Sau khi bị siết chặt nguồn phế liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN) trong nước đẩy mạnh sản xuất, tái chế ngay từ nguồn nguyên liệu trong nước…
Quy định nhập khẩu phế liệu được siết ngay từ đầu vào tại hải quan
Sân chơi chỉ dành cho những “ông lớn”
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Vương, Giám đốc công ty Tuấn Tài (Bắc Ninh) chuyên nhập khẩu phế liệu giấy từ Mỹ, Nhật về tái chế chia sẻ: Với quy định mới kiểm soát phế liệu, DN phải mất thêm nhiều công đoạn xác minh từ cơ sở sản xuất tới tiềm năng hạn ngạch khi nhập khẩu… xóa bỏ thực trạng nhập khẩu ồ ạt phế liệu trước đây.
Tuy nhiên, ông Vương cũng cho rằng, cần “nới” quy định cho một số mặt hàng, trong đó có giấy phế liệu (phần lớn là thùng carton đựng hàng ở siêu thị hoặc giấy loại ở các công ty), hầu như không gây ảnh hưởng gì về môi trường khi tái chế.
Theo ông Vương, chỉ trong năm qua, rất nhiều quy định mới như: Không được nhập khẩu phế liệu qua các cửa khẩu đường bộ và cửa khẩu đường sắt; đơn vị nhập khẩu phải lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu (cơ sở sản xuất)…
“Điều này cũng có nghĩa những DN nhỏ sẽ khó tham gia vào quy trình nhập khẩu do “ngại khó”, mà phần lớn là những DN sản xuất có quy mô, có tiềm lực tài chính để đầu tư công trình bảo vệ môi trường và xử lý những rác thải tồn dư…”.
Tương tự, ông Vũ Minh Quân, Giám đốc công ty DVC Hà Nội nhận định, lĩnh vực nhập khẩu phế liệu tạo ra hạt nhựa tái chế cũng đã kém sôi động từ khi Nghị định 40 ra đời.
Theo ông Quân, hạt nhựa là loại nguyên liệu tái chế được đánh giá có tác hại mạnh đến môi trường do được sản xuất từ công thức hóa học nên khi quy định “DN nhập khẩu phải là DN sản xuất và có quy trình xử lý những chất thải độc hại” thì rất ít DN đạt được tiêu chuẩn do đầu tư quy trình xử lý không đơn giản chỉ là máy móc mà còn phải có một hệ thống xả thải để không gây ảnh hưởng môi trường. Điều này càng khó với DN vừa và nhỏ.
Tiêu thụ nội địa “lên ngôi”
Không chỉ bị siết về quy định, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cũng khó khăn bởi các nước nhập khẩu không gom được hàng.
“Tôi xin hạn ngạch nhập khẩu 50.000 tấn phế liệu nhưng vẫn chưa nhập về được lô nào do phía đối tác ở Mỹ, Nhật không gom được hàng. Do vậy, trước mắt tôi chọn hàng trong nước để thay thế, gom được bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu, vì thời gian này chúng tôi cũng sản xuất cầm chừng do tiêu thụ hàng chậm”, ông Vương bày tỏ.
Trước thực trạng trên, phần lớn DN sản xuất gần 1 năm qua đã chọn mua nguyên liệu tái chế có sẵn trong nước còn phần rác thải thì bán lại cho công ty có hệ thống xử lý môi trường.
Hành động này cũng tạo nên sự phân tầng tiêu thụ, một mặt giúp tiêu thụ trong nước mạnh lên, mặt khác kiểm soát rất tốt nguồn phế liệu về Việt Nam trong bối cảnh một số quốc gia đã có những động thái hạn chế hoặc dừng nhập khẩu phế liệu khiến cho các nước xuất khẩu chất thải rắn hay phế liệu phải chuyển hướng, tìm đối tác thị trường mới là các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
“Theo tôi, bước đầu dù có những khó khăn cho DN khi thay đổi hướng nguyên liệu, tuy nhiên, chúng ta cần phải chọn vì cái chung và không thể đánh đổi môi trường với sự thuận tiện hay giá rẻ bằng mọi giá”, ông Quân bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, bà Thanh Hương (Hưng Yên), chủ một cơ sở tái chế hạt nhựa cho biết, đã làm hồ sơ để đánh giá quy trình xử lý chất thải để xin giấy phép nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về nhưng đang trong thời gian chờ duyệt.
Theo bà Hương, DN nhập khẩu về và kiểm soát tại cửa khẩu, thời gian kiểm tra lâu khiến chi phí lưu kho cao, thậm chí cao hơn giá trị hàng khiến nhiều DN bỏ lại hàng tại cảng.
Trong khi, với quy định mới, DN phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu nhập về, tức là DN nếu không đảm bảo các điều kiện sẽ phải mất thêm khoản chi phí lớn nên từ đó, hạn chế việc nhập khẩu “không đảm bảo điều kiện 100%, hoặc tránh những trường hợp nhập lậu những phế phẩm không đảm bảo từ nước khác...
“Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định mới vì nó giúp thúc đẩy tiêu thụ nội địa và còn giảm lượng chất thải không mong muốn bị đưa về Việt Nam. Ngoài ra, cũng dần tạo thành thói quen cho DN trong nước nâng cao chất lượng dịch vụ, độ nhanh nhạy để phục vụ đối tác lớn khi họ quay lại chọn mua trong nước khi khó nhập khẩu”, bà Hương nói.
Nguồn: baogiaothong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn