Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, ngành giấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội để mở rộng, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, ngành giấy cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngành giấy Việt Nam có triển vọng lớn mở rộng, phát triển sản xuất
Hiệu quả từ sự hỗ trợ kịp thời
Ông Hoàng Trung Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - nhận định: Sự hỗ trợ về công nghệ của Bộ Công Thương trong thời gian qua đối với ngành công nghiệp giấy rất đáng ghi nhận. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ không đủ điều kiện để triển khai ứng dụng KH&CN cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo động lực cho ngành nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh...
Trên thực tế, chỉ riêng với sự hỗ trợ từ Chương trình “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” do Bộ Công Thương quản lý, nhiều dự án đã giải quyết những vấn đề cấp thiết của ngành giấy. Tiêu biểu như Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolyme styren acrylat và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp” do Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm phối hợp với Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô thực hiện. Kết quả của dự án đã tạo ra chất chống thấm thế hệ mới cung ứng cho ngành công nghiệp giấy một sản phẩm mới, giúp DN tăng tính chủ động trong sản xuất và góp phần giảm chi phí sản xuất.
Hay, Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm dạng khô” do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Xen_lu_lo thực hiện. Kết quả của dự án góp phần tạo sản phẩm giấy bao gói “Made in Vietnam” dùng cho thực phẩm khô. Chất lượng sản phẩm tạo ra từ quá trình nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước hiện nay, là cơ sở để các DN có thể đầu tư hướng đến dòng sản phẩm này, tăng cường khả năng cạnh tranh và thay thế một phần sản lượng đang phải nhập khẩu.
Tăng năng lực cạnh tranh
Ngành công nghiệp giấy Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nhìn chung, công nghệ - thiết bị của các DN sản xuất bột giấy và giấy trong nước còn ở mức thấp và trung bình khá so với các nước trên thế giới. Phần lớn DN ngành giấy Việt Nam thuộc nhóm có quy mô vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất với công suất <10.000 tấn/năm, chiếm khoảng 20% tổng công suất toàn ngành. Trong khi đó, sản lượng giấy do các DN FDI sản xuất chiếm hơn 50% tổng sản lượng giấy sản xuất trong nước. Việc mở rộng đầu tư của các DN FDI với những dây chuyền sản xuất quy mô, công nghệ hiện đại, tân tiến, đã góp phần nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật ngành giấy nhưng cũng đặt sức ép lên các DN nội buộc phải đổi mới, đầu tư cho KH&CN nếu không muốn đối diện với nguy cơ mất thị trường.
Ông Ngô Tiến Luân - Trưởng Phòng kỹ thuật (Tổng công ty Giấy Việt Nam) - chia sẻ: Với dây chuyền sản xuất vận hành trong gần 30 năm qua, nhu cầu cải tiến, ứng dụng KH&CN để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh là tất yếu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, đội ngũ KH&CN trong và ngoài nước.
Theo PGS.TS. Lê Quang Diễn - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, DN ngành giấy cần phải chủ động và tự lực hơn nữa trong ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất, kinh doanh, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Các định hướng KH&CN trong thời gian tới cần phải hướng tới xây dựng những nhiệm vụ thiết thực, khả thi nhằm khai thác những thế mạnh của ngành công nghiệp giấy phục vụ nhu cầu cho toàn ngành và xã hội.
Theo các chuyên gia, ngành giấy trong nước cần phải thay đổi công nghệ, thiết bị theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, loại bỏ dần các công nghệ và thiết bị lạc hậu, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường.
Nguồn: congthuong.vn
Người gửi / điện thoại
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà NộiĐiện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn