banner_2021_1_

Ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy: Cần định hướng đúng

Ngày 24-07-2020

Công nghiệp giấy đã trở thành một trong những ngành công nghiệp chế biến lớn của thế giới, với sản lượng và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng.

Ngành giấy của Việt Nam có tốc độ phát triển khá cao, trên 10%/năm.

Cùng với sự phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan, các ngành công nghiệp phụ trợ, các dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy đã không ngừng phát triển cả về quy mô công suất, lẫn mức độ tinh vi.

Tại Việt Nam, ngành giấy có tốc độ phát triển khá cao, trên 10%/năm. Đặc biệt là năm 2018, ngành giấy Việt Nam thiết lập mức tăng trưởng cao nhất khi tiêu dùng các sản phẩm giấy đạt sản lượng 4,946 triệu tấn (tăng trưởng 16%); sản xuất đạt sản lượng 3,674 triệu tấn (tăng trưởng 31%); xuất khẩu đạt sản lượng 809.250 tấn (tăng trưởng 63%); nhập khẩu đạt 2081 tấn (tăng trưởng 6%) so với năm 2017.

Để định hướng cho các doanh nghiệp ngành giấy phát triển ổn định và bền vững trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách, quản lý cần phải có những cơ sở khoa học về lý luận cũng như thực tiễn về xu hướng phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất của ngành giấy trong nước và trên thế giới.

Nhằm có cái nhìn tổng quát và định hướng đúng đắn, năm 2018, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới". Đây là đề tài thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì. TS. Cao Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô làm chủ nhiệm.

Mục tiêu chính của nhiệm vụ là xây dựng được cơ sở dữ liệu về hiện trạng công nghệ - thiết bị, và thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy, từ đó đề xuất các định hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030.

Ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy: Còn nhiều khó khăn

Báo cáo trước hội đồng nghiệm thu, TS. Cao Văn Sơn – Chủ nhiệm đề tài cho biết, ngành công nghiệp giấy của nước ta có quy mô nhỏ, lạc hậu so với khu vực. Mặc dù số lượng doanh nghiệp giấy nhiều nhưng phần lớn là doanh nghiệp có công suất vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế nên việc áp dụng công nghệ cao cho ngành công nghiệp giấy trong nước còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách, đặc biệt là hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường còn hạn chế, khó tiếp cận. 

Theo TS. Cao Văn Sơn, khó khăn lớn nhất đối với việc ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vào trong ngành giấy ở nước ta chính là chi phí đầu tư ban đầu lớn trong khi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc vay vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp trong ngành giấy là rất khó khăn do đây không phải là ngành được ưu tiên phát triển. Chưa kể, nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng tiếp nhận, triển khai các công nghệ - thiết bị mới, công nghệ hiện đại còn rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ chuyên ngành giấy, bột giấy.

"Hiện nay, nhiều nhà máy chỉ có 1 - 3 kỹ sư công nghệ giấy làm việc, thậm chí có nhà máy không có một kỹ sư công nghệ hay lao động có trình độ tương đương nào", TS. Cao Văn Sơn cho biết.

Nguyên nhân của thực trạng này là do việc đào tạo nhân lực chuyên ngành giấy chỉ duy nhất có ở Trung tâm Polyme - Giấy, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - đơn vị có đào tạo hệ đại học và trên đại học chính quy chuyên ngành giấy, bột giấy. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đào tạo được cũng chỉ dừng ở mức 10 sinh viên mỗi khóa. Ngoài ra, Trường CĐ Công Thương Phú Thọ cũng thực hiện đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp nghệ chuyên ngành giấy nhưng số lượng cũng rất hạn chế.

._cao_vn_sn_bo_co_nghim_thu

Cao Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu chiều ngày 15 tháng 7.

Ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy: Cần định hướng đúng

Trong khuôn khổ nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao, từ các kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ, thiết bị và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao tại các doanh nghiệp sản xuất bột giấy, giấy tissue, giấy bao bì, giấy in và giấy viết trong nước, TS. Cao Văn Sơn và nhóm thực hiện đã đề xuất một số định hướng ưu tiên ứng dụng và phát triển công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong sản xuất bột giấy và giấy, hóa chất phụ gia và xử lý chất thải gồm các lĩnh vực: 1) Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nguyên liệu dăm mảnh gỗ, tẩy trắng bột giấy, xử lý bột giấy nhằm giảm năng lượng nghiền, khử mực giấy loại, xử lý nước thải và trong sản xuất một số phụ gia cho sản xuất giấy. 2) Ứng dụng các hệ thống DCS. QCS hiện đại trong quản lý, vận hành và kiểm soát quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản trị doanh nghiệp. 3) Ứng dụng các loại hóa chất, phụ gia mới nhằm tăng cường chất lượng các sản phẩm giấy. 4) Ứng dụng các vật liệu nano trong quá trình tráng phủ và xử lý bề mặt. 

Từ các định hướng trên, đề tài tiếp tục đề xuất được lộ trình áp dụng các công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu cho ngành công nghiệp giấy đến năm 2030 cũng như đề xuất được một số giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao trong sản xuất giấy, bột giấy và các sản phẩm hóa chất phụ gia đến 2030. 

Dự kiến, kết quả của đề tài "Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới" có thể được ứng dụng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý và sản xuất bột giấy và giấy.

Kết quả nghiên cứu của đề tài tài còn góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Đây cũng là cơ sở cho các cơ quan quản lý về công nghệ - thiết bị ngành giấy, kiểm soát các công nghệ lạc hậu, tạo một thị trường giấy phát triển bền vững, tiến tới định hướng về sản xuất xanh - sạch, sản phẩm ngành giấy tiến tới tiêu chí xanh, góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn: congnghiepcongnghecao.com.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 19
Trong tuần: 604
Lượt truy cập: 1435767

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn