Giấy bao bì công nghiệp là một trong những sản phẩm chính của ngành công nghiệp Giấy Việt Nam, chiếm đến trên 70% tổng nhu cầu tiêu dùng nội địa (giấy lớp mặt và lớp sóng cho sản xuất thùng cactông đáp ứng được trên 80% (2018)). Tuy nhiên, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu trên một triệu tấn giấy bao bì các loại, chủ yếu là các sản phẩm giấy chất lượng cao.
Ngày 31/5/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện dự án.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành giấy là cần thay đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế nhập khẩu. Song song với phát triển sản xuất cần đặc biệt chú ý vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ứng dụng chế phẩm sinh học enzyme vào quá trình sản xuất giấy đang mở ra hướng đi mới cho ngành giấy trên thế giới nói chung và ngành giấy Việt Nam nói riêng. Trong những năm gần đây, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng này đã bắt đầu được quan tâm nhiều, tuy nhiên các nghiên cứu chủ yếu mới dừng ở quy mô thí nghiệm và thử nghiệm. Các kết quả ứng dụng vào sản xuất thực tế còn khá khiêm tốn.
Năm 2017, trong khuôn khổ triển khai đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” do Bộ Công Thương chủ trì, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo đã được Bộ giao thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ ứng dụng enzyme để nâng cao năng suất và chất lượng giấy bao bì công nghiệp” . Dự án do Th.S Hy Tuấn Anh làm chủ nhiệm. Kết quả nghiêm cứu và sản xuất thử nghiệm của dự án bước đầu đã đạt được kết quả khả quan: tăng năng suất chạy máy, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần giải quyết vấn đề môi trường đối với nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp.
Thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm
Các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp của nước ta đa phần có công suất nhỏ và trung bình, chất lượng sản phẩm chỉ đạt mức chất lượng trung bình và thấp. Do đó, việc nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng giấy bao bì có ý nghĩa rất quan trọng. Ứng dụng chế phẩm sinh học vào quá trình sản xuất giấy, bột giấy giúp tăng hiệu suất thu hồi giấy loại, giảm lượng hóa chất sử dụng, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, cải thiện khả năng thoát nước, tăng tốc độ máy xeo.
Sản xuất thử nghiệm tại Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm
Enzyme là chất xúc tác sinh học tạo điều kiện cho một loạt các phản ứng với ưu điểm là có tính chọn lọc cao, tốc độ phản ứng nhanh. Trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy có thể ứng dụng nhiều loại enzyme khác nhau như xylanase giúp giảm hóa chất tẩy trắng và tăng độ sáng của bột giấy; lipase kiểm soát chất trích ly có trong bột giấy; esterase kiểm soát chất bám dính; amylase để biến tính tinh bột; protease kiểm soát vi khuẩn và màng sinh học…
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thực hiện nhiều khảo sát, phân tích, đánh giá hiện trạng công nghệ - thiết bị thực tế sản xuất tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp có quy mô từ 10.000 tấn/năm trở lên. Nhóm thực hiện dự án đã lựa chọn Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm để thực hiện cải tạo và hoàn thiện dây chuyền để ứng dụng enzyme esterase và một số loại enzyme khác vào quá trình sản xuất giấy bao bì và tiến hành sản xuất thử nghiệm.
Th.S Hy Tuấn Anh - Chủ nhiệm dự án trình bày kết quả nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm
Th.S Hy Tuấn Anh chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu của dự án là nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ, thiết bị để sản xuất giấy bao bì công nghiệp (quy mô dây chuyền ≥ 10.000 tấn/năm) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu suất vận hành dây chuyền thiết bị sản xuất. Sau 2 năm triển khai, dự án đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm sản xuất được trên 1.000 tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp đạt chất lượng cao. Sản phẩm ngay sau khi sản xuất đã được khách hàng đón nhận bởi các ưu điểm vượt trội (cùng định lượng giấy có tính chất cơ lý cao hơn, bề mặt giấy lớp mặt sạch, nhẵn hơn…).
Thân thiện môi trường
Ưu điểm vượt trội của việc ứng dụng công nghệ enzyme trong sản xuất giấy bao bì công nghiệp đó là cải thiện vấn đề môi trường. Quy trình công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất giấy bao bì công nghiệp giúp giảm tải lượng, giảm thời gian lưu nước thải trong hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, giảm 5 -10% lượng hóa chất cho quá trình xử lý hóa lý trong dây chuyền xử lý nước thải, giảm mùi và cải thiện môi trường làm việc của công nhân trong dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đánh giá về nước thải, chất thải rắn đều tích cực hơn so với trước khi ứng dụng công nghệ enzyme.
Với thành công bước đầu tại quy mô thử nghiệm, nhóm thực hiện dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao rộng rãi công nghệ cho các doanh nghiệp tương tự trong nước.
Nguồn: congnghesinhhoc.com.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn