Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt (Isothermal cooking-ITC) và hệ thống thu hồi hóa chất khép kín. Nhà máy Bột - Giấy VNT19 sử dụng hệ thống tẩy trắng bột giấy với công nghệ tẩy tiên tiến và phổ biến nhất hiện nay, đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường biển.
Dự án Bột-Giấy VNT 19 được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá phương án xả thải khả thi, đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 diễn ra tại Hội trường UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức.
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao việc Nhà máy Bột – Giấy VNT19 sử dụng dây chuyền công nghệ phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao.
Cụ thể, nhà máy Bột - Giấy VNT19 sử dụng công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt (Isothermal cooking-ITC) và hệ thống thu hồi hóa chất khép kín. Nhà máy Bột - Giấy VNT19 sử dụng hệ thống tẩy trắng bột giấy với công nghệ tẩy tiên tiến và phổ biến nhất hiện nay là Công nghệ tẩy ECF.
Quy trình này không sử dụng nguyên tố Clo để tẩy trắng, có chi phí vận hành thấp, bột có chất lượng cao hơn trong khi mức độ ô nhiễm môi trường thấp hơn hoặc tương đương với quy trình sử dụng Clo TCF. So sánh với Nhà máy Giấy Bãi Bằng thì Nhà Máy Bột - Giấy VNT19 sử dụng thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến hơn.
Với giải pháp kỹ thuật này đã hạn chế nguồn phát nước thải; Dịch rửa giai đoạn sau được làm nước rửa cho giai đoạn trước, trong một vòng tuần hoàn khép kín; toàn bộ dịch đen loãng được thu hồi và cô đặc để làm nhiên liệu cho lò hơi thu hồi sinh hơi nước để phát điện cho Nhà máy phát điện công suất 54 MW và sử dụng hơi cho sản xuất nhà máy, đồng thời tiết giảm nguồn phát thải cho Nhà máy, hạn chế tác động đến môi trường.
Nhà máy Bột-Giấy VNT19 sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Hữu - Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19 cho biết: “Về hệ thống xử lý nước thải, Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới 100% do AQUAFLOW (AQF) Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định”.
Công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn là công nghệ sinh học kết hợp cơ học và hóa lý bao gồm sử dụng công nghệ lắng trọng lực để tách loại các chất rắn lơ lửng TSS, vi sinh hiếu khí để xử lý BOD, COD, hóa lý xử lý độ màu kết hợp tuyển nổi xử lý chất rắn lơ lửng còn lại trong nước thải.
Các nguồn nước thải của Nhà máy được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 50.000 m3/ngày đêm, nước thải nhà máy được xử lý bằng công nghệ xử lý tốt nhất với các giai đoạn: sơ cấp, sinh học và nâng cao. Các thông số nước thải sau xử lý tốt hơn nhiều so với tiêu chuẩn thải cho phép của QCVN 12-MT:2015/BTNMT.
Dự án thực hiện thiết kế xây dựng tuyến ống thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt đường ống đảm bảo yêu cầu về độ nghiêng và chịu lực; thiết kế các van sự cố trên tuyến ống để dễ dàng đóng, ngắt kịp thời; lập hành lang an toàn cho tuyến ống thoát nước thải (có hàng rào bảo vệ công trình); đảm bảo khắc phục sự cố trong mọi trường hợp để tránh gây ảnh hưởng đến người dân, hướng tuyến đường ống xả thải thực hiện đúng tinh thần điểm 1 Công văn số 752/UBND-CNXD ngày 19/2/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà máy Bột-Giấy VNT19 đang được triển khai xây dựng và vận hành đúng theo phê duyệt.
Việc lựa chọn phương án vị trí xả thải cách bờ 1000m tại vịnh Việt Thanh với công nghệ xả thải phân tán là phù hợp nhất cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19, cũng phù hợp Quyết định phê duyệt ĐTM 2270/QĐ-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (vị trí cách bờ biển từ 500 – 1.500m).
Theo đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia, Dự án đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hạng mục đánh giá tác động môi trường; tiếp thu và thực hiện theo các yêu cầu của các cơ quan chức năng về bổ sung phương pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố đảm bảo an toàn cho môi trường khi nhà máy vận hành.
Với kỹ thuật, công nghệ được sử dụng và theo cam kết của chủ đầu tư, cùng với sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như người dân, thì phương án xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh là khả thi.
Theo Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19, dự án xây dựng Nhà máy Bột-Giấy VNT19 được triển khai trên diện tích 117ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với quy mô công suất 350.000 tấn/năm.
Dự án được chia làm nhiều hạng mục. Trong đó, mục tiêu của dự án là sản xuất bột giấy tẩy trắng cao cấp cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; tạo công ăn việc làm, phát triển dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động; giảm nhập siêu của quốc gia, đóng góp thuế cho ngân sách địa phương, góp phần hiện đại hóa, nâng sức cạnh tranh ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy...
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng. Theo dự kiến nhà máy sẽ vận hành vào cuối năm 2023.
Nguồn: thanhnienviet.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn