hướng, cụ thể, chi tiết, phù hợp, đặc biệt cho các lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển, kêu gọi sự chung tay chia sẻ về kinh nghiệm, tài chính của cộng đồng thế giới… để đẩy nhanh tốc độ phát triển theo hướng KTTH…
Nguồn: tapchicongthuong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn