banner_2021_1_

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất

Ngày 27-09-2023

 

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm. Chỉ riêng giai đoạn 2015-2020, năng lực sản xuất giấy của nước ta đã tăng trung bình trên 30%/năm; sản lượng sản xuất tăng trung bình trên 25%/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng tăng trên 12%/năm; nhập khẩu tăng trung bình 3%/năm và xuất khẩu tăng trung bình trên 65%/năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp giấy của nước ta vẫn thuộc nhóm có quy mô nhỏ, lạc hậu so với khu vực với phần lớn doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy công suất vừa và nhỏ.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Lý Quốc Hùng (ở giữa, áo xanh) tham quan xưởng thực nghiệm tại Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Là một đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực giấy với đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm và vững chuyên môn, trong thời gian qua, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Kết quả từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Viện ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều doanh nghiệp, góp phần phát triển ngành công nghiệp giấy của Việt Nam.

Cụ thể, trong giai đoạn 2018 – 2022, Viện đã hoàn thành nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm” thuộc Chương trình tái cơ cấu ngành Công Thương. Nhiệm vụ đã đánh giá được hiện trạng sử dụng nguyên liệu, năng lượng, công tác quản lý kỹ thuật tại các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm; đồng thời đưa ra được các nhận định về công nghệ và công tác quản lý sản xuất. Từ đó, Viện đã xây dựng, đề xuất được 13 giải pháp về kỹ thuật và 03 giải pháp về quản lý sản xuất nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đại diện Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cho biết, các giải pháp đã được triển khai, áp dụng tại Công ty Cổ phần Giấy Mục Sơn và đang được tiếp tục triển khai tại một số doanh nghiệp khác trong ngành.

Một đề tài nổi bật khác cũng được Viện thực hiện trong giai đoạn 2018-2022 là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nanocellulose và nanochitosan cho sản xuất giấy bao gói thực phẩm”. Sau nhiều tháng triển khai, nhóm nghiên cứu của Viện đã xác lập được quy trình công nghệ sản xuất nanocellulose từ bột giấy sunfat; nanochitosan từ chitosan thương phẩm; chế tạo được nanocellulose và nanochitosan có kích thước ≤ 200 nm. Đáng chú ý, Viện từng bước ứng dụng cho xử lý bề mặt trong sản xuất giấy bao gói thực phẩm đảm bảo các chỉ tiêu cơ lý, tính chất của giấy bao gói là khả năng chống thấm nước, chống thấm dầu mỡ, các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học cho bước sản xuất thử nghiệm và làm chủ lĩnh vực sản xuất vật liệu nano sinh học, giấy bao gói thực phẩm trong nước.

hot_ng_nghin_cu_ca_vin

Nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô còn thực hiện thành công nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor- Giá thể sinh học tự do) nâng cao hiệu quả xử lý sinh học hiếu khí tại nhà máy giấy bao bì”. Theo đó, công nghệ MBBR đã được Viện chuyển giao, ứng dụng thành công trên hệ thống xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm với công suất 4.200 m3/ngày đêm, chất lượng nước sau xử lý đạt cấp A theo QCVN 12-MT:2015/BTNMT. Đại diện Viện cho biết, công nghệ này đang tiếp tục được chuyển giao, ứng dụng tại dây chuyền 2 của Công ty Cổ phần Giấy Hưng Hà.

Bên cạnh nhiệm vụ kể trên, Viện còn phối hợp với Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm thực hiện dự án cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp” thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Kết quả, dự án đã xây dựng được 01 dây chuyền sản xuất keo copolymer styren acrylate (SAE) dùng để chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp công suất 50 tấn/tháng đặt tại Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm. Đáng chú ý, sản phẩm của dự án đã được thương mại hoá, cung cấp cho hơn 10 đơn vị sản xuất bao bì ở khu vực miền Bắc với giá thành hạ, chất lượng tốt hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành giấy và tiêu dùng của xã hội, trong thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong ngành giấy Việt Nam chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất bột giấy BHKP; tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý các loại nguyên liệu, phụ gia nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm giấy bao bì, giấy in và giấy viết, giấy tissue; nghiên cứu công nghệ sản xuất các mặt hàng giấy đặc biệt, giấy kỹ thuật; cải tạo và nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn nhằm đạt yêu cầu về xả thải theo QCVN…

Nguồn: khcncongthuong.vn

Bình luận

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
bocongthuong4hhgiaybokhcntissue_
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 58
Trong tuần: 638
Lượt truy cập: 1374413

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Địa chỉ: 59 Vũ Trọng Phụng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 024.3858.1072; Email: viengiayvietnam@gmail.com; Website: http://rippi.com.vn