Ngành giấy là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều tinh bột. Tinh bột đóng vai trò là tác nhân nâng cao chất lượng sản phẩm (độ bền cơ học, độ bền bề mặt, độ nhẵn, khả năng chống thấm, tính chất in v.v.) và trợ giúp quá trình công nghệ như tăng khả năng thoát nước của giấy trên phần ướt máy xeo và trợ bảo lưu chất độn và xơ sợi vụn. Tinh bột có trong hầu hết các loài thực vật, đặc biệt nhiều trong củ hoặc hạt của một số loại ngũ cốc như sắn, khoai tây, ngô (corn), ngô dầu (waxy maize), lúa mì, gạo v.v…
Hạt tinh bột sắn Tinh bột sắn
Ảnh hưởng độ thế tinh bột cation đến độ bảo lưu chất độn và xơ sợi, cũng như tới tính chất cơ lý của giấy vẫn chưa được các nhà sản xuất quan tâm nghiên cứu cải thiện. Các sản phẩm tinh bột cation thương mại cung cấp tại các nhà máy thường có độ thế khoảng 0,027. Để chất lượng sản phẩm tinh bột cation có độ thế ≥ 0,03, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất tinh bột cation độ thế cao từ tinh bột sắn tự nhiên dùng trong sản xuất giấy”. Đề tài đã xác lập được quy trình công nghệ sản xuất tinh bột cation độ thế cao từ tinh bột sắn tự nhiên, sản xuất được tinh bột cation có độ thế (DS) ≥ 0,03 từ tinh bột sắn và đã thiết kế, cải tạo, lắp đặt được hệ thống tổng hợp tinh bột cation quy mô pilot với công suất 100kg/ngày hay 50kg/ mẻ cation hóa.
Kết quả sản xuất tại Xưởng thực nghiệm cho thấy đây là một đề tài có khả năng áp dụng trong thực tế sản xuất công nghiệp rất cao do quy trình công nghệ tương đối đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với dây chuyền thiết bị mà các cơ sở sản xuất tinh bột sắn hiện nay đang sử dụng và tiết kiệm nhiều chi phí cho quá trình sản xuất.
Nguồn: Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất tinh bột cation độ thế cao từ tinh bột sắn tự nhiên dùng trong sản xuất giấy”
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn