banner_2021_1_

Ngành giấy và “nỗi oan Thị Kính”

Ngày 22-08-2022

Đang có xu hướng xuất khẩu mạnh và bước vào giai đoạn mở rộng quy mô, nhưng đại diện ngành sản xuất giấy cho rằng vẫn có quan niệm đây là ngành gây ô nhiễm môi trường, là “nỗi oan Thị Kính” bao lâu nay...

7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy đạt 1,134 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy trong tháng 7/2022 đạt 173,633 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước đó; cộng dồn 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,134 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

                                         Tăng trưởng mạnh tại top 5 thị trường lớn

Top 5 thị trường xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy trong 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam (gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan và Indonesia) đều tăng trưởng rất tốt, trên 30%. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất đạt 31,18%.

Trong tháng 7/2022, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường số 1 Hoa Kỳ đạt 55,80 triệu USD, so với tháng 7/2021 tăng 34,68%; cộng dồn 7 tháng được 297,427 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 31,18%.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy trong tháng 7/2022, đạt 21,516 triệu USD, so với tháng 7/2021 tăng 20,16%; cộng dồn 7 tháng đạt 145,149 triệu USD tăng 16,29% so với cùng kỳ năm 2021.

Thứ ba là thị trường Campuchia với giá trị xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy trong tháng 7/2022 đạt 16,194 triệu USD, so với tháng 7/2021 tăng 27,91%; cộng dồn 7 tháng đạt 113,934 triệu USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ tư là thị trường Đài Loan, trong tháng 7 xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 11,523 triệu USD, tăng 51,81% so với tháng 7/2021; cộng dồn 7 tháng đạt 83,533 triệu USD, tăng 47,34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Và thứ năm là thị trường Indonesia giá trị xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy trong tháng 7 đạt 9,409 triệu USD, tăng 50,88% so với tháng 7/2021; cộng dồn 7 tháng đạt 73,064 triệu USD, tăng 34,92% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hoàng Trung Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết, Việt Nam từ nước nhập khẩu giấy để tiêu dùng đã chuyển sang nước xuất khẩu được các loại giấy, đặc biệt là bao bì. Giai đoạn 5 năm từ 2015 - 2020, xuất khẩu của ngành giấy tăng trung bình trên 65%/ năm.

Riêng năm 2021, sản lượng trung bình của ngành giấy đạt trên 25%/năm, nhu cầu giấy tiêu dùng tăng trên 12%/năm và nhập khẩu cũng tăng trung bình từ 3%/ năm.

                                                   Chuyển sang giai đoạn mới

Theo dự báo của Hiệp hội, giai đoạn 2021-2025, ngành giấy Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và bứt phá vượt bậc với các sản phẩm chính là giấy bao bì và giấy tiêu dùng (tissue).

“Mặc dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong vòng hơn 10 năm qua, và những biến động về địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới sẽ đi vào giai đoạn suy thoái nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có xu hướng phát triển tốt trong đó có ngành giấy”, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy nói.

Cụ thể, giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của ngành là vào năm 2020, sang năm 2021 có nhiều nhà máy giấy sản xuất công suất lớn từ 100.000 tấn đến 150.000 tấn/năm, đã triển khai lắp đặt và nâng tổng số công suất mới lên tới 2 triệu tấn/năm.

Theo dự kiến của Hiệp hội, đến cuối năm 2023 sẽ có thêm nhà máy sản xuất giấy với hơn 1 triệu tấn công suất mới đi vào vận hành, với các máy Cell có công suất lên tới 300.000 tấn đến 450.000 tấn/năm/một dây chuyền. Qua đó cho thấy ngành giấy Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển rất lớn về quy mô.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà ngành giấy đang đối mặt là quan niệm giấy là ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường lớn mà người trong cuộc cho rằng đấy là “hàm oan” bấy lâu ngành phải gánh chịu.

“Đối với vấn đề ô nhiễm của ngành giấy chúng tôi xin chia sẻ, nguyên liệu của ngành giấy đúng là các chất hữu cơ, và những sơ sợi cenluloze sử dụng trong ngành giấy cũng là dạng hóa chất cơ bản, không có yếu tố kim loại nặng hoặc chất có nguy cơ gây ra ô nhiễm lớn cho môi trường.

Rõ ràng, đối với lịch sử phát triển ngành giấy trên thế giới chúng ta chưa bao giờ thấy có một scandal lớn nào về vấn đề môi trường đối với ngành, và do chính ngành giấy gây ra. Đó là lý do thế giới khuyến nghị mọi người chuyển sang sử dụng giấy nhiều hơn, đặc biệt là đối với các loại bao bì giấy.

bai_nganh_giay_va_noi_oan...a2.jpg

Giấy thu gom tái chế

Còn tại Việt Nam, giấy là một ngành phù hợp rất tự nhiên với nền kinh tế tuần hoàn, bởi vì nguyên liệu chính của ngành là nguồn nguyên liệu tái tạo từ các rừng trồng.

Thứ hai là với các phẩm từ giấy được thu gom và tái tạo lại rất nhiều, đối với các nước phát triển tỷ lệ thu gom thông thường đạt trên 70%, và một số ít nước như Nhật Bản tỷ lệ tái chế lên đến 82% - 83%.

Chính vì vậy, với suy nghĩ giấy là ngành gây nhiễm môi trường là “nỗi oan Thị Kính” mà lâu ngành giấy chúng tôi phải gánh chịu”, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ.

Nguồn: nhipsongkinhdoanh.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 58
Trong ngày: 465
Trong tuần: 1217
Lượt truy cập: 1455707

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn