“Chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng các công nghệ mới kết hợp với quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tạo ra những bước phát triển đột phá” - Ông Lê Công Hoàng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) - cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Ông Lê Công Hoàng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO).
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, xin ông cho biết kế hoạch của VINAPACO về vấn đề này?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Mặc dù, VINAPACO là một trong những đơn vị được Bộ Công Thương, Chính phủ hết sức quan tâm, tuy nhiên, chúng tôi cũng đang đứng trước nhiều những thách thức, khó khăn rất lớn. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu ở tất cả các phân khúc sản phẩm, đặc biệt là ở các phân khúc giấy cao cấp chúng ta chưa sản xuất được. Bên cạnh đó, VINAPACO cũng đang trong quá trình cổ phần hóa mạnh mẽ.
Do đó, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng các công nghệ 4.0 kết hợp với quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tạo ra những bước phát triển đột phá. Đây là hướng đi tất yếu, đặc biệt, khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng.
Cụ thể, VINAPACO đã triển khai việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, theo kịp xu hướng 4.0 vào sản xuất như thế nào, thưa ông?
Nhận thức được những ưu thế của việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh, những năm qua VINAPACO đã từng bước triển khai, ứng dụng công nghệ ở nhiều hạng mục công việc. Cụ thể, Tổng công ty đã xây dựng các nghị quyết, chính sách, chương trình hành động, triển khai đồng bộ, việc ứng dụng các phần mềm quản lý, phần mềm điều khiển tự động vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng công ty đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất ở tất cả các khâu như: Trồng và quản lý cây nguyên liệu gỗ ở các công ty lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ mới vào công tác bán hàng, công tác quản lý kho và vật tư; công tác quản lý nhân sự và kế toán doanh nghiệp; thay thế và tự động hóa dần các thiết bị trên dây chuyền sản xuất bột giấy, sản xuất giấy, gia công và chế biến sản phẩm giấy.
Ngoài ra, Tổng công ty đã và đang xây dựng các chiến lược đầu tư mở rộng, đầu tư mới để phát triển toàn diện, lựa chọn những công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao, đồng nghĩa với việc tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu. Quá trình sản xuất, kinh doanh khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy.
Theo ông, nên có mặt cơ chế, chính sách gì để giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ 4.0 vào doanh nghiệp?
Đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp trong tương lai. Chúng tôi mong muốn, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ có những chính sách cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, mong muốn các bộ, ban, ngành sẽ quan tâm hơn nữa tới ngành công nghiệp giấy Việt Nam nói chung và VINAPACO nói riêng trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo Cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc quản lý cũng như phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn