banner_2021_1_

Ngành giấy Việt Nam 7 tháng đầu năm và triển vọng những tháng cuối năm

Ngày 31-08-2020


Bối cảnh thế giới và khu vực

Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm và lan ra toàn thế giới. Trong gần 8 tháng qua, số ca mắc bệnh đã hơn 23 triệu người và hơn 809.000 người chết. Tâm dịch chính lại nằm ở các quốc gia và khu vực là trọng tâm của nền kinh tế thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Đức, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc…, đến nay dấu hiệu phục hồi vẫn rất khó khăn và không rõ nét… Chưa dừng lại ở đó, thời điểm từ cuối tháng 6 làn sóng tâm dịch COVID-19 lại chuyển sang bùng phát mạnh ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexi-co, Indonesia, Nam Phi và một số quốc gia ở Trung Đông, Mỹ Latinh.

Theo số liệu thống kê, trước ngày 03/6/2020 số lượng ca mắc mới chưa bao giờ vượt 134.000 người/ngày, tuy nhiên từ ngày 13/7/2020 số ca mới đã tăng kỷ lục với hơn 250.000 người nhiễm trong 24 giờ. Như vậy, diễn biến dịch vẫn rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động rất lớn đến các hoạt động: giáo dục, sản xuất, thương mại, lao động thất nghiệp, thu nhập giảm… Trong bối cảnh chung như vậy, nhu cầu về giấy văn phòng, giấy viết, giấy in, kể cả giấy bao bì đã và sẽ sụt giảm nghiêm trọng…       

Bối cảnh kinh tế Việt nam

Dịch Covid-19 lan nhanh trên thế giới tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đều sụt giảm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%; EU đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%; ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%; Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%; Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%. Việc các đơn hàng xuất khẩu giảm và tiêu dùng nội địa yếu kéo theo nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì, giấy in và viết giảm theo.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục có mức tăng trưởng dương, đạt 1,8% - mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua. Nhìn cụ thể vào từng ngành, có thể thấy ngành nông - lâm - ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng 1,2%, đóng góp được 11,9% cho tăng trưởng kinh tế tổng thể; ngành công nghiệp tăng trưởng 3,0% (tương đương với mức đóng góp 73,1%); ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 0,6% (tương đương với mức đóng góp 15,0%, giảm 6,3% so với năm trước).

Theo dự báo, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi, dịch bệnh từng bước được cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn,  nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

ngnh_giy_vit_nam

Triển vọng kinh tế và ngành giấy Việt Nam trong thời gian tới

Hiệp định EVFTA được chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, ngay lập tức 71% hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế ưu đãi 0%. Nhiều chuyên gia nhận định, nhờ EVFTA kinh tế và giá trị xuất khẩu hàng hoá sẽ tăng thêm lần lượt 2,4% và 12%, đặc biệt là sự tăng trưởng của các nhóm hàng có thế mạnh như may mặc, giày da, thuỷ sản, nông sản, đồ gỗ, điện thoại…

Ngoài ra, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang diễn ra do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là sự ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác sang. Việc phát triển mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất hàng hóa tại Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng về tiêu dùng cho ngành giấy, đặc biệt là giấy bao bì làm hòm hộp cho hàng hoá xuất khẩu trong 05 tháng cuối năm 2020.

Việc thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng lợi ích sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn trong năm 2021-2022, trong 04 lĩnh vực (i) công nghệ thông tin, công nghệ cao; (ii) thiết bị điện tử và phụ kiện; (iii) logistics, thương mại điện tử…; (iv) hàng tiêu dùng, bán lẻ. Đây đều là những mặt hàng có nhu cầu sử dụng giấy bao bì cao và tăng nhu cầu giấy copy…

Ngoài ra, việc thúc đẩy đầu tư công và giải ngân vốn cũng như các chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Chính phủ sẽ kéo theo tăng trưởng tiêu dùng giấy bao bì, giấy in, viết và giấy tissue.

Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung trong đầu tháng 8/2020, và có thể lan rộng ra nhiều tỉnh, điều này có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế trong 05 tháng cuối năm và kéo theo đó là sự sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ các loại giấy.

Ngành giấy Việt Nam

Trong bối cảnh ngành giấy thế giới sụt giảm mạnh, tại Bắc Mỹ, Tây Âu top 100 doanh nghiệp hàng đầu về giấy in, viết và giấy bao bì đều có kết quả bán hàng trong 06 tháng năm 2020 giảm 12,3 - 19% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, ngành giấy Việt Nam trong 07 tháng năm 2020 vẫn có điểm sáng tích cực như sản xuất tăng trưởng 12,1%, xuất khẩu tăng trưởng 101% chủ yếu là giấy bao  bì, trong khi đó nhập khẩu giảm 1,5%, riêng về tiêu dùng giấy tissue tăng trưởng đến 44,9%, giấy bao bì loại không tráng tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, việc học sinh nghỉ học dài ngày, hội họp và học online tăng, thương mại điện tử tăng, doanh nghiệp tiết giảm chi phí… đã tác động giảm mạnh trên cả 3 yếu tố đối với giấy in, viết không tráng, sản xuất giảm 11,4%, tiêu dùng giảm 4,3%.

Về sản xuất

Tổng sản lượng giấy trong 07 tháng năm 2020 ước tính đạt hơn 2,79 triệu tấn, tăng 12,2%, tương ứng với lượng tăng 304 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là giấy bao bì và giấy tissue.

Giấy bao bì, sản lượng đạt 2,73 triệu tấn, tăng 13,5%, tương ứng với lượng tăng hơn 281 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Sản xuất giấy bao bì tăng chủ yếu đến từ các công ty có đầu tư mới như Công ty Thuận An, Đông Hải- Bến Tre, Cheng Loong… và  một số cơ sở nhỏ mới khác bù đắp cho việc giảm sản lượng của các công ty khó khăn về nguyên liệu, vật tư, hoá chất trong thời điểm tháng ba và tháng tư.

Giấy tissue, sản lượng đạt 165 nghìn tấn, tăng trưởng 33,3%, tương ứng với lượng tăng 40 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng tăng là do việc huy động tối đa công suất giấy tissue của các công ty Việt Nam cũng như một số công ty đầu tư mới như Công ty TNHH NTPM, Công ty Trường Xuân, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng mạnh trong thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài ra còn phục vụ xuất khẩu ở dạng cuộn lớn và thành phẩm khi nhu cầu toàn cầu lên cao.

Giấy in - viết, sản lượng đạt 169 nghìn tấn, giảm 11,4%, tương ứng với lượng giảm hơn 21 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Việc giảm sản xuất do nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, đẩy tồn kho lên cao, thanh khoản của các nhà sản xuất và thương mại rất thấp, trong khi đó phải cạnh tranh khốc liệt với giấy ngoại nhập khẩu có giá bán và chính sách khác, ngoài ra nhiều đơn vị dừng máy bảo dưỡng trong thời điểm tháng ba và tháng tư.

Về tiêu dùng

Tổng khối lượng tiêu dùng trong 07 tháng năm 2020 đạt hơn 2,99 triệu tấn và giảm 2,45%, tương ứng với lượng giảm 72,2 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu dùng các loại giấy so với cùng kỳ như sau:

Giấy bao bì, tiêu dùng đạt 2,34 triệu tấn, giảm 2,1%, tương ứng với lượng giảm 49 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giấy bao bì có tráng đạt 413,5 nghìn tấn, giấy bao bì không tráng đạt 1,92 triệu tấn và tăng 0,5%.

Giấy tissue, tiêu dùng đạt hơn 152 nghìn tấn và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tăng tiêu thụ giấy tissue là do: Một là, nhu cầu tiêu dùng từ hộ gia đình, do tâm lý tích trữ và cách ly xã hội đã tạo nên thói quen sử dụng khăn giấy để vệ sinh; Hai là, nhu cầu sử dụng giấy tissue để sản xuất gia công thành phẩm xuất khẩu vào thị trường Đông Nam Á và Tây Âu, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Giấy in báo, tiêu dùng đạt 21,24 nghìn tấn, giảm 26,7%, tương ứng với lượng giảm 7,75 nghìn tấn. Việc giấy in báo giảm chủ yếu do sách giao khoa năm nay chuyển đổi sang giấy chất lượng cao hơn và nhu cầu đối với báo in là rất thấp.

Giấy in, viết, tiêu dùng đạt 368,4 nghìn tấn, giảm 8,5%, tương ứng với lượng giảm 34,2 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giấy in, viết không tráng đạt 289,3 nghìn tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ, mức giảm chủ yếu đến từ giấy copy dành cho văn phòng và giấy in sách và truyện, trong khi đó giấy viết vẫn tăng; đối với giấy in có tráng đạt 79,05 nghìn tấn, giảm 21,2%.

Về xuất khẩu

Tổng khối lượng giấy xuất khẩu trong 07 tháng năm 2020 đạt 933,2 nghìn tấn, tăng 100,6%, tương ứng với lượng tăng 468 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Giấy bao bì, giấy tissue xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi đó giấy in, viết, giấy vàng mã giảm.

Giấy bao bì, xuất khẩu đạt 859 nghìn tấn, tăng 46,5%, tương ứng với lượng tăng 510,5 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu giấy bao bì của Việt Nam đến 33 quốc gia và năm châu lục, trong đó châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất 98,9%, kế đến là châu Phi 0,5%, châu Úc là 0,4%, châu Mỹ và châu Âu chiếm tỷ lệ 0,2%.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số một của giấy bao bì Việt Nam, đạt 622,7 nghìn tấn và chiếm tỷ lệ đến 72,8%, tăng 203% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng lượng tăng 417 nghìn tấn; kế đến là thị trường Campuchia đạt lượng 87,6 nghìn tấn và chiếm tỷ lệ 10,2%, tăng 171,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng lượng tăng 55,3 nghìn tấn, tiếp theo là thị trường Ma- laysia đạt lượng 45,9 nghìn tấn, chiếm tỷ lệ 5,4%, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm 2019 và tương ứng lượng tăng 14,5 nghìn tấn.

Đối với thị trường ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ tổng lượng xuất khẩu đạt 9,06 nghìn tấn, giảm 57% và tương ứng với lượng giảm 21 nghìn tấn; thị trường các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia giảm còn lại đều tăng trưởng mạnh, các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không có biến động nhiều so với cùng kỳ 2019

Giấy tissue, xuất khẩu đạt lượng 43,74 nghìn tấn, tăng 23,8% và tương ứng với lượng 8,4 nghìn tấn so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu giấy tissue tăng mạnh là do: Một là, nhu cầu tiêu dùng giấy tissue của thế giới lên cao do tác động của dịch COVID-19; Hai là, sự gia tăng xuất khẩu của các Công ty TNHH NTPM, Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang và Công ty Corelex.

Việt Nam xuất khẩu giấy tissue đến 26 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó châu Á đạt 30,7 nghìn tấn chiếm tỷ trọng 70%. Thị trường số một là Malaysia đạt lượng 8,4 nghìn tấn, chiếm 19,3%; kế đến là Thái Lan đạt 5,7 nghìn tấn, chiếm 13,1%, tiếp theo là thị trường Australia và Mỹ lần lượt là 8,8% và 6,9%; hai thị trường Australia và Mỹ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ 2019.

Giấy in - viết, xuất khẩu đạt 2,35  nghìn tấn, giảm 50,4% và tương ứng với lượng giảm 2,4 nghìn tấn so với cùng kỳ 2019. Giấy in, viết xuất khẩu giảm là do nhu cầu tiêu dùng trong khu vực rất thấp, trong khi đó hàng giấy in, viết Việt Nam phải chịu sự cạnh trạnh về giá bán, chính sách, chất lượng với các đơn vị từ Trung Quốc, Indonesia.

Giấy vàng mã, xuất khẩu đạt 72,4 nghìn tấn, giảm 5,0% so với cùng kỳ 2019. Việc xuất khẩu giấy vàng mà giảm, thị trường trọng yếu Đài Loan thắt chặt chi tiêu.

Về nhập khẩu

Tổng khối lượng giấy nhập khẩu trong 07 tháng năm 2020 đạt hơn 1,11 triệu tấn, giảm 1,5% và tương ứng với lượng giảm 17,3 nghìn tấn so với cùng kỳ 2019. Giấy tissue, giấy khác (đặc biệt) và giấy in, viết tăng, trong khi đó giấy in báo, giấy bao bì giảm và giấy in tráng phủ giảm so với cùng kỳ.

Giấy bao bì, nhập khẩu đạt lượng 729 nghìn tấn, giảm 0,7% và tương ứng với lượng giảm 5,5 nghìn tấn. Trong đó nhập khẩu giấy bao bì không tráng đạt 332 nghìn tấn, tăng 14,8%, chủ yếu là tăng chủng loại sack-kraft, kraft paper, còn đối với giấy lớp mặt và lớp sóng duy trì so với cùng kỳ 2019; giấy bao bì tráng phủ đạt 397,5 nghìn tấn, giảm 11% và tương ứng với lượng giảm 49 nghìn tấn.

Giấy tissue, nhập khẩu đạt 26,3 nghìn tấn, tăng 50,2% và tương ứng với lượng tăng 8,79 nghìn tấn so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân tăng nhập khẩu là do: Một là, nhu cầu sử dụng để gia công giấy tissue thành phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hồng Kông tăng cao; Hai là, nhiều đơn vị thương mại do  tâm lý sợ thiếu nguồn cung trong nước nên nhập nhiều hơn thường kỳ.

Việt Nam nhập khẩu giấy tissue chủ yếu từ các thị trường như: Indonesia với lượng 15,79 nghìn tấn và chiếm tỷ trọng đến 60%, Trung Quốc với lượng 5,47 nghìn tấn và chiếm tỷ trọng 20%, đây cũng chính là hai nguồn cung có tốc độ tăng trưởng mạnh. Ngoài ra còn một số thị trường cung nổi bật khác như Malaysia 6,2%, Italy 5,5%.

Giấy in, viết, nhập khẩu đạt 195,2 nghìn tấn, giảm 11%, tương ứng với lượng giảm 24 nghìn tấn. Diễn biến tăng, giảm nhập khẩu của giấy in, viết không tráng và có tráng so với cùng kỳ như sau:

Giấy in, viết không tráng đạt 121,2 nghìn tấn, tăng 1,6%. Trong đó, giấy copy văn phòng giảm 47%, ngược lại giấy in, viết dạng cuộn lại tăng 39% so với cùng kỳ 2019. Giấy in, viết dạng cuộn tăng nhập khẩu là do: Một là, các doanh nghiệp FDI gia công vở, sổ xuất khẩu tại Việt Nam, hầu như chỉ sử dụng giấy nhập mà không mua giấy nội địa như những năm trước; Hai là, giá giấy nhập trong khu vực biến động giảm liên tục và giảm mạnh.

Giấy in có tráng, lượng nhập đạt 73,96 nghìn tấn, giảm 26,3% và tương ứng với lượng giảm 26,3 nghìn tấn.

Giấy khác, chủ yếu là giấy đặc biệt lượng nhập đạt 114 nghìn tấn, tăng 8,7% và tương ứng với lượng tăng 11,5 nghìn tấn.

Triển vọng trong những tháng cuối năm 2020

Về tiêu dùng

Giấy in, viết, nhu cầu tiêu dùng đối với giấy viết ổn định trong quý III và sẽ giảm mạnh trong quý IV/2020, giấy copy sẽ tăng trưởng mạnh so với các quý trước đó nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ: (i) sản xuất gia công vở, sổ kéo dài hơn 01 tháng so với các năm trước và thời vụ kết thúc vào đầu quý IV/2020, (ii) đại hội Đảng bộ các cấp và công tác chuẩn bị đại hội Đảng lần thứ 13, (iii) khối giáo dục bắt đầu trở lại trường vào tháng đầu tháng chín, (iii) hoạt động thương mại dự kiến tăng trưởng tốt trở lại bởi hiệp định EVFTA, vốn FDI, đầu tư công.

Giấy bao bì, tiêu dùng tăng trưởng hơn quý trước và cùng kỳ nhưng mức tăng hạn chế: (i) cuối năm Việt Nam có nhiều ngày lễ lớn, (ii) ngành hàng nông sản và thuỷ sản, điện tử, dược phẩm, vật tư y tế sử dụng nhiều giấy bao bì được dự báo xuất khẩu tăng, (iii) chính sách kích thích tiêu dùng, giải ngân và tăng đầu tư công của chính phủ.

Giấy tissue, Tiêu dùng không còn tăng trưởng nóng như quý II/2020, nhưng vẫn tăng trưởng ở mức ổn định: (i) nhu cầu ở phân khúc hộ gia đình, bệnh viện tăng trưởng mạnh bù đắp cho phân khúc nhà hàng và khách sạn, (ii) nhu cầu tiêu dùng cuối năm là lớn nhất trong năm do có nhiều ngày lễ lớn và mùa đông, (iii) nhu cầu sử dụng giấy tissue gia công thành phẩm xuất khẩu đang tăng cao, đặc biệt là xuất vào thị trường Mỹ, Úc, New Zealand, Hồng Kông, các quốc gia Đông Nam Á.

Về sản xuất

Giấy in, viết thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn bột giấy nhập khẩu, nhưng bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất bột giấy và tích hợp sản xuất giấy: Nguyên do là giá bột giấy đã giảm ở mức tiệm cận giá thành và sẽ duy trì hết quý III/2020, có thể tăng trở lại ở mức hạn chế vào quý IV/2020.

Giấy tissue, sản xuất vẫn tăng trưởng ổn định so với quý trước và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ: (i) giá bột giấy nhập khẩu ở mức thấp nên thanh khoản của doanh nghiệp tốt, (ii) sản xuất tăng bởi một số các công suất mới đầu tư như Công ty TNHH NTPM, Công ty Trường Xuân…(iii) nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn ở trạng thái tốt.

Giấy bao bì, sản xuất tăng trưởng  hơn quý trước và tăng mạnh so với cùng kỳ: (i) do nguyên liệu thu gom trong nước đã ổn định, (ii) giá nguyên liệu OCC đã giảm mạnh so với quý trước và dự kiến sẽ đi ngang đến hết năm, (iii) nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn duy trì ổn định, (iii) sản xuất gia tăng bởi nguồn cung mới có sự tham gia của các công suất lớn mới đầu tư của các Công ty Cheng Loong, Công ty Giấy Thuận An, Công ty Đông Hải - Bến Tre…

Về xuất khẩu

Giấy bao bì, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có nhiều triển vọng: (i) nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc khi chỉ số mua hàng PMI, trị giá xuất khẩu, GDP tăng trưởng mạnh trong tháng 7/2020 và dự báo GDP cả năm tăng 2,3 - 3%, (ii) nguyên liệu OCC thu gom trong nước vẫn đang thiếu hụt và giá đang có dấu hiệu gia tăng.           

Giấy tissue, xuất khẩu giấy tissue triển vọng vẫn rất tốt khi nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Giấy in, viết, triển vọng xuất khấu vẫn rất xấu khi nhu cầu trong khu vực rất yếu và tồn kho vẫn đang cao, cạnh tranh giá bán khốc liệt.

Thách thức trong những tháng cuối năm 2020

Giấy tissue, chịu sự cạnh tranh về giá bán với giấy nhập khẩu từ Indonesia, Trung Quốc.

Giấy in, viết, cạnh tranh rất khốc liệt với giấy nhập khẩu từ Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan về giá bán, chính sách bán hàng như thời hạn LC hay hình thức tín chấp (DP).

Đối với giấy in, viết, đặc biệt là giấy copy tốc độ tăng trưởng giảm rõ rệt: do lao động mất việc làm, giảm thu nhập, doanh nghiệp đóng cửa nhiều dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra mô hình học và làm việc, hội họp online, thương mại điện tử tăng nhanh và mạnh kết hợp với đó là việc khu vực hành chính đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử dẫn đến làm giảm nhu cầu.

Giấy bao bì, việc ngành may mặc, giày da, đồ gỗ đã giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu trong quý III/2020, đặc biệt là đơn hàng cho quý IV vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc nên đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng. Xuất khẩu giấy bao bì vào các thị trường Indonesia, Philippin, Ấn Độ, khu vực châu Phi, Nhật Bản, Tây Âu sẽ bị thu hẹp lại.

Theo tổng cục thống kê, trong 07 tháng đã có hơn 63 nghìn doanh nghiệp đóng cửa và dự kiến vẫn tăng trong những tháng cuối năm 2020. Đa số các doanh nghiệp tạm đóng cửa và giải thể là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống, đây là lĩnh vực ảnh hưởng mạnh đến sự sụt giảm tiêu dùng giấy bao bì, giấy in, giấy copy và giấy tissue trong nước.

Việc dịch COVID-19 bùng phát lần 2 tại Việt Nam đã lan rộng ra nhiều tỉnh, nếu tình hình xấu hơn không thể khống chế được dịch trong tháng 8/2020 thì các yếu tố về sản xuất tiêu dùng ngành giấy trở nên rất xấu và khó đoán định.

Dấu hiệu về chỉ số quản trị mua hàng PMI, GDP của Trung Quốc tiến triển tốt, tuy nhiên diễn biến kinh tế toàn cầu vẫn đang ở tình trạng xấu, nhiều nền kinh tế lớn và mới nổi ở trạng thái suy thoái. Trong khi đó việc ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và kết hợp với đó là lũ lụt ảnh hưởng đến gần 37 tỉnh thành, hơn 330 triệu lao động bị ảnh hưởng mất việc và giảm thu nhập vẫn là dấu hỏi lớn  cho nền kinh tế của Trung Quốc cho những tháng cuối năm.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh nhiều nơi trên thế giới, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và đời sống con người, dẫn đến những tác động khó suy đoán về thị trường cung cầu nguyên liệu sản xuất giấy và cung cầu giấy trên toàn thế giới cũng như tại Việt nam./.

Nguồn: Công nghiệp Giấy số 4/2020

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 44
Trong ngày: 216
Trong tuần: 1308
Lượt truy cập: 1296513

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn