Đến thời điểm này, Nhà máy Bột giấy VNT19 đã xây dựng đạt khoảng 65% khối lượng, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong quý IV/2023. Nhà máy cam kết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó lắp đặt hệ thống xử lý nước thải công nghệ tiên tiến.
Dự án xây dựng Nhà máy Bột giấy VNT19 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 do Công ty CP Bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư (được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011) chính thức khởi công xây dựng năm 2015. Đây là nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam, với quy mô 350 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng. Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 (BQLDA) Nguyễn Đức Hữu cho biết, cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy, chủ đầu tư đã tính toán chuẩn bị nguyên liệu đầu vào, dự kiến số lượng khoảng 550 nghìn tấn dăm gỗ khô/năm, tương đương 1,1 triệu tấn gỗ keo tươi/năm, ước bằng 45% tổng lượng dăm gỗ xuất qua cảng biển KKT Dung Quất.
Trong 11 năm qua, Dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 được điều chỉnh 3 lần, thay đổi về quy mô và vị trí, cụ thể: Diện tích chiếm đất từ 69ha lên 117 ha; vị trí từ thôn Giao Thủy, xã Bình Thới sang thôn Phú Long, xã Bình Phước; công suất từ 250 nghìn lên 350 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm; tiến độ hoàn thành từ quý IV/2019 chuyển sang quý IV/2023.
Hiện tại, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị phục vụ việc vận hành nhà máy đã nhập về Việt Nam. Theo BQLDA, dây chuyền sản xuất của nhà máy hiện đại, chủ yếu được nhập về từ Châu Âu. Nhà máy sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt với công nghệ nấu sunphat. Ông Nguyễn Đức Hữu khẳng định, thiết bị hệ thống xử lý nước thải của dự án nhập mới 100%, do nhà thầu AQUAFLOW Phần Lan thiết kế, cung cấp, giám sát lắp đặt và thực hiện chạy thử. Đây là công nghệ tiên tiến, được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, với quy trình xử lý khép kín từ đầu vào đến đầu ra.
Quá trình triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án, chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động một số chỉ tiêu đặc trưng như lưu lượng, nhiệt độ, độ màu... nhằm kiểm soát, giám sát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Hoạt động giám sát được thông qua việc lấy mẫu nước thải hằng ngày, tại phòng thí nghiệm của nhà máy và chương trình giám sát định kỳ theo đúng quy định của pháp luật, với tần suất 3 tháng/lần. Tổng giá trị thiết bị liên quan đến hệ thống xử lý nước thải khoảng 7,5 triệu Euro.
Mới đây, một số tổ chức chuyên ngành và các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường đã tổ chức phản biện đối với đầu vào của hệ thống xử lý nước thải Nhà máy Bột giấy VNT19. Qua đó, kiến nghị bổ sung một số yêu cầu để làm cho hệ thống xử lý nước thải tăng độ an toàn, tránh xảy ra sự cố môi trường khi đi vào vận hành, nhất là việc đảm bảo khoảng cách an toàn từ nhà máy đến hộ dân gần khu vực bể xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước thải đạt mức an toàn như một số nhà máy trong khu vực KKT Dung Quất. Ban lãnh đạo Nhà máy Bột giấy VNT19 cho rằng, đây là góp ý đúng đắn và sẽ xem xét tổ chức thực hiện đầy đủ trước khi nhà máy đi vào vận hành.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy gồm bể xử lý nước thải với công suất 50 nghìn m3/ngày, đêm. Để hạn chế tối đa những tác động đến môi trường khi đi vào vận hành, hiện nay, chủ đầu tư dự án đang tập trung đánh giá lại toàn bộ những nguy cơ và xây dựng kịch bản xử lý, khắc phục.
Nguồn: baoquangngai.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn