Tỉnh đề ra mục giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 27.700 tỷ đồng, tăng bình quân 14%/năm, trong đó, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Sản xuất giấy tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa
Đóng góp quan trọng
Công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, quy mô ngành công nghiệp này đóng góp 60% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đây cũng là ngành liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GRDP tăng liên tục qua các năm.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng. Đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2022 xuất khẩu đạt hơn 90%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng gần 8%; chiếm 86% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp tới hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Vận chuyến sản phẩm bột barite tại Công ty 27-7 Khu công nghiệp Sơn Nam.
Đồng thời, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì được tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp chủ lực như: Bột giấy, giấy, dệt may, đồ gỗ... tăng trưởng ổn định, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp tỉnh.
Sản phẩm bột giấy, giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, cũng là sản phẩm chế biến có giá trị lớn nhất tỉnh. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết: Từ ngày được công nhận Thương hiệu Quốc gia, 70% sản phẩm giấy của công ty bán tại thị trường trong nước. Các đơn vị đã lựa chọn sản phẩm của đơn vị thay cho sản phẩm giấy nhập khẩu, vừa giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong nước, vừa giảm giá bán cho người tiêu dùng trong nước. Sản phẩm bột giấy tham gia thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn khi là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trên thị trường hơn 20 nước.
Thực tiễn gần 3 năm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã chứng minh cho vai trò quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững nền kinh tế.
Tạo lực phát triển
UBND tỉnh đã triển khai 223 kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 97 dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến. Trong đó, chế biến nông sản có 15 dự án, chế biến lâm sản có 25 dự án, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có 28 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khác có 7 dự án và công nghiệp dệt may da giày có 11 dự án. Các dự án công nghiệp phụ trợ cũng đang bắt đầu được các nhà đầu tư đổ về Tuyên Quang.
Hiện, toàn tỉnh có 18 dự án, trong đó lĩnh vực cơ khí có 3 dự án, trong đó 1 dự án đã hoạt động sản xuất; 2 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư là Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí; Nhà máy sản xuất, chế tạo các cấu kiện kim loại, sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới, máy công trình, công suất kết cấu thép. Về công nghiệp phụ trợ khác có 15 dự án, trong đó lắp ráp linh kiện điện tử có 2 dự án là Nhà máy sản xuất, gia công thiết bị tai nghe FUTURE OF SOUND VINA; Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử K-Electronic II hiện đang trong quá trình đầu tư dự án.
Ngoài ra là các nhà máy sản xuất bao bì, vải bạt... Tỉnh công bố Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 325/QĐ-TTg, ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chủ động triển khai có hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng như giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước và công nghệ hạ tầng số làm cơ sở cho thành lập, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có trong quy hoạch làm cơ sở thu hút đầu tư.
Với những bước đi cụ thể này, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đang được “tiếp sức” phát triển trong những năm tới.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn