banner_2021_1_

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của tiêu chuẩn

Ngày 03-03-2022

Để hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần thiết phải xây dựng và xác lập một hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn còn được được xem là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

bai_kinh_te_tuan_hoan_...a2.jpg

Hình 1. Mô hình cơ bản của kinh tế tuần hoàn.

Thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn được đưa ra và sử dụng chính thức từ đầu những năm 1990, dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong các mô hình sản xuất kinh doanh.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn hiện nay cũng được tiêu chuẩn hóa trong tiêu chuẩn quốc tế ISO 14009:2020 (Environmental management systems — Guidelines for incorporating material circulation in design and development là “Sự tiếp cận có hệ thống đến thiết kế các mô hình kinh doanh, cho phép quản lý bền vững các nguồn nguyên vật liệu trong sản phẩm”.

Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn hiện được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Trong quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức.

Tiêu chuẩn hóa gắn với kinh tế tuần hoàn trên thế giới

Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, cần đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ về cả chính sách lẫn yếu tố về mặt kỹ thuật, môi trường và kinh tế – xã hội. Trong đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật được xem như những công cụ hữu hiệu, đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình này.

Hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa trên thế giới đang rất chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch hành động, kêu gọi các bên liên quan tham gia công tác xây dựng tiêu chuẩn và cho rằng các tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế tuần hoàn. Đi đầu trong những hoạt động này có thể kể đến các tổ chức như: ISO, IEC, EN, DIN, BSI, ANSI…

Theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đã đưa ra 17 Mục tiêu về Phát triển Bền vững (SDGs). Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đóng góp vào ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường với các tiêu chuẩn ISO tương ứng, nhằm đạt được hiệu quả cho từng mục tiêu cụ thể. Tiêu chuẩn phổ biến và đã được biết đến nhiều nhất là bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về Quản lý môi trường do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 207 xây dựng, các tiêu chuẩn này đang được cập nhật thường xuyên và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Năm 2018, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã thành lập một Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Kinh tế tuần hoàn (ISO/TC 323, Circular Economy). Mục tiêu chung là tăng cường và tối đa hóa các hoạt động vì sự phát triển bền vững. Do đó, Ban kỹ thuật đang chú trọng vào việc xây dựng các tiêu chuẩn về yêu cầu, khuôn khổ cũng như hướng dẫn hoặc công cụ để hỗ trợ lập dự án và áp dụng Kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 323 bao gồm các thành viên tham gia từ nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, có 71 thành viên tham gia chính thức (P) và 14 thành viên là quan sát viên (O). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) là đại diện của Việt Nam tham gia làm thành viên chính thức của Ban kỹ thuật này từ năm 2020.

Với việc thành lập ban kỹ thuật ISO/TC 323, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đang xúc tiến xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Kinh tế tuần hoàn với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia. Các tiêu chuẩn về Kinh tế tuần hoàn sẽ hỗ trợ vào 16 trong số 17 Mục tiêu về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

bai_kinh_te_tuan_hoan_...a3.jpg

Hình 2. Mô hình kinh tế tuần hoàn (butterfly diagram) của Ellen MacArthur Foundation.

Việc tiêu chuẩn hóa nền Kinh tế tuần hoàn với mục tiêu cung cấp khuôn khổ quốc tế cho các bên liên quan nhằm: Tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin giữa các bên liên quan; Tạo điều kiện cho việc chia sẻ phương pháp hay nhất; Đưa ra khuôn khổ chung cho các bên liên quan để thúc đẩy dự án về Kinh tế tuần hoàn.

Những dự án xây dựng tiêu chuẩn đang được ISO/TC 323 triển khai xây dựng tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm: ISO/WD 59004, Kinh tế tuần hoàn – Khuôn khổ và nguyên tắc thực hiện; ISO/WD 59010, Kinh tế tuần hoàn – Hướng dẫn về mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị; ISO/WD 59020.2, Kinh tế tuần hoàn – Khung đo lường tính tuần hoàn; ISO/CD TR 59031, Kinh tế tuần hoàn – Cách tiếp cận dựa trên hiệu suất – Phân tích các nghiên cứu điển hình; ISO/DTR 59032.2, Kinh tế tuần hoàn – Đánh giá việc triển khai mô hình kinh doanh; ISO/AWI 59040, Kinh tế tuần hoàn – Bảng dữ liệu về tính tuần hoàn của sản phẩm.

Các tiêu chuẩn này cung cấp kiến thức chung về Kinh tế tuần hoàn, xác định các mô hình kinh doanh mới, thiết lập một khuôn khổ và công cụ mà bất kỳ tổ chức nào cũng có thể áp dụng để giúp họ tích hợp Kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động của mình một cách hiệu quả và có hệ thống.

Như vậy, có thể thấy tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đang rất nỗ lực và tham gia sâu hơn trong việc đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể nhằm thúc đẩy nền Kinh tế tuần hoàn, góp phần vì các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đã đề ra.

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của tiêu chuẩn ở Việt Nam hiện nay

Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mặc dù chưa có khung chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn, nội dung về Kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong rất nhiều chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có nêu: “Xây dựng nền kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”;

Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Luật BVMT năm 2020 quy định “Kinh tế tuần hoàn” (Điều 142) là Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam;

Để hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn cần dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận Kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực nhưng phải dựa trên các mô hình đã có như các mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) được triển khai ở nước ta thời gian qua.

Liên quan đến việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, mặc dù chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Ðiển hình trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất thép tái chế, sản xuất giấy tái chế, sản xuất đồ nhựa, ni-lông, thủy tinh tái chế…

Các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại một số địa phương hiện nay.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên có lợi cho chính các hoạt động nông nghiệp trên và cho nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí.

Trên cơ sở làm rõ khái niệm cũng như các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn, cần nghiên cứu, đề xuất các định hướng nhằm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn như các mô hình tận dụng, tái chế, thu hồi chất thải trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng kinh tế tuần hoàn… cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong lĩnh vực công thương, mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến năm 2020, gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH. Ngoài ra còn có một số mô hình cũng được Bộ Công Thương triển khai như: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng  lượng tại các cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hộ gia đình sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học…) tại chỗ quy mô công nghiệp.

Năm 2020, Việt Nam đã thành lập ban kỹ thuật TCVN/TC 323 Kinh tế tuần hoàn. Ban kỹ thuật này đang nghiên cứu xây dựng một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng một số tiêu chuẩn liên quan như: TCVN ISO 26000:2013, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội; TCVN ISO 14001:2015, Hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng; TCVN 8000:2008 (ISO 15270:2006), Chất dẻo – Hướng dẫn thu hồi và tái chế chất dẻo phế thải; TCVN 12049:2017 (ISO 13686:2013), Khí thiên nhiên – Yêu cầu chung về chất lượng; TCVN ISO 14067:2020, Khí nhà kính – Dấu vết cacbon của sản phẩm – Yêu cầu và hướng dẫn định lượng. Tuy nhiên việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia này mới chỉ xuất phát từ nhu cầu của từng lĩnh vực chứ chưa theo một định hướng, kế hoạch tổng thể nhằm phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn./.

Nguồn: Công nghiệp Giấy số 1/2022

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 165
Trong tuần: 848
Lượt truy cập: 1454393

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn