banner_2021_1_

“Ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đạt được những kết quả quan trọng”

Ngày 10-01-2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, sáng 9/1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo

Ngành Công Thương đã “vượt khó” thành công

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ rõ, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và là năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, việc làm và đời sống của các tầng lớp nhân dân. Bộ Công Thương là Bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa; nhiều loại hình giao thông, cửa khẩu tạm dừng hoạt động…

"Khó khăn của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp phải dừng sản xuất, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị phải đóng cửa. Các tuyến giao thông, cảng biển, hàng không, đường sắt tạm dừng hoạt động. Nhưng có thể khẳng định, với sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đồng thời chỉ rõ, các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt được kết quả quan trọng, một số ngành có kết quả nổi bật. Những doanh nghiệp có chu trình sản xuất khép kín và tương đối độc lập; những doanh nghiệp ở khu vực ít ảnh hưởng của dịch bệnh đã thực hiện thành công mục tiêu mà Chính phủ đưa ra. Mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất đã đạt kết quả tốt.

Đơn cử, năm 2021, ngành điện đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cung ứng điện, bảo đảm an toàn, thông suốt, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sản lượng điện tiêu thụ đạt 255,37 tỉ kWh, tăng 3,34% so với cùng kỳ.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện, nhiều công trình lớn được hoàn thành. Ngành điện đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, có 4.087 MW điện gió, góp phần từng bước chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo theo tinh thần Thủ tướng cam kết tại COP26. Không chỉ hoàn thành mục tiêu cung cấp điện mà còn dầu tư cơ sở vật chất, sẵn sàng phục vụ phục hồi kinh tế. Đi trước đón đầu để đầu tư năng lượng tai tạo mới để hạn chế ô nhiễm môi trường

Đánh giá cao ngành dầu khí khi đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch từ 1-3 tháng, Phó Thủ tướng nêu chi tiết, sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,15 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 1,69 triệu tấn, vượt kế hoạch 4,2%… Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145%…

Ngoài ra, các ngành công nghiệp khác như than khoáng sản, hóa chất, phân bón, xi măng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng… đều có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được kết quả quan trọng. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao như công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế; trong đó sản xuất máy nông nghiệp tăng 17,9%, thép cán tăng 33%, may mặc tăng 9,8%, da giày tăng 4,9% so với năm 2020.

Doanh nghiệp các ngành dầu khí, điện lực, than khoáng sản, xi măng, sắt thép… đã tận dụng ưu điểm, lợi thế khép kín của chu trình công nghệ sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, phải dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, lao động nhưng đã chủ động phục hồi sản xuất, nhất là sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Nhờ vậy, quý III/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp từ chỗ -3,5% đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong quý IV/2021, đặc biệt là tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp cho kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020 (năm 2020 tăng trưởng 3,3%)

Đối với thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 có chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ vào các tháng cuối năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Ngành Công Thương đã tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)… Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu ngày càng phong phú; chất lượng hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc...

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa có nhiều đổi mới, công tác quản lý thị trường được tăng cường. Hàng hóa sản xuất trong nước phong phú cùng với hàng hóa nhập khẩu đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.789 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.950 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2020.

“Điểm đáng ghi nhận trong bối cảnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất Chính phủ và trực tiếp triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung cầu, lưu thông, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường như: hỗ trợ giảm giá điện, kiểm soát giá cả thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại,…; triển khai các loại hình thương mại điện tử, mua hàng qua mạng, kiểm tra hàng hóa trực tuyến; thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ việc điều hành, cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị phong tỏa kiểm soát dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam” – Phó Thủ tướng ghi nhận.

Nhờ vậy, trong điều kiện giãn cách xã hội diện rộng, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả hàng hóa được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với 2020, thấp nhất trong 6 năm kể từ năm 2016.

Ngoài ra, công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều vụ việc gian lận thương mại, buôn lậu lớn đã được chủ động phát hiện, điều tra, truy tố các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Song song với đó, Bộ Công Thương đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đã hoàn thành trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng; ban hành theo thẩm quyền 25 Thông tư liên quan đến các lĩnh vực quan trọng như: điện lực, dầu khí, phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa… Qua đó, đã góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

“Những kết quả nổi bật trên trước hết là do sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.

Quyết tâm, nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự báo lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

bai_nganh_cong_thuong....ket_qua_quan_trong_a2

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương. Thứ nhất, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản…

Trong đó, ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh; dứt khoát không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công điện 1813/CĐ-TTg ngày 24/12/2021). Đặc biệt, quyết tâm đưa các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2… vào vận hành trong năm 2022 theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ. Sớm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan đánh giá sự an toàn và hiệu quả kinh tế dự án Mở rộng Thủy điện Hòa Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021)…

Ngành dầu khí quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo các nhà thầu, các doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm; tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu thu Ngân sách năm 2022 cao hơn năm 2021.

Thứ ba, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các Bộ ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số”.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các Luật, các Nghị định, Thông tư, các quy định của ngành) điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

“Với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, ngay sau Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và các góp ý của đại biểu các bộ, ngành để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch công tác trong năm mới. Đồng thời, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

bai_nganh_cong_thuong....ket_qua_quan_trong_a3

bai_nganh_cong_thuong....ket_qua_quan_trong_a4

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam cho các Thứ trưởng: Trần Quốc Khánh, Đỗ Thắng Hải, Đặng Hoàng An; Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng; nguyên Thứ trưởng Cao Quốc Hưng.

Nguồn: khcncongthuong.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 37
Trong tuần: 1404
Lượt truy cập: 1457821

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn