Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan và không thể tái xuất được, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý. (Ảnh minh họa).
Sử dụng số tiền ký quỹ
Số tiền ký quỹ căn cứ trên khối lượng nhập khẩu: Dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Ngay sau khi nhận ký quỹ, tổ chức nhận ký quỹ xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vào văn bản đề nghị ký quỹ của tổ chức, cá nhân. Nội dung xác nhận ký quỹ phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau: tên tài khoản phong tỏa; tổng số tiền ký quỹ được tính toán theo quy định tại Nghị định này; thời hạn hoàn trả tiền ký quỹ thực hiện ngay sau khi hàng hóa được thông quan; thời hạn phong tỏa tài khoản (nếu có).
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật; Tổ chức nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sau khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kèm theo thông tin về số tờ khai hải quan nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đã được thông quan hoặc thông tin về việc hủy tờ khai hải quan nhập khẩu của cơ quan hải quan hoặc chấp hành xong quyết định tái xuất, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải.
Trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan và không thể tái xuất được, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu vi phạm. Nếu số tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu không đủ thanh toán toàn bộ các khoản chi phí để xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này.
Trường hợp số tiền ký quỹ còn thừa sau khi thanh toán để xử lý lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm, trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản về việc hoàn thành quá trình xử lý, tiêu hủy phế liệu của cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổ chức nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.
Tiêu hủy, xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm
Trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị có đủ năng lực để xử lý, tiêu hủy chất thải, phế liệu vi phạm; đơn vị xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm phải được ghi trong quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm, việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm do Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị có đủ năng lực để xử lý. (Ảnh minh họa).
Sản phẩm sau xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm có giá trị sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật (không bao gồm phần sản phẩm tạo ra từ nguyên liệu, phụ gia hoặc phế liệu khác được phối trộn theo quy trình sản xuất của đơn vị được chỉ định để xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm) và không được hạch toán vào chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm.
Các chuyên gia về môi trường nhận định, thực hiện việc ký quỹ này không chỉ tránh Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới mà còn bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam nhập khoảng 6,3 triệu tấn phế liệu sắt thép, với kim ngạch 1,67 tỷ USD, tương đương 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thông qua việc nhập khẩu phế liệu, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại. Điều này đã gây sức ép lớn đối với quá trình tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải trong công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hiện phế liệu sắt thép được phép nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ cho tái chế, đầu vào sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sắt thép của Việt Nam sử dụng các loại sắt thép phế liệu cho công đoạn nung, luyện phôi gang để tạo sản phẩm mới.
Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát hoạt động sản xuất từ phế liệu đến thành phẩm mới cần được quản lý và theo dõi nghiêm ngặt. Một số chuyên gia kinh tế lo ngại, việc Việt Nam nhập phế liệu, sản xuất phôi thép rồi lại xuất khẩu phôi thép cho các nước dễ khiến Việt Nam trở thành chuỗi sản xuất thô, ít giá trị gia tăng vừa gây rủi ro cho môi trường do hoạt động tái chế phế liệu mang lại.
Nguồn: kinhtemoitruong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn